Tại Hà Nội, một bạn đọc chia sẻ với VietNamNet: "Chúng ta đi chẳng có trật tự, hàng lối, mạnh ai nấy đi, mạnh xe nào xe ấy vượt... một lối tham gia giao thông có một không hai".
Ô tô lấn hết đường trên Thái Hà, Hà Nội |
Một độc giả khác nhận xét: "Lỗi này là do ý thức tham gia giao thông, sáng ra lượng xe máy rất lớn nhưng ô tô lại đi lấn hết phần đường (càng gần đèn đỏ càng lấn) nên xe máy phải đi xen kẽ, đi lên hè càng gây tắc cục bộ".
Vì sao xe ô tô lại dàn hàng ngang như vậy, một lái xe lâu năm ở Hà Nội chia sẻ, do việc phân làn của ta chưa rõ ràng.
Trong lần họp hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 9 tháng đầu năm 2015, thẳng thắn thừa nhận, các công trình trọng điểm đang thi công phải ngăn đường, nhất là khi trời mưa, ngập lụt là nguyên nhân tắc đường.
Ô tô mặc sức dàn hàng, xe máy hết chỗ đi, nếu không leo lên hè thì len vào giữa những chiếc ô tô khiến tình trạng ùn tắc càng thêm tắc. |
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng từng nhấn mạnh, ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông chưa tốt, còn chen lấn đi sai làn đường, khiến giờ cao điểm thường xuyên bị ùn tắc.
Từ đó, ông Hùng bộc bạch: “Chỉ ước ý thức tham gia giao thông của người Hà Nội được như TP.HCM thì ùn tắc sẽ được cải thiện rất nhiều”.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT TP Hà Nội từng cho biết, giao thông Hà Nội đang bị quá tải gấp 6-10 lần.
Ô tô ở Sài Gòn lưu thông đúng làn đường |
Đại tá Thắng mong mỏi, người dân phải có sự nhường nhịn khi tham gia giao thông và phải có sự chịu đựng, ví dụ như xếp hàng khi tắc đường.
"Vào những lúc cao điểm, người dân đi theo thứ tự để chúng ta có thể nhìn nhận đấy không phải là ùn tắc, mà do cơ sở hạ tầng của mình chưa đáp ứng được nên phải đi chậm lại" - lời Đại tá Thắng.
Vậy giải pháp nào để các phương tiện tham gia giao thông ở Hà Nội đi theo hàng lối?
VietNamNet