- Nhà báo Mỹ Anh: 2023 có thể nói là một năm đặc biệt của ngoại giao Việt Nam khi đánh dấu với nhiều dịp kỷ niệm 50 năm, 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là năm ghi nhận sự bùng nổ trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa với nhiều chương trình văn hóa ấn tượng tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia. Bà đánh giá như thế nào về dấu ấn của ngoại giao văn hóa chúng ta đã làm được thời gian qua?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: 2023 là một năm rất đặc biệt đối với ngoại giao văn hoá Việt Nam. Chúng ta kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), bước vào năm thứ hai thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 11/2021 và cũng là năm kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trong quan hệ với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, nhiều hoạt động đối ngoại sôi động của lãnh đạo cấp cao. Trong bối cảnh thuận lợi như vậy, có thể dùng 3 từ “đổi mới, sáng tạo và thành công” để nói về ngoại giao văn hoá 2023.
Ngoại giao văn hoá 2023 đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ giới thiệu với bạn bè quốc tế truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam, nâng cao hình ảnh Việt Nam và phục vụ hiệu quả cho công cuộc xây dựng, phát triển bền vững của đất nước, thể hiện trên những mặt sau:
Thứ nhất, nhiều sự kiện văn hoá được tổ chức ở nước ngoài, đặc biệt là nhân dịp các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn quốc tế. Có thể kể đến một số sự kiện nổi bật như: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước đến Áo, Italy và chuyến lưu diễn qua 6 thành phố lớn của Nhật Bản đã tôn vinh tài năng, vẻ đẹp và sức cuốn hút của âm nhạc Việt Nam; Chương trình Bước chân di sản khéo léo kết hợp với thời trang để quảng bá vẻ đẹp của các di sản, vùng miền, làng nghề truyền thống.
Điện ảnh mang đến nhiều tin vui với những tác phẩm được giải tại các liên hoan quốc tế. Trang phục do một số nhà thiết kế thời trang Việt được các ngôi sao thế giới lựa chọn. Âm nhạc hiện đại của các nghệ sĩ Việt Nam được phổ biến ở nước ngoài. Địa bàn ngoại giao văn hoá được mở rộng, điển hình là Không gian văn hóa Việt Nam với thông điệp “Nguồn cội, Sức sống và Sự tiếp nối” khắc hoạ hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc và đầy sức sống đã làm nên thành công của Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023.
Thứ hai, các hoạt động ngoại giao văn hoá trong nước rất phong phú, có nhiều sáng tạo. Các chương trình nghệ thuật trải nghiệm được tổ chức ở Di tích Nhà tù Hoả Lò, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam... thể hiện cách tiếp cận mới, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật để tái hiện lịch sử cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc, thể hiện sinh động tinh thần bất khuất và khát vọng hoà bình mãnh liệt của Việt Nam đã chạm tới trái tim của bạn bè quốc tế. Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng (DANAFF I) lần đầu tiên được Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức rất thành công; Các địa phương tổ chức nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật có chất lượng như Lễ hội áo dài, Lễ hội áo bà ba...
Thứ ba, di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được tôn vinh trên thế giới. Chúng ta đã cùng với nước bạn tổ chức trang trọng Lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga nhân kỷ niệm 100 năm Người đặt chân lần đầu tiên đến Saint Petersburg, trong hành trình tìm đường cứu nước.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp với các cơ quan, địa phương sở tại và cộng đồng bà con Việt kiều tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội thảo khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh; phối hợp dịch và xuất bản những tác phẩm của Bác sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, hỗ trợ giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở một số trường đại học ở nước ngoài; xây dựng không gian văn hóa Việt Nam - Hồ Chí Minh.
