Trên thực tế, đoàn thu gom chó chạy rông cũng phải linh động trong công tác xử lý. Ngoài phối hợp chặt chẽ với địa phương tránh các trường hợp chủ vật nuôi bị kích động, đội xử lý cũng phải “mềm mỏng” khi vật nuôi có chủ bên cạnh dù không có xích cổ hay rọ mõm. Một thành viên trong tổ công tác chia sẻ: “Chó không chạy ra đường sao mà bắt, chó đứng trong nhà bắt được sao?!”.
Đa phần các chủ vật nuôi và người dân tại địa bàn đều cố thuyết phục để "giải cứu" vật nuôi khi chó của nhà mình bị bắt giữ với lập luận kiểu như: “Đứng trong nhà mà cũng bắt” hay “Con này nó hiền muốn chết, có cắn ai đâu”…
Ông Dương Thanh Đa - Đội trưởng đội bắt chó chạy rông TPHCM cho biết: “Khi vật nuôi ra đường không rọ mõm, xích cổ, không có người chăn dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, theo quy định, mức phạt là 600 – 800.000 đồng. Không tiêm ngừa bệnh dại cho động vật bắt buộc tiêm phòng thì mức phạt cũng từ 600-800.000 đồng”.
Chó bị bắt trước khi đưa về đội sẽ được báo số lượng với công an địa phương. Sau đó người nhà sẽ mang giấy tờ tùy thân và giấy tiêm phòng lên địa chỉ Đội Bắt chó thả rong tại số 252 đường Lý Chính Thắng, phường 9, Quận 3 để nhận diện và đóng phạt, sau đó sẽ được nhận thú nuôi về.
Nếu trường hợp chủ vật nuôi không có giấy chứng nhận tiêm phòng, Đội sẽ liên hệ ngay với lực lượng Thú y quận 3 vào làm thủ tục tiêm phòng tại chỗ mới được nhận chó về.
Theo quy định, chó bị bắt 3 ngày mà không có chủ đến nhận sẽ bị tiêu hủy. Quy định là như thế, nhưng trên thực tế, anh Nguyễn Xuân Vũ, thành viên của đội chia sẻ: “Chó còn khỏe tiêu hủy sao đành anh, đưa lên trường Nông Lâm phục vụ công tác giảng dạy, còn không thì đưa qua ngành y để nghiên cứu y khoa”.
“Chó mà tiêu hủy là những chú quá yếu, không thể cứu, chúng tôi mới tiêm thuốc, xử lý hóa chất rồi đưa lên bãi rác Đông Thạnh, nơi có lò đốt. Mỗi một trường hợp chó bị tiêu hủy đều có giấy tờ đàng hoàng, trên mạng không biết, họ hiểu không đúng, oan cho tụi này lắm”, anh Vũ cười mếu xệch.
Các đội viên còn kể, nhiều chú chó còn ở đội cả tháng để chờ chủ đến hoặc chờ các đơn vị yêu cầu, thời gian ở đội lâu nên cũng "mến tay mến chân". Trên thực tế, địa bàn TPHCM ít có chó hoang, những chú chó bắt về thường là chó quý, chó đắt tiền, ít có chó “cỏ”.
“Hiện nay, Đội bắt chó thả rông thuộc chi cục Thú y TPHCM có một xe chuyên dùng duy nhất mang biển số 50 A 000.03 có gắn chuồng kiên cố, hai bên hông xe có bảng tuyên truyền về bệnh dại, có số điện thoại và địa chỉ nơi giữ chó, xe trang bị đèn và còi ưu tiên, nhân viên mặc áo và đội nón xanh dương, sau lưng có dòng chữ Chi cục Thú y thành phố- Trạm phòng chống dịch- Kiểm dịch động vật”, Đội trưởng Dương Thanh Đa khẳng định.
Khi thực hiện công tác thu gom, bắt giữ chó đội có sự hỗ trợ, giám sát từ lực lượng địa phương như công an, thú y… Chính vì thế, nếu có trường hợp hợp giả mạo, khác với những đặt điểm nêu trên thì người dân cần nâng cao cảnh giác.
Theo Dân Trí