Với số điểm 57/60, trong đó môn Tiếng Anh và Lịch sử đạt 10 điểm; môn Toán đạt 9,5 và Ngữ văn đạt 9 điểm, Trần Tùng Bách đã vượt qua 93.000 thí sinh của Hà Nội để trở thành thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021.
Nhằm giúp các thí sinh không cảm thấy “sợ hãi” trong giai đoạn nước rút, nam sinh Trường THPT Kim Liên đã chia sẻ “bí quyết” để ôn luyện hiệu quả.
Chiến lược cho từng môn học
Cụ thể, đối với môn Ngữ văn – môn học vốn đòi hỏi sự ghi nhớ khá nhiều, theo Bách, học sinh có thể lựa chọn thời gian ôn tập vào sáng sớm. Lúc này cũng là thời điểm não bộ hoạt động tốt nhất, giúp việc ghi nhớ đạt được hiệu quả cao.
Tùng Bách cho hay, trước đây, môn Văn luôn là môn khiến em lo lắng và sợ hãi nhất. Nhưng Bách đã “học cách yêu” môn này bằng việc lập sơ đồ tư duy cho từng văn bản để ghi nhớ nội dung. Khi đã “thấm” nội dung từng bài, dù gặp phải chủ đề nào, Bách cũng không còn cảm thấy lo lắng vì bị “bế tắc” không biết viết tiếp ra sao.
“Có thể, với những bạn cảm thụ tốt, chỉ cần nắm ý chính của văn bản, các bạn đã có thể phân tích được. Nhưng em lại không có khả năng này và diễn đạt cũng không tốt. Do đó, việc sử dụng sơ đồ tư duy đã khiến em tăng khả năng ghi nhớ rất nhanh. Giai đoạn nước rút, các bạn có thể áp dụng cách này để thống kê lại nội dung chính của từng bài một cách khoa học, ngắn gọn nhất”, Bách nói.
Đối với phần nghị luận xã hội, để đạt được điểm cao, theo Bách, thí sinh cần chủ động tìm hiểu các vấn đề thời sự đang diễn ra xung quanh, từ đó có được những dẫn chứng độc đáo, gần gũi với cuộc sống nhất.
Sau khi học xong môn Văn, Bách cho rằng, thí sinh có thể dành quãng thời gian còn lại trong ngày để luyện hai môn Anh và Toán. Việc ôn luyện hiệu quả nhất cho hai môn này chính là luyện đề thật nhiều.
Trong quá trình ấy, học sinh có thể rút ngắn thời gian lại từ 10 – 15 phút để quen với tốc độ làm bài thi. Ngoài ra, cần phải tạo thói quen đặt định mức thời gian cho từng phần trong đề.
“Việc luyện thật nhiều đề sẽ giúp thí sinh tiếp xúc được với các dạng bài khác nhau, từ đó cải thiện khả năng ứng biến, khả năng tư duy và tốc độ làm bài.
Mặc dù vậy, khi luyện đề tại nhà, sẽ không tránh khỏi tình huống gặp bài khó, mình sẽ mở gợi ý ra xem. Do vậy, em nghĩ rằng, cần phải xác định tâm thế thật nghiêm túc khi làm bài, giống như khi đang ở trong phòng thi để biết sức mình đến đâu và yếu ở điểm nào để khắc phục”, Bách nói.
Thay vì tìm kiếm các đề thi trên mạng, đôi khi lan man, không hiệu quả, 10X cho rằng, học sinh có thể xin thêm đề từ chính các thầy cô – những người đã có kinh nghiệm ôn tập lâu năm nên sẽ nắm được những nội dung sát với đề nhất.
Chiến lược trong phòng thi
Vào phòng thi, theo Bách, tâm lý và chiến lược làm bài là những điều quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của bài làm.
“Khi vào phòng thi, em luôn giữ cho mình tâm lý “không còn gì để mất”, nên cứ thế nỗ lực hết sức cho mỗi bài mà không nghĩ nhiều đến kết quả”.
