"Khách sạn thú cưng" cháy phòng
Chia sẻ về dịch vụ chăm sóc thú cưng ngày cận Tết, chị Vũ Thị Thu Hương (SN 1988), chủ một cơ sở chăm sóc thú cưng cao cấp tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, hiện các phòng đã được khách đặt kín. Ngoài lượng khách quen, số khách lạ năm nay khá nhiều.
Hai tầng khách sạn thú cưng của chị Hương có khoảng 20 phòng. Trong các phòng đều được trang bị đầy đủ từ chỗ ăn, ngủ, đi vệ sinh. Mỗi phòng ở của chó mèo có nệm và thau cát riêng, có trụ cào móng giải tỏa căng thẳng và tã lót sạch sẽ. Phòng liên tục được nhân viên dọn dẹp, tránh để tình trạng có mùi hôi.
Thú cưng được khách sạn nhận chủ yếu là mèo, số ít là chó. Chị cho biết, các con vật khách sạn tiếp nhận phải được tiêm chủng đủ số mũi quy định. Khách hàng có trách nhiệm trình giấy tiêm chủng cho nhân viên.
Giá cả dành cho dịch vụ trông giữ thú cưng khoảng 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên mức giá còn dao động tùy thuộc vào cân nặng của mỗi con vật. Con vật nào to, nặng, giá sẽ nhỉnh hơn một chút. Ngoài việc chăm sóc thú cưng, khách sạn cũng kèm thêm các dịch vụ làm đẹp như cắt tỉa, nhuộm màu lông, tắm gội.
Làm nghề dịch vụ, chị Hương luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Không chỉ việc chăm sóc, thực đơn cho chó, mèo như các loại hạt, pate, thịt... cũng thuộc hàng cao cấp.
Khi chăm sóc thú cưng của khách, ban đầu, nhân viên của khách sạn sẽ chia lượng thức ăn theo công thức dựa trên cân nặng của vật nuôi. Sau đó, nhân viên sẽ quan sát lượng ăn của mỗi con vật để có sự điều chỉnh hợp lý. Một số “bé" không ăn, khách sạn phải tạo thực đơn riêng hoặc có sự điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
Ngoài việc ăn 3 bữa mỗi ngày, các “bé” sẽ được chụp hình, gửi video hoặc gọi điện trực tiếp để chủ nuôi có thể theo dõi tình hình.
Khó khăn trong việc trông thú cưng tại khách sạn theo chị Hương chính là cách làm thế nào để các “bé” không bị bệnh. Vậy nên khi khách hàng mang thú cưng đến gửi, chủ khách sạn phải kiểm tra rất kĩ từ tình hình tiêm chủng đến bệnh tật.
Bé nào có bệnh, chủ khách sạn sẽ từ chối nhận để hạn chế lây bệnh cho những con vật khác. Trong quá trình chăm sóc, nếu có thú cưng mắc bệnh, các nhân viên có chế độ chăm sóc riêng, tách riêng với những con vật không bị bệnh để tránh lây chéo.
Chị Hương cho hay, những năm trở lại đây, dịch vụ trông giữ thú cưng nở rộ hơn trước. Không chỉ cơ sở của chị mà những nơi chị biết cũng rất đắt khách dịp Tết.
Một số người không thể mang theo thú cưng về quê dịp Tết hoặc đi du lịch dài ngày nên phải gửi. Một số người bỏ tiền làm đẹp cho chúng trước khi cho về quê cùng.
"Lượng khách gửi năm nay tăng nhiều so với năm trước. Đa số khách gửi từ 26-27 Tết đến ngày mùng 6-7 tháng Giêng. Đặc biệt năm nay là năm Mão nên khách đưa ra yêu cầu khắt khe hơn với những chú mèo được gửi đến. Ngoài việc chăm sóc cẩn thận, có người chọn làm thêm dịch vụ tắm, tỉa, nhuộm lông. Một số khách yêu cầu thực đơn riêng cho mèo và phải gửi hình ảnh bữa ăn hàng ngày", chị Hương cho biết.
Anh Nguyễn An, một khách hàng có mặt tại khách sạn thú cưng cho biết: "Năm nay các cơ sở chăm sóc thú cưng cháy phòng sớm. Mình đặt nhiều chỗ không có. May ở đây còn phòng nên quyết định cọc luôn. Mình đi du lịch cùng gia đình nên không thể mang cún đi cùng. Vì phải gửi đến mùng 10 tháng Giêng mới đón được nên mình muốn chọn cơ sở nào uy tín, sạch sẽ".
Nhân viên nhiều năm không có Tết
“Chăm sóc chó mèo là một nghệ thuật. Nó không chỉ đòi hỏi người làm phải có kĩ năng, hiểu biết về thú cưng mà hơn cả là sự kiên trì và tình yêu thương động vật vô điều kiện”, chị Thu Hương chia sẻ.
Sau 4 năm dày công gây dựng, trải qua không ít khó khăn, chị Hương hiện khá hài lòng với cơ sở hiện tại của mình.
Nói về tiêu chí tuyển người làm, chị Hương cho hay, mỗi nhân viên đều được chọn kĩ lưỡng. Người đến xin việc đa số phải có kinh nghiệm chăm sóc thú cưng hoặc học chuyên ngành thú y. Hơn cả, đó phải là những người có tình yêu với động vật, thực sự tâm huyết với nghề. Những ai chưa thạo, chị sẽ tận tình chỉ dạy.
Nhân viên tại đây không chỉ biết cách chăm sóc, làm đẹp cho cún mà còn phải biết bày trò chơi, giúp chúng gần gũi, vui vẻ hơn. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, không ít người gặp rủi ro nghề nghiệp.
“Có nhiều con vật mới đến khá dữ, nhân viên từng bị thương. Không ít nhân viên bị mèo cào dù các bạn ấy đã bảo hộ như đeo khẩu trang, găng tay”, chị Hương cho hay.
“Dù là ngày Tết hay ngày thường, khách sạn vẫn luôn mong muốn phục vụ tốt nhất có thể. Nhân viên phải trực xuyên Tết để thú cưng được chăm tốt nhất. Vì vậy giá dịp Tết có tăng một chút để bù vào phần công sức trực của nhân viên”, chị Hương chia sẻ.
Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc thú cưng, bà chủ sinh năm 1988 dành lời khuyên cho những người muốn đưa các “bé” về quê trong dịp Tết: “Nên tiêm phòng dại cho thú cưng trước khi mang về quê. Ngoài ra, nên cho thú cưng vào chuồng riêng, chuẩn bị đủ quần áo ấm. Thức ăn cho chó mèo những ngày nghỉ Tết phải luôn đảm bảo đầy đủ, giàu dinh dưỡng”.