Tại cuộc họp này, ông Đoàn Tiến Trung, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh trên mạng xã hội, sáng ngày 20/4, Phòng đã làm việc với Trường THCS Dịch Vọng và Trường THCS Nghĩa Tân để xác minh thông tin.
Qua báo cáo của các nhà trường và kiểm tra hồ sơ tại trường, Phòng GD-ĐT Cầu Giấy cho hay, số học sinh lớp 9 năm học 2021-2022 của Trường THCS Nghĩa Tân là 729 học sinh (16 lớp). Số học sinh chuyển trường từ đầu năm đến nay là 25.
Còn số học sinh lớp 9 năm học 2021-2022 của Trường THCS Dịch Vọng là 596 học sinh (12 lớp). Số học sinh chuyển trường từ đầu năm đến nay là 11. Trong số này, chỉ có 3 học sinh chuyên trong nội thành Hà Nội, số còn lại chuyển tỉnh khác.
Chính vì vậy, theo ông Trung, thông tin Trường THCS Dịch Vọng ép học sinh không dự thi là không có căn cứ.
'Thống kê kết quả thi lớp 10 nhưng không phải để xếp loại'
Ông Trung cho biết, tiêu chí đánh giá các trường nói chung, và các trường THCS nói riêng đều đánh giá tất cả các tiêu chí. Việc tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 không phải là tiêu chí để đánh giá thi đua các trường.
“Chúng tôi không đánh giá thi đua các trường đựa vào tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 THPT”, ông Trung khẳng định.
VietNamNet đặt câu hỏi rằng các báo cáo và thống kê đều “tự nguyện”, song thực tế, đằng sau đó, có vẻ như các phụ huynh chưa thực sự hài lòng.
Về việc năm nào cũng dấy lên những thông tin này, ông Trung cho hay, năm nào cũng vậy, bất kỳ ở đâu có xuất hiện thông tin, Phòng GD-ĐT đều tiến hành rà soát, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực.
Ở các trường có các trường hợp chuyển trường, đều phải báo cáo về Phòng GD-ĐT. Sau đó, Phòng GD-ĐT cũng gọi điện trao đổi với phụ huynh và học sinh đều nắm thông tin, lý do.
“Tuy nhiên, cũng có thể có những trường hợp phụ huynh học sinh hiểu không đúng ý của giáo viên, dẫn đến việc có thể giáo viên nói về kết quả học tập của con thì nghĩ rằng ép buộc, định hướng con phải thi trường nào đó”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, hiện, Phòng GD-ĐT Cầu Giấy đã có văn bản yêu cầu tất cả các trường rà soát và báo cáo danh sách các trường hợp học sinh chuyển.
Nếu phát hiện nhà trường, giáo viên có biểu hiện ép buộc hoặc tư vấn học sinh không dự thi lớp 10 thì sẽ xử lý theo quy định.
“Sau sự việc này, chúng tôi không chỉ rà soát các trường được nhắc tên mà rà soát tất cả các trường trên địa bàn về danh sách các trường hợp học sinh chuyển trường”, ông Trung nói.
Ông Trung cho hay, hàng năm, Phòng GD-ĐT cũng tập hợp, thống kê kết quả thi lớp 10 của học sinh các trường, song không phải để xét thi đua, xếp hạng.
“Căn cứ điểm tuyển sinh mà các trường gửi về Phòng GD-ĐT, chúng tôi cũng có thống kê, tập hợp các nhà trường đạt được trong kỳ thi. Mục đích không phải để thi đua mà từ đó có bức tranh toàn cảnh của các nhà trường, từ đó để có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục”.
Ông Trung cho biết, theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, hàng năm, phòng GD-ĐT cũng tổ chức phân luồng học sinh sau THCS. Tuy nhiên, điều này có muốn cũng không thể áp “định mức” cho các trường bởi còn tùy thuộc vào học lực của học sinh của trường mỗi năm.
Ông Trung cũng khẳng định, tiêu chí đánh giá giáo viên cũng không căn cứ vào điểm thi vào lớp 10 của học sinh.
VietNamNet tiếp tục đặt câu hỏi về việc liệu có phương án ra sao khi vấn đề con vào diện học sinh yếu kém là điều nhiều phụ huynh cảm thấy ngại chia sẻ, phản ánh và chỉ dám nêu thực tế trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Về điều này, ông Trung cho hay, thời gian tới, Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy có thể sẽ có những chuyên đề bồi dưỡng cho các giáo viên từ chủ nhiệm đến bộ môn về giao tiếp, ứng xử, cách tư vấn tâm lý, giúp đỡ, định hướng cho phụ huynh và học sinh.
“Đây sẽ là một trong những nội dung mà chúng tôi sẽ đặt làm trọng tâm để có thể có những chuyên đề bồi dưỡng. Qua đó khắc phục những hiện tượng như thời gian có những phản ánh”, ông Trung nói.
Thanh Hùng