Những năm qua chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn xã Quảng Hiệp huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Trong đó địa phương có những mô hình, cách làm sáng tạo, mang tính đột phá được nhân rộng trong toàn huyện như: tuyến đường hoa, mô hình liên kết 4 nhà, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, giúp nhau giảm nghèo bền vững qua mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Thời gian trước, một số mặt hàng nông sản truyền thống bị rớt giá, khiến nhiều nông hộ trong vùng Tây Nguyên lao đao. Trong bối cảnh đó, bà con xã Quảng Hiệp đã được chính quyền địa phương hỗ trợ chuyển đổi mô hình chăn nuôi, mang lại thu nhập đáng kể.
Đơn cử, mô hình nuôi chồn hương, nuôi dúi,… thương phẩm không những mang lại hiệu quả kinh tế riêng cho các hộ gia đình mà còn mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho người dân ở địa phương.
So với nhiều loại vật nuôi khác, đầu ra của con giống và chồn thương phẩm khá ổn định. Chồn là giống ễ nuôi, ít bệnh dịch, chi phí đầu tư cho chuồng trại, thức ăn thấp, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Nuôi chồn cũng không tốn quá nhiều diện tích đất, chuồng được làm từ khung, lưới sắt, mỗi chuồng chỉ rộng chừng nửa mét vuông. Tuy đầu tư ít nhưng thu nhập mà chúng mang lại rất cao, cao hơn nhiều so với những vật nuôi khác. Mỗi cặp chồn giống khoảng 3 tháng tuổi hiện nay trên thị trường có giá khoảng 5 triệu đồng, về nuôi 1 năm là chồn sinh sản, mỗi con chồn cái sinh sản bình quân từ 3-4 con. Sau khoảng 3 tháng người nuôi đã có thể bán giống hoặc gây nuôi chồn thương phẩm.