Thứ tư, một trong những điểm đặc sắc của ngoại giao văn hoá 2023 là sự gắn kết giữa văn hoá Việt Nam với tinh hoa văn hoá của các quốc gia khác. Chúng ta đã hợp tác dàn dựng thành công các vở kịch, nhạc kịch, ballet của những tác giả nước ngoài như vở Người đi dép cao su của nhà văn Algeria Kateb Yacine, Công nương Anio của Nhật Bản, vở ballet kinh điển Gisele...
Nhiều hoạt động được tổ chức như chiếu phim Pháo đài Brest của Belarus, triển lãm ảnh về thành tựu chinh phục vũ trụ của Liên bang Nga, các lễ hội, chương trình hòa nhạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang với sự tham gia trình diễn của đông đảo nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia,
Chương trình Vòng quanh nước Pháp (Balade en France), Giao lưu Áo dài và Kimono, thời trang dân tộc Ukraina... và nhiều sự kiện văn hoá đặc sắc mà tôi không thể kể hết. Các hoạt động giúp cho người dân Việt Nam tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tăng cường tình hữu nghị với nhân dân các nước.
Thứ năm, 2023 là năm thứ hai Việt Nam phát huy tốt vai trò thành viên của hai Ủy ban chuyên môn quan trọng của UNESCO về văn hóa gồm Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005) nhiệm kỳ 2021-2025 và Ủy ban Liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026.
Việt Nam cũng là quốc gia thành viên UNESCO đầu tiên tổ chức hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” để đánh giá vai trò của các danh hiệu UNESCO trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc 2030. Tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới (tháng 9 năm 2023), vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận, trở thành Di sản Thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
- Theo bà văn hóa đã đóng vai trò quan trọng thế nào trong công tác ngoại giao và Việt Nam chúng ta đã khai thác hiệu quả yếu tố văn hóa trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế cũng như thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới?
Văn hoá là nền tảng tinh thần, tạo nên sức mạnh mềm của đất nước. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".
Văn hoá có vai trò rất quan trọng trong hoạt động ngoại giao, góp phần làm nên sức mạnh chinh phục lòng người, hỗ trợ đắc lực cho công tác ngoại giao. Văn hoá nghệ thuật là con đường tuyệt vời nhất, là kênh hiệu quả nhất để mang ra quốc tế hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hoá Việt Nam, giúp nhân dân thế giới hiểu rõ về Việt Nam - từ đó đồng cảm, chia sẻ, ủng hộ, đoàn kết với Việt Nam. Đây cũng là kênh tiếp nhận tinh hoa văn hoá của nhân loại, là sợi dây bền chặt thắt chặt tình hữu nghị với nhân dân các nước.
Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng vai trò và sức mạnh của ngoại giao văn hoá. Ngoại giao văn hoá đã trở thành một trụ cột quan trọng của hoạt động đối ngoại cùng với chính trị và kinh tế, phát huy hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân.
Nội hàm văn hóa ngày càng được đưa nhiều hơn vào các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao. Nếu như trước đây chúng ta quen với hình ảnh nguyên thủ các nước thưởng thức ẩm thực, tập thể thao, đi bộ trên đường phố Hà Nội, thì nay ta lại chứng kiến lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và các nước cùng uống cà phê, thăm hiệu sách, đi xe đạp, là minh chứng sinh động thể hiện truyền thống văn hoá đặc sắc của Việt Nam và hình ảnh một Việt Nam thanh bình, tươi đẹp, thân thiện và hiếu khách.
Mặt khác, chúng ta đã lan tỏa các giá trị, tư tưởng tiến bộ và cao đẹp của dân tộc thông qua hoạt động xuất bản sách, tổ chức hội thảo, triển lãm giới thiệu và tôn vinh thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân Việt Nam.
Âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh, thời trang, ẩm thực Việt Nam được biết đến rộng rãi và ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. Các địa phương, các tổ chức hữu nghị của Việt Nam rất tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao văn hoá, khai thác thế mạnh của văn hoá để quảng bá, giới thiệu truyền thống và thế mạnh của địa phương, tạo dựng nhiều hoạt động có thương hiệu bền vững như Festival Huế, Festival Pháo hoa Đà Nẵng, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội Hoa Anh đào tại Hà Nội và TP.HCM.
Ngoại giao văn hóa đã tích cực tham gia các diễn đàn văn hoá quốc tế, đặc biệt là của UNESCO, để thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ cả về tri thức và nguồn lực quốc tế nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của đất nước.
- Theo con mắt của một nhà ngoại giao, bà đánh giá những hoạt động ngoại giao văn hóa nào có giá trị nhất, ảnh hưởng nhất trong năm qua?
Thật khó để nói rằng hoạt động nào có giá trị nhất, ảnh hưởng nhất vì mỗi hoạt động, mỗi loại hình nghệ thuật, đều có ngôn ngữ riêng. Từ các chương trình biểu diễn nghệ thuật giản dị với đôi ba tiết mục của các nghệ sĩ chèo, quan họ, điệu múa của dân tộc Thái, Mông, tiếng khèn, tiếng đàn Tính cho đến những chương trình nghệ thuật, các lễ hội, sự kiện đều để lại ấn tượng tốt đẹp làm nên vườn hoa rực rỡ sắc màu của ngoại giao văn hoá trong năm qua.
Cá nhân tôi đánh giá cao những hoạt động như triển lãm ảnh, trình diễn thời trang, chiếu phim, hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật do các tổ chức hữu nghị của Việt Nam phối hợp với các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam tổ chức. Tôi đặc biệt ấn tượng với thành công của vở kịch thơ Người đi dép cao-su của nhà văn nổi tiếng người Algeria Kateb Yacine do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam.
Thông qua việc thể hiện tình yêu, sự kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, vở kịch đã khắc hoạ phẩm chất của một dân tộc Việt Nam anh hùng, kiên cường, bất khuất đấu tranh và chiến thắng các thế lực ngoại xâm.
- Bà có thể chia sẻ một vài kỷ niệm về ngoại giao văn hoá của Việt Nam và của các quốc gia khác?
Hầu hết các nước đều rất quan tâm sử dụng văn hoá như một công cụ ngoại giao, hay nói cách khác là phát huy vai trò của ngoại giao văn hoá. Khi tôi công tác tại Liên hợp quốc, gần như tuần nào cũng có ít nhất vài ba sự kiện văn hoá do Ban Thư ký Liên hợp quốc và Phái đoàn thường trực của các nước tổ chức như hoà nhạc, chiếu phim, triển lãm ảnh, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực...
Trong buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật dân tộc Indonesia, khán giả được phát các nhạc cụ âm nhạc nhỏ và đơn giản, được hướng dẫn làm theo hiệu lệnh của nhạc trưởng và tất cả đại biểu trong hội trường cùng hào hứng tham gia biểu diễn.
Phái đoàn Thái Lan thường tổ chức các cuộc “Thai Break” kết hợp giữa giới thiệu nghệ thuật ẩm thực với tạo sân chơi, cơ hội cho các nghệ sĩ nghiệp dư - nhà ngoại giao các nước tại Liên hợp quốc biểu diễn đàn, hát. Ngay cả khi chưa có điều kiện kinh tế mạnh để tổ chức hoạt động văn hoá quy mô lớn, các phái đoàn của các nước đều có cách tiếp cận tinh tế, đặc biệt chú ý khai thác tiềm năng của cộng đồng người nước mình sống tại Mỹ. Các hoạt động đó đều in lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Phái đoàn Việt Nam cũng tích cực góp phần vào đời sống văn hóa phong phú đó. Buổi trình diễn thời trang áo dài Việt Nam với bộ sưu tập của nhà thiết kế Lan Hương kết hợp giới thiệu nhạc cụ, âm nhạc truyền thống tại Bảo tàng Lịch sử và Thư viện New York năm 2015 đã thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà