Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm cương lĩnh.
Năm 1943, khi bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, dân tộc ta vẫn chưa giành được độc lập, đất nước ta vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới.
Trải qua 80 năm kiên cường đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nước Việt Nam chúng ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong đó, phải thấy rõ rằng, ở bất cứ một giai đoạn, một thời điểm lịch sử nào, Đảng ta đều luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, luôn kế thừa, phát huy những luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của bản Ðề cương, không ngừng đổi mới tư duy nhận thức, bổ sung lý luận, hoàn thiện các chủ trương, đường lối về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Từ chỗ chỉ tập trung vào phạm vi ba lĩnh vực trọng yếu của văn hóa nước nhà mà bản Đề cương nêu ra là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, chúng ta đã đặt ra yêu cầu mới về xây dựng đồng bộ và toàn diện các yếu tố cấu thành nên nền văn hóa, các thành tố, các lĩnh vực văn hóa, từ tư tưởng, đạo đức, lối sống đến môi trường và đời sống văn hóa; từ di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật đến thể chế và thiết chế văn hóa, xây dựng và phát triển hệ giá trị mới của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và mục tiêu phấn đấu vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định, bản Đề cương có cách đặt vấn đề ngắn gọn nhưng đã trình bày rất nổi bật quan điểm lý luận, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của một đảng cách mạng về văn hóa khi đảng mới chỉ hơn 13 năm tuổi.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, từ chỗ chỉ tập trung vào phạm vi ba lĩnh vực trọng yếu của văn hóa nước nhà mà bản Đề cương nêu ra là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, chúng ta đã đặt ra yêu cầu mới về xây dựng đồng bộ và toàn diện các yếu tố cấu thành nên nền văn hóa, các thành tố, các lĩnh vực văn hóa, từ tư tưởng, đạo đức, lối sống đến môi trường và đời sống văn hóa; từ di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật đến thể chế và thiết chế văn hóa, xây dựng và phát triển hệ giá trị mới của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và mục tiêu phấn đấu vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Từ cách đặt vấn đề về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế và chính trị, ngày nay, chúng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước; cần khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm” lớn lao, chuyển hóa các tài nguyên, giá trị văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị gia đình Việt Nam thành những giá trị phát triển; làm cho văn hóa không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thấm sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.
Từ yêu cầu thực hiện ba nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” trong cuộc vận động văn hóa thời kỳ tiền khởi nghĩa, Ðảng ta đã bổ sung, phát triển thành những thuộc tính “nhân dân”, “nhân văn” và “dân chủ” của nền văn hóa, góp phần xử lý hài hòa nhiều mối quan hệ lớn, phức tạp trong thực tiễn phát triển văn hóa, con người hôm nay, như mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa xây và chống, giữa giữ gìn bản sắc dân tộc và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, giữa tính truyền thống và tính hiện đại, giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa,...
"Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương, ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế", ông Nguyễn Xuân Thắng đúc kết.