Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, tính đến nay, cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên tại 68 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
Theo ước tính của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong tháng 3 lượng xe đến hạn kiểm định tại Hà Nội lên tới 68.690 chiếc. Tương tự, tại TP.HCM, với số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3 dự kiến 44.350 chiếc.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đề xuất của Bộ GTVT mới đây, Bộ Công an đã điều động cán bộ chiến sĩ làm kiểm định thuộc Cục Cảnh sát Giao thông chi viện cho hai thành phố lớn. Tới đây, Bộ Quốc phòng cũng tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho Bộ GTVT.
Đây là những giải pháp cấp bách, cần thiết lúc này. Tuy nhiên, điều nhiều độc giả quan tâm gửi tới VietNamNet đó là: Khi nào hoạt động đăng kiểm bình thường trở lại; cách thức ngành đăng kiểm bổ sung nhân sự để mở lại các trung tâm đã và tạm đóng cửa…
VietNamNet đã tổ chức bàn tròn "Giải pháp để sớm ổn định hoạt động đăng kiểm" với sự tham gia của ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Mời bạn đọc theo dõi Phần 1:
Nhà báo Phạm Huyền: Trước tiên, ông Nguyễn Tô An có thể khái quát nhanh việc kiểm định các phương tiện xe cơ giới trên cả nước hiện như thế nào sau khi có sự hỗ trợ của ngành công an?.
Ông Nguyễn Tô An: Sự giúp đỡ của cảnh sát giao thông đã góp phần hỗ trợ cho các trung tâm đăng kiểm rất nhiều việc.
Cụ thể, từ quá trình phân luồng, phân tuyến đưa các phương tiện vào kiểm tra, ổn định nhanh chóng. Quá trình kiểm định, cảnh sát giao thông hỗ trợ đăng kiểm viên nhiều việc.
Cảnh sát giao thông đã phát huy thế mạnh sở trường của mình qua các việc kiểm tra hồ sơ, giấy tờ trước khi đăng kiểm, đối chiếu giữa hồ sơ kiểm định, giấy tờ đăng ký xe, giấy tờ xe đối với phương tiện thực tế có phù hợp không.
Ngoài ra, các chiến sĩ cảnh sát giao thông cũng tham gia các công đoạn khác để giúp cho quá trình kiểm định hiệu quả, chất lượng và nhanh chóng nhất có thể.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông có thể chia sẻ thêm về những khó khăn lớn nhất mà ngành đăng kiểm phải đối mặt tới đây?
Ông Nguyễn Tô An: Khó khăn lớn nhất với chúng tôi là làm sao có được lực lượng đăng kiểm viên để hỗ trợ, bù đắp phần nào lực lượng bị thiếu hụt hiện nay.
Đó là yếu tố con người. Có được yếu tố con người chúng tôi mới tiếp tục mở lại các trung tâm đăng kiểm đã, đang và tạm thời bị đóng cửa để sớm đưa các trung tâm đăng kiểm này quay trở lại phục vụ nhu cầu kiểm định chính đáng của người dân.
Có như vậy mới giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như hiện nay.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Vận tải Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về số lượng phương tiện phải đăng kiểm trong thời gian tới và những khó khăn phía trước của các chủ phương tiện?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Về phía hoạt động vận tải, chúng tôi thấy, từ quý 2, nhu cầu sử dụng phương tiện, nhu cầu vận tải tăng cao. Thời gian qua do hoạt động đăng kiểm bị giảm sút, ở các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá số xe phải chờ đợi để đăng kiểm khá nhiều.
Tình trạng này ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Nếu tình trạng này không sớm được giải quyết thì rất có nguy cơ tác động dây chuyền. Đó là việc đảm bảo nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu cho các nhà máy, khu công nghiệp; vận chuyển hàng hoá nhất là những mặt hàng xuất khẩu.
Nếu như không được giải quyết kịp thời sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ tiếp theo. Hệ luỵ ở đây đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có thể bị xử phạt do chậm vận chuyển những hợp đồng vận tải. Hệ luỵ đối với nền kinh tế khi không kịp thời đáp ứng các nguyên vật liệu cũng như lưu thông hàng hoá bị tắc nghẽn.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông Tô An có đồng ý với quan điểm này?
Ông Nguyễn Tô An: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Quyền. Đương nhiên khi hoạt động kiểm định xe cơ giới bị trục trặc sẽ gây ùn ứ, ùn tắc. Thời gian qua, tình trạng này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và TP.HCM và một số tỉnh, thành trên cả nước.
Tình trạng người dân phải đưa phương tiện đi xếp hàng kiểm định từ đêm, thậm chí chờ đợi nhiều ngày mới kiểm định được phương tiện. Nhiều chủ phương tiện phải mang xe chạy tới, chạy lui tìm trung tâm đăng kiểm, không ít trường hợp phải đi đến các tỉnh, thành khác như từ Hà Nội lên Vĩnh Phúc, Thái Nguyên hay đi Hải Phòng….
Trong khi đó, các tỉnh xung quanh Hà Nội như Hưng Yên, Vĩnh Phúc…cũng ùn ứ dẫn đến những tổn thất không đáng có. Đặc biệt, những ảnh hưởng này gây hệ luỵ cho lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải hàng hoá và hành khách. Từ đó, tác động đến đời sống, kinh tế của đất nước.
