Tiền thân là lực lượng Công an nhân dân vũ trang bảo vệ mục tiêu nội địa, trưởng thành cùng mỗi bước đi của dân tộc, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Cảnh sát cơ động hội tụ những phẩm chất tốt đẹp nhất của lực lượng Công an nhân dân.
Rạng sáng 11/6/2023, nhóm đối tượng đi xe máy mang theo súng và các hung khí nguy hiểm tấn công, đập phá trụ sở UBND xã, phòng làm việc của Công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk). 9 người chết, 2 người bị thương trong vụ việc này.
Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cùng các đơn vị nghiệp vụ triển khai tổng lực truy bắt.
Sau khi nhận lệnh, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên, Đội đặc nhiệm Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động số 3... đã di chuyển bằng đường hàng không đến Đắk Lắk.
Có mặt tại hiện trường, không một phút ngơi nghỉ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động cùng công an địa phương đã tổ chức nhiều mũi truy bắt, ngăn chặn các đối tượng khủng bố bỏ chạy.
Thiếu tướng Lê Ngọc Châu- Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Đại tá Phạm Hữu Thinh- Phó Tư lệnh, cùng lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk trực tiếp chỉ huy các lực lượng tại hiện trường.
Ngay trong ngày đầu tiên, 16 đối tượng đã được di lý về Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk để phục vụ điều tra, mở rộng dấu vết của nhóm tội phạm.
Mỗi ngày vòng vây lại siết chặt thêm, lực lượng công an ở thế chủ động ngăn chặn mọi cuộc tẩu thoát của các đối tượng khủng bố.
Chỉ sau 5 ngày, nhóm khủng bố "có tổ chức, rất manh động, liều lĩnh, man rợ và mất nhân tính” đã bị bắt giữ.
Cảnh sát cơ động còn tham gia giải quyết hiệu quả các vụ khiếu kiện, đập phá trụ sở chính quyền, bắt giữ cán bộ trái phép tại Thái Bình, Nam Định, phá tan âm mưu và cuộc gây rối bạo động đòi thành lập "Nhà nước Đề Ga tự trị" tại Tây Nguyên...
Cùng với đó, Cảnh sát cơ động đã phối hợp các lực lượng chức năng triệt phá hàng chục chuyên án tổ chức đánh bạc với quy mô lớn cũng như giải quyết vấn nạn buôn lậu qua biên giới.
Không chỉ lập chiến công trên mặt trận phòng, chống tội phạm mà lực lượng Cảnh sát cơ động còn đi đầu trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh và phong trào thiện nguyện, giúp đỡ người dân. Qua đó, hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát cơ động thêm gần gũi, thực sự là lá chắn thép bảo vệ nhân dân trước tội phạm, trước những khó khăn từ thiên tai dịch họa.
Lực lượng Cảnh sát cơ động là một thành phần rất đặc biệt trong Công an nhân dân, được coi là “lá chắn thép” để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Mỗi đơn vị thuộc lực lượng đều tinh nhuệ, mỗi cán bộ, chiến sĩ được trui rèn bản lĩnh thép.
Như tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia về phòng chống khủng bố thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, được Bộ Công an thành lập từ năm 2022, mỗi ngày của chiến sĩ đều bắt đầu từ 5h30, kết thúc lúc 17h với 80% là huấn luyện ngoài thao trường.
Trong mọi điều kiện thời tiết, dù dưới cái nóng như đổ lửa hơn 40 độ hay rét cắt da cắt thịt dưới 10 độ, các chiến sĩ vẫn miệt mài rèn luyện với phương châm: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến đấu bớt đổ máu".
Theo Thượng úy Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Trung tâm huấn luyện Quốc gia về phòng, chống khủng bố, mỗi bài tập được xây dựng nhằm rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát chống khủng bố có sức khỏe dẻo dai, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao.
Đại tá Triệu Văn Minh, Giám đốc Trung tâm huấn luyện Quốc gia về phòng, chống khủng bố cho biết, các cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm đều sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, ứng phó giải quyết các tình huống khủng bố, phá hoại, bạo loạn vũ trang, đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm; tham gia cứu nạn, cứu hộ, những tình huống cấp bách.
Trung sĩ A Đát H’ Thuỷ, Đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 3 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) chia sẻ, trước khi vào đơn vị, chưa bao giờ nghĩ bản thân mình sẽ rèn luyện võ thuật, khí công.
"Sau 4 năm luyện tập, thể lực của tôi tốt hơn rất nhiều, thực hiện được các động tác khó, độ nguy hiểm cao như dùng tay không công phá gạch", Trung sĩ A Đát H' Thủy nói.
Hay như Hạ sĩ Lò Thu Hương, Đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 1 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) đã khiến nhiều người thót tim với màn biểu diễn kề đao vào cổ để kéo xe 15 chỗ.
"Bài biểu diễn của tôi thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai của một chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm. Sức mạnh được thể hiện từ cánh tay để công phá ngói, gạch đến sự bền bỉ để kề cổ vào đao, kéo xe nặng hàng tấn", Hạ sĩ Lò Thu Hương giải thích.
Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát cơ động nhấn mạnh, Cảnh sát cơ động cũng là một trong những lực lượng được xác định sẽ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bám sát tinh thần của Nghị quyết, Bộ Tư lệnh đã tập trung hoàn thiện thể chế về chính trị, pháp lý cho lực lượng Cảnh sát cơ động. Việc thông qua Luật Cảnh sát cơ động tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 đã tạo điều kiện về cơ sở pháp lý, tăng cường sức mạnh cho lực lượng Công an nhân dân đánh dấu bước đột phá chuyển mình, khẳng định vị trí vô cùng quan trọng của lực lượng Cảnh sát cơ động trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Về tổ chức, Luật Cảnh sát cơ động có nhiều điểm mới như bổ sung lực lượng Cảnh sát kỵ binh; Trung đoàn Không quân Công an nhân dân; bổ sung thêm thẩm quyền cho Cảnh sát cơ động... Những điều này góp phần tăng thêm sức mạnh cho lực lượng Cảnh sát Cơ động, đủ khả năng cơ động nhanh, giải quyết tình huống khẩn cấp, phức tạp về an ninh trật tự, trấn áp các loại tội phạm trong tình hình mới.
Cũng theo Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, việc hiện đại hóa nguồn nhân lực theo tinh thần của Nghị quyết 12 được thể hiện rất rõ trong luật khi một số quy định vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động được bổ sung cùng với việc hoàn thiện thể chế chính trị pháp lý. Trong đó, xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy là động lực; nâng cao trình độ, tinh nhuệ về nghiệp vụ, vững mạnh về chính trị tư tưởng là then chốt; hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật là trọng tâm.
Việc xây dựng con người là yếu tố trung tâm, cốt lõi, với trọng tâm giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ “tự soi, tự sửa,” giữ gìn uy tín của lực lượng. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, việc xây dựng hình ảnh người Cảnh sát cơ động trong lòng nhân dân, yếu tố con người là hết sức quan trọng.
Bài: Đình Hiếu - Nguyễn Hằng (Bộ Tư lệnh CSCĐ)
Ảnh: Đình Hiếu, Thạch Thảo
Video: Kiều Oanh- Xuân Quý
Thiết kế: Minh Hòa