Đối với môn Văn, điều quan trọng nhất vẫn là phải phân bổ thời gian sao cho hợp lý. Đặc biệt, với bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học, không nên quá chú trọng vào một phần mà gây thiếu hụt thời gian cho phần còn lại.
Khi nhận đề, thí sinh cần gạch chân từ khóa trong đề bài để tránh trả lời lan man, dài dòng, thậm chí lạc đề. Việc gạch ra những ý chính cũng là điều quan trọng, giúp cấu trúc bài mạch lạc hơn và người chấm cũng không phải mất công đi tìm ý trong bài viết.
Ở môn Toán và Anh, đây là những môn đòi hỏi kỹ năng làm bài và xử lý tình huống tốt. Thí sinh cũng nên dành ra 2 – 4 phút đầu tiên để đọc đề một lượt và nên bắt đầu từ những câu cơ bản trước. Cố gắng làm chắc chắn, cẩn thận để ăn trọn vẹn điểm của từng câu, không nên sa đà vào các câu phân loại, gây mất thời gian cho những câu còn lại.
“Thực tế, môn Toán chỉ xoay quanh một vài dạng toán nhất định. Đối với các câu từ 1 đến 4b – vốn là các dạng cơ bản thường gặp, thí sinh nên cố gắng hoàn thành được hết, tránh mất điểm oan vì những lỗi sai nhỏ nhặt (ví dụ như sai đơn vị, thiếu bước do làm tắt,…). Hãy chắc chắn mình đã làm được tuyệt đối số điểm trước khi tiến đến những câu hỏi phân hóa ở phần 4c và câu 5.
Còn ở môn Anh, thí sinh cần lưu ý những từ khóa trong câu và dấu hiệu cho biết mình cần dùng thì gì, loại từ gì. Với văn bản đọc hiểu, nên đọc qua một lần văn bản và câu hỏi sẽ giúp việc tìm đáp án nhanh hơn. Hay với những câu viết lại, cần tập trung vào các từ yêu cầu sử dụng để suy ra hướng giải quyết hợp lý…”, Bách nói.
Yếu tố thành bại nằm ở tâm lý
Trong giai đoạn nước rút ở tuần cuối cùng, Bách cho rằng, dù các sĩ tử đã có những vốn kiến thức nhất định, nhưng tâm lý của không ít thí sinh vẫn cảm thấy dường như mình đang bị thiếu hụt kiến thức. Khi gặp tình trạng này, nhiều bạn chọn cách học ngày, học đêm; “cày” quên ăn, quên ngủ.
Nhưng điều này thực chất rất có hại cho sức khỏe và trí nhớ. Bách cho rằng, giai đoạn này, thí sinh cần phải giữ bình tĩnh. Bất cứ khi nào cảm thấy việc ôn tập áp lực quá, thí sinh có thể đứng dậy hít thở sâu, vươn vai, nghe nhạc hay làm bất cứ điều gì mình thích để tâm trí được thoải mái, sau đó mới nên quay trở lại học tập.
Điều quan trọng, hãy vạch ra kế hoạch chi tiết cho từng tuần, thậm chí từng buổi học để không bị quá tải. Thông qua đó, thí sinh cũng biết được hôm nay mình đã học được những gì và mình đang đi đến đâu. Từ đó, các bạn sẽ không cảm thấy quá tải hay vô ích trong quá trình ôn tập kiến thức.
“Tâm lý thoải mái, vững vàng trước mọi áp lực là điều rất quan trọng. Bởi lẽ, một người có giỏi đến mấy nhưng tâm lý bất ổn thì việc làm cũng sẽ không được như mong muốn.
Do vậy, các sĩ tử cần giữ cho mình một sức khỏe thật tốt, một tinh thần thoải mái bằng việc ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, giúp bản thân không bao giờ rơi vào trạng thái mệt mỏi, stress. Cuối cùng, hãy tin vào chính mình, bởi chỉ cần cố gắng thì cơ hội sẽ luôn rộng mở”, Tùng Bách nói.
>>>Chi tiết lịch thi vào lớp 10 của 63 tỉnh, thành phố
Thúy Nga