Nhà báo Phạm Huyền: Là Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, ông cũng có những dữ liệu nhất định về tình hình kinh doanh hiện nay. Ông Nguyễn Văn Quyền có thể chia sẻ thêm bằng các con số về mức độ hệ luỵ với các thành viên của mình khi các phương tiện đến hạn mà không được kiểm định kịp thời?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Chúng tôi chưa có báo cáo đầy đủ từ các doanh nghiệp vận tải về số lượng các đơn vị phải chờ đợi kiểm định. Nhưng có thể nói tình trạng ùn tắc khiến lái xe phải chờ đợi nhiều ngày, đi lại nhiều lần khi đưa xe đi kiểm định… đã được cơ quan báo chí thông tin khá đầy đủ.
Các đơn vị kinh doanh vận tải chỉ có ý kiến các cơ quan chức năng có giải pháp để giải quyết một cách kịp thời nhằm giảm thiểu mức thấp nhất ảnh hưởng của tình hình ách tắc trong đăng kiểm hiện nay.
Những vấn đề thiệt hại hay tình trạng đăng kiểm khó khăn nhìn chung các đơn vị vận tải đều chia sẻ với lực lượng đăng kiểm hiện nay. Rất mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp để giải quyết căn cơ vấn đề này.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Nguyễn Tô An, ông có thể thông tin cụ thể hơn về tình hình thiếu hụt đăng kiểm viên trên cả nước nói chung và tại một số tỉnh thành nói riêng tính đến thời điểm này?
Ông Nguyễn Tô An: Như quý vị đã biết, hệ thống kiểm định xe cơ giới của chúng tôi trên cả nước có 281 trung tâm với hơn 2.000 đăng kiểm viên. Cho đến thời điểm này với những yếu tố khách quan lực lượng đăng kiểm viên đã bị thiếu hụt rất nghiêm trọng.
Theo ước tính của chúng tôi, hiện lực lượng này đã thiếu hụt xấp xỉ 30%. Đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM và một số tỉnh thành lân cận đang thiếu hụt đăng kiểm viên nghiêm trọng.
Chính điều đó dẫn đến việc gây ra ùn ứ trong công tác đăng kiểm, khiến người dân phải chờ đợi, xếp hàng kéo dài thậm chí di chuyển sang địa phương khác khi đưa phương tiện đi đăng kiểm như thời gian qua.
Nhà báo Phạm Huyền: Tình trạng thiếu hụt trong thời gian tới vẫn sẽ diễn ra, trước mắt ngành đăng kiểm sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?
Ông Nguyễn Tô An: Trước mắt, có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông, sắp tới đây có thêm lực lượng đăng kiểm của Bộ Quốc phòng. Chúng tôi đang thực hiện việc huy động, liên hệ với các trung tâm đăng kiểm ở các khu vực chưa bị ùn tắc hỗ trợ, điều động cho các trung tâm đăng kiểm bị ùn tắc ở khu vực Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành…Tất cả những việc này chỉ là giải pháp tạm thời.
Song song với những giải pháp trước mắt, hiện tại chúng tôi cũng đang tổ chức thi sát hạch đăng kiểm viên mà trước đó họ đã được tuyển dụng, đào tạo, tập huấn, thực tập đủ điều kiện thi.
Cùng với đó chúng tôi tiếp tục tuyển dụng đào tạo, tập huấn và tới đây Chính phủ cũng có những chỉ đạo tìm mọi giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác nhân sự cho Cục Đăng kiểm VN.
Nhà báo Phạm Huyền: Về vấn đề này , xin ông Nguyễn Văn Quyền có thêm ý kiến ?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Tôi nghĩ rằng các chủ trương, các giải pháp mà Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an đã có chỉ đạo, tạo điều kiện cũng như sự nỗ lực của Cục Đăng kiểm VN là những giải pháp rất thiết thực, rất kịp thời.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động đăng kiểm được nhanh chóng bình thường trở lại theo tôi cần phải có thêm những giải pháp. Cụ thể, chúng ta rà soát để sửa đổi, điều chỉnh những văn bản quy phạm pháp luật nhất là việc rà soát điều chỉnh giảm cầu trong công tác đăng kiểm.
Vừa qua, có chủ trương miễn cho đăng kiểm lần đầu đối với phương tiện mới. Nhưng trong giới vận tải, anh em chúng tôi có trao đổi và cho rằng nên rà soát về quy định chu kỳ kiểm định xe.
Theo đó, cần có sự tham chiếu giữa quy định chu kỳ đăng kiểm theo thời gian hiện nay và có tham chiếu đến mức độ sử dụng, cây số xe chạy của từng loại xe nhất là loại xe dưới 9 chỗ kinh doanh và không kinh doanh.
Nếu như có sự tham chiếu đến mức độ sử dụng và cây số hoạt động thì chúng ta có thể điều chỉnh tăng thời gian kiểm định lên đối với xe không kinh doanh từ 9 chỗ trở xuống để làm sao giảm cầu. Như thế cũng là một giải pháp để giảm bớt mất cân đối cung cầu và đồng thời cũng là giải pháp tiết kiệm cho xã hội.
Ban Thời sự (thực hiện)
Mời quý độc giải đón xem Phần 2: “Một số phương tiện sẽ được kéo dài thời hạn kiểm định” được đăng tải vào 9h30 phút ngày 16/3.