Dưới đây là bài văn vần nhắc nhở học trò thi vào lớp 10 của cô giáo Nguyễn Phương Lan, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Giảng Võ:
Trước ngày đi thi: xả hơi, giữ sức;
Ngủ thật sâu giấc, đừng nghĩ vẩn vơ.
Đi thi đúng giờ, giấy tờ mang đủ;
Tươi cười hớn hở với cái bụng no.
Vào phòng phải chờ, cũng đừng căng thẳng:
Hít sâu, thở mạnh lấy lại tinh thần;
Công thức viết dần phòng khi “cà cuống”.
Là cô mong muốn nên nhắc con này:
Làm bài mà không phân tích đề khác gì nhường đường cho bạn khác;
Không căn thời gian chuẩn xác - tự làm mất mát điểm mình.
Đi thi mà gạch xóa linh tinh là “tạo điều kiện” để thầy cô trừ điểm.
Phải tỏ ra “nguy hiểm” - chớ để bạn khác nhìn bài.
Không được viết dài với những câu ít điểm
Với những câu “hiểm” - cần phân tích kĩ càng.
Không được chủ quan - kể cả những đề luyện kĩ;
Viết lách cụ tỉ, cẩn thận, gọn gàng
Chữ nghĩa thẳng hàng, thưa, đều, to tát.
Đặc biệt linh hoạt khi bị “lơ mơ”:
Ngữ pháp phải đưa trong phần đầu đoạn;
Không được vi phạm hình thức đoạn văn;
Nếu không thuộc lòng - diễn xuôi - cần thiết;
Tối thiểu phải viết: nghệ thuật –> nội dung;
Nếu là bài văn - đường cùng -> tóm tắt.
Phải nắm thật chắc: nghị luận – thuyết minh.
Đừng có “giật mình” trước đề nghị luận:
“Thần chú” đã chuẩn - cứ thế bám vào;
Đừng "chém" tào lao, phải đi đúng hướng;
Ví dụ, dẫn chứng: cụ thể, điển hình;
Bài học với mình - viết hay, viết tốt.
Những câu đã thuộc, làm trước, làm ngay.
Thấy bạn làm dài mình đừng… "cà cuống".
Khi gác bút xuống, đọc kĩ, tìm sai.
Giấy trắng nộp bài là điều tối kỵ.
Với các giám thị - tuyệt đối phải ngoan;
Với bạn cùng bàn – nhẹ nhàng, thân ái.
Nghe nhiều hơn nói để tránh lộ bài
Bản lĩnh anh tài – không nghe “đài địch”.
“Trúng tủ” xảy ra, không hò la sớm.
Bài còn, giờ vướng – viết kết khẩn trương.
Ngữ pháp - đừng quên: gạch chân, chú thích.
Giương cung trúng đích, mang chiến thắng về!
Cô lo trăm bề, trò về - gọi gấp
Mong muốn cháy bỏng: May mắn trò ơi!
Chia sẻ với VietNamNet, cô giáo Phương Lan cho hay, bài văn vần được viết với mong muốn căn dặn, tổng hợp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để các học trò bước vào phòng thi với tâm thế tốt nhất.
“Lúc viết, tôi chỉ theo cảm xúc tự nhiên, xuất phát từ nỗi lo lắng, mong mỏi học sinh sẽ nắm được những kỹ năng cần thiết để làm bài thi thật tốt.
Tôi làm dạng văn vần với suy nghĩ để các học trò có thể dễ nhớ hơn, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng, tránh mất điểm oan hay phạm những lỗi đáng tiếc trong quá trình thi”, cô Phương Lan nói.
Cô Phương Lan cho rằng, thời điểm này, ngoài việc ôn luyện kiến thức, việc chuẩn bị một tinh thần bản lĩnh, vững vàng cũng là điều hết sức quan trọng mà các học sinh khối 9 cần lưu ý.
Năm học 2022 - 2023, dự kiến toàn TP Hà Nội có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS.
Thực hiện công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh tuyển vào trường THPT năm học 2023-2024 khoảng 102.000 em (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học trước). Trong đó, số lượng tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023), chiếm tỷ lệ 55,7%. Đây là tỷ lệ thấp kỷ lục trong vài năm trở lại đây.
Số còn lại sẽ vào học các trường THPT công lập tự chủ tài chính và tư thục, trung tâm GDNN - GDTX và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2023 sẽ được tổ chức trong 2 ngày từ 10-11/6 với 3 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Cụ thể, sáng 10/6, học sinh sẽ thi môn Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. Sáng ngày 11/6, học sinh thi môn Toán.
Từ ngày 1 - 5/6, nhiều học sinh bắt đầu “cuộc đua” tranh suất vào bốn trường THPT chuyên tại Hà Nội. Các trường chuyên, trường có lớp chuyên thuộc Sở GD-ĐT cũng thi tuyển sau vài ngày, vào 12/6.