Lãnh đạo Công ty Cơ khí Duy Khanh đã có quyết định táo bạo khi đầu tư 180 tỷ đầu cho một nhà máy mới trong thời điểm nhạy cảm, dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường.
Tuy nhiên, đây cũng là động thái thể hiện quyết tâm của đơn vị muốn gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. “Liều” để tìm cơ hội phát triển dựa nền tảng có sẵn chứ không phải “liều” vô căn cứ.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM; Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh để tìm hiểu rõ hơn về những bước chuyển này từ phía doanh nghiệp.
PV: Thưa ông, Công ty Cơ khí Duy Khanh đã trải qua một năm 2021 như thế nào?
Ông Đỗ Phước Tống: Đối với chúng tôi thì năm 2021 là một năm đầy khó khăn. Nhưng với ý chí quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ nên DN vẫn tăng trưởng dương ở mức gần 20%. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm, năng suất sản xuất tăng gấp đôi bình thường, công ty đã giải quyết ổn những khó khăn gặp phải trong giai đoạn giãn cách do dịch Covid-19.
Những sản phẩm của chúng tôi chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn nội địa. Họ có nhu cầu sản phẩm chất lượng cao nhưng trước đây chỉ nhập từ các nước. Hiện giờ, công ty đã tiếp cận và cam kết làm được. Thậm chí, làm tốt hơn những sản phẩm ngoại nhập trước đây.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch, việc đi lại của chuyên gia nước ngoài gặp khó thì doanh nghiệp Việt Nam đã giải quyết được. Có thể thấy, cách tiếp cận và yếu tố địa phương rất quan trọng trong điều kiện sản xuất kinh doanh hiện nay.
Chúng tôi kịp hoàn thành các sản phẩm trong năm và được khách hàng nghiệm thu. Doanh nghiệp đạt mục tiêu doanh thu năm 2021.
PV: Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM, trong thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành ra sao trong việc ban hành các cơ chế, chính sách hướng tới doanh nghiệp?
Ông Đỗ Phước Tống: Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Hiện, thành phố đang quyết tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Do đó, thành phố xây dựng chương trình kích cầu để hỗ trợ. Bản thân Công ty Cơ khí Duy Khanh thời gian qua cũng tham gia chương trình để đầu tư với số vốn tương đối, nhằm phát triển sản phẩm.
Sự hỗ trợ của nhà nước giúp doanh nghiệp có nội lực nhất định, đủ khả năng để tiếp cận với chính sách.
Dẫu vậy, đối với các đơn vị nhỏ thì khả năng tiếp cận chương trình này khá khó bởi họ chưa vào sản xuất được trong các khu, cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp này chưa có cơ sở mặt bằng để đáp ứng tiêu chí. Do đó, họ không được tham gia chương trình kích cầu.
Các doanh nghiệp cần đầu tư đồng thời để vào sản xuất trong khu công nghiệp. Nhưng khi đầu tư vào đây thì hạn chế là nguồn lực vốn để bỏ ra thuê đất, bỏ ra xây nhà xưởng rất lớn nên nhiều doanh nghiệp giống như chấp nhận hiện trạng của mình. Họ đầu tư nhỏ lẻ, không phát triển được.
Chỉ một số ít doanh nghiệp có quá trình phát triển lâu và nguồn lực thì mới đầu tư mạnh dạn vào khu công nghiệp, đầu tư nhà xưởng đi kèm với máy móc thiết bị mới.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có nhà xưởng trong vùng được chấp nhận phát triển, mặc dù nằm ngoài khu công nghiệp nhưng họ vẫn đầu tư mạnh vào máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực tiếp cận khách hàng, tiếp cận thị trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh. Các doanh nghiệp trên được sự hỗ trợ của TP.HCM trong vấn đề bù lãi suất. Đây là điều kiện tốt khiến doanh nghiệp quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất khi có đủ nguồn lực.
Bên cạnh đó, một trung tâm phát triển công nghiệp của cụm công nghiệp phía Nam đang chuẩn bị xây dựng khu công nghệ cao. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có điểm tương tác, hợp tác. Trung tâm sẽ hỗ trợ đào tạo hoặc nhiều vấn đề khác. Tất nhiên, phần chính phải nằm ở phía các doanh nghiệp.
PV: Những thông tin mà ông vừa chia sẻ hết sức hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung. Thưa ông, công ty đã phải nỗ lực bằng những giải pháp, chiến lược như thế nào để vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu ?
Ông Đỗ Phước Tống: Công ty Duy Khanh tồn tại hơn 30 năm nay, chúng tôi có nền tảng vững chắc và có kỹ thuật. Đó là một quá trình phát triển bền vững. Chúng tôi không phát triển nhanh mà là phát triển chậm nhưng bền vững và đi tới đâu là chắc tới đó.
Còn ở giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp đang chuyển sang giai đoạn mới. Đầu tư lớn ở môi trường mới để tiếp cận khách hàng với mức sản xuất đại trà, lớn hơn. Tôi đánh giá, nhu cầu thị trường cũng như là kỹ năng tiếp cận kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của công ty hoàn toàn có thể là tạo được những bước đột phá trong giai đoạn mới và phát triển nhà máy những năm tới.
Chúng tôi tập trung sản xuất các sản phẩm trong ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ cho đối tác là những doanh nghiệp FDI hàng đầu. Trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu nhập sản phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc còn giờ ở Việt Nam sẽ có một doanh nghiệp Việt đầu tư và cung cấp sản phẩm, đáp ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ hội chính là đây.
Do đó, đơn vị quyết định đầu tư khoảng 180 tỷ đồng cho một nhà máy mới, ứng dụng công nghệ mới tại Khu Công nghệ cao. Đối với ngành cơ khí thì đây là con số tương đối lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư một mặt là bản thân doanh nghiệp mong muốn phát triển nhưng mặt khác là động viên anh em trong Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM cần mạnh mẽ hơn.
Tôi giờ 60 tuổi. Đã có thể về hưu nhưng năm nay coi như khởi nghiệp thêm một lần nữa với việc đầu tư nhà máy quy mô. Do đó, anh em khác trong lĩnh vực không có lý do gì mà không mạnh dạn đầu tư cho phát triển.
Cần những gì? Khó ở đâu? Có thể các thành viên trong Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM tương tác để giúp đỡ. Cần tạo điều kiện để phát triển đồng hành, khi nền kinh tế đất nước phát triển, nhu cầu công nghiệp hỗ trợ cũng phát triển theo.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Thực hiện: Trần Chung
Thiết kế:
Toạ đàm: Từ chính sách tới thực tiễn CNHT, kinh nghiệm từ TP.HCM
TP.HCM đã có nhiều chính sách kích cầu đồng hành và thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm để đóng góp vào chuỗi cung ứng hàng tỷ đô.