Đức hiện là nhà tái chế rác thải đô thị hàng đầu trong 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Bản thân EU đã ban hành một số yêu cầu thiết lập tiêu chuẩn tái chế. Ví dụ, năm 2008, liên minh phê duyệt Chỉ thị khung về chất thải, trong đó đưa ra khái niệm cơ bản về quản lý chất thải, kể cả các định nghĩa về phòng ngừa, tái sử dụng, tái chế, phục hồi và thải loại.
EU áp mục tiêu cho tất cả các thành viên phải đạt tỷ lệ tái chế tối thiểu 50% với một số vật liệu vào năm 2020. Đức đã nâng cao yêu cầu này lên 65%. Tới năm 2018, Chỉ thị khung đưa mục tiêu tái chế rác ở các nước châu Âu lên 55% vào 2025, 60% vào 2030 và 65% vào 2035. Nhưng Đức đã vượt qua mức cuối từ rất lâu khi tỷ lệ tái chế năm 2019 ước đạt 67%.
Theo báo New York Times, người Đức thực sự coi trọng việc phân loại rác và coi đó là một phần nghĩa vụ của bản thân nhằm bảo vệ môi trường. Ở đất nước này, chất thải được phân loại theo màu, kể cả loại có thể tái chế và cho vào các thùng rác riêng.
Cụ thể, các thùng rác màu vàng dành để chứa nhựa và bao bì, các thùng rác màu xanh dương chứa giấy và bìa các-tông. Thủy tinh có thể cho vào 2 thùng rác màu khác nhau, gồm màu trắng dành cho các sản phẩm sáng trong và màu xanh lá cho thủy tinh màu. Các thùng rác màu nâu dùng để thu gom chất thải hữu cơ như thức ăn dư thừa.
Từ năm 2015, Đức đã ban hành luật yêu cầu mọi cộng đồng dân cư thu gom chất thải hữu cơ để cung cấp cho nhà máy sản xuất khí sinh học hoặc phân bón hữu cơ. Ngoài ra, nhà chức trách cũng cấm vứt bỏ bừa bãi các đồ vật cồng kềnh, khó xử lý. Người dân buộc phải gọi các công ty môi trường để họ thu gom, tân trang và bán lại chúng ở chợ đồ cũ.
Ở Đức, các thùng rác theo mã màu được đặt khắp nơi. Hầu hết các thùng đều được dán nhãn bằng cả tiếng Đức và tiếng Anh để giúp khách nước ngoài bỏ rác đúng chỉ dẫn. Người Đức cũng hiếm khi e ngại về việc lên tiếng nhắc nhở một người khách lạ về việc vứt nhầm cốc giấy hay vỏ chai soda vào thùng rác chung màu đen.
Các nhà quan sát cho rằng, người Đức có ý thức trách nhiệm cao trong phân loại và xử lý rác thải phần lớn là do nước này đã thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho người dân. Các trường học tích cực lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình học tập nhằm nâng cao ý thức cho học sinh.
Tất cả các địa phương đều có các chương trình tuyên truyền và hoạt động thiết thực như múa hát, thi vẽ tranh, sáng chế... để bảo vệ môi trường cũng như hướng dẫn thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt đúng quy định nói riêng. Một số nơi còn áp dụng quy định phạt tiền, có khi lên đến cả nghìn Euro đối với một số loại rác không được phân loại và vứt bỏ đúng cách.
Trong hai thập kỷ qua, Đức đã áp dụng một loạt chiến lược hiệu quả, cải thiện đáng kể việc quản lý rác thải và tăng tỷ lệ tái chế. Nước này cũng đưa ra kế hoạch Energiewende, lộ trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và phát thải các-bon thấp cũng như nâng cao ý thức người dân về tầm quan trọng của việc quản lý chất thải phù hợp với môi trường.
Đức đã triển khai Hệ thống hoàn tiền cọc (DRS) đối với người mua hàng. Theo đó, các sản phẩm đựng trong chai, lọ nhựa hoặc thủy tinh có thể tái chế sẽ được dán nhãn tương ứng. Khi mua chúng, người tiêu dùng sẽ mất một khoản tiền cọc khoảng 0,08 - 0,25 Euro và được hoàn lại khi trả vỏ ở các cửa hàng, siêu thị hoặc cho vào máy thu gom tự động.
DRS đã chứng minh rất hiệu quả ở Đức, nơi đạt tỷ lệ hoàn cọc tới 98,4%, khiến chương trình trở thành một giải pháp cắt giảm rác thải tích cực. Nối tiếp thành công này, Chính phủ Đức gần đây đã sửa đổi kế hoạch chống việc sản sinh chất thải bằng quy định người tiêu dùng cũng phải đặt cọc cho bao bì khi mua các sản phẩm bơ sữa từ năm 2024.
Ngoài DRS, Đức đã thông qua 3 chính sách lớn nhằm thay đổi hệ thống quản lý chất thải tốt hơn, dựa trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm trả tiền". Trong trường hợp này, các nhà sản xuất và các ngành công nghiệp tư nhân cũng có trách nhiệm loại bỏ lãng phí và bù đắp chi phí.
Với pháp lệnh bao bì năm 1991 và đạo luật bao bì thay thế pháp lệnh năm 2019, Đức là quốc gia đầu tiên ràng buộc các nhà sản xuất về vấn đề bao bì. Ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ tái chế, minh bạch trong cạnh tranh, các công ty còn phải thường xuyên báo cáo cơ quan đăng ký bao bì trung ương về khối lượng và nguyên liệu đóng gói sản phẩm.
Một cột mốc quan trọng khác là vào năm 1991, Đức áp dụng hệ thống "Chấm xanh" (Green Dot), buộc các nhà sản xuất phải dán nhãn xanh bên ngoài bao bì sản phẩm, cho biết nó phải được các cơ sở tái chế chấp nhận.
Để sử dụng hệ thống ghi nhãn, các nhà sản xuất phải trả một khoản phí cho công ty DSG chuyên thu gom bao bì tái chế sử dụng tại các hộ gia đình. Báo chí Đức ước tính, hệ thống đã giúp giảm 1 triệu tấn rác mỗi năm. Chiến lược này được coi là tiền thân của Chương trình Chấm xanh châu Âu, đã được hơn 130.000 công ty ở 23 nước trong châu lục triển khai với kết quả tích cực.
Đạo luật quản lý chất thải và chu trình khép kín vào năm 1996 đã mở rộng toàn diện các chính sách trên, đồng thời yêu cầu bất kỳ ai sản xuất, tiếp thị và tiêu thụ hàng hóa phải có trách nhiệm hạn chế xả thải, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải phát sinh tương thích với môi trường.
Dù còn một số thách thức nhưng Đức vẫn là ví dụ điển hình về việc vận hành một hệ thống quản lý và tái chế chất thải rắn hiệu quả, mang lại nhiều kinh nghiệm hữu ích cho các quốc gia khác.
Tuấn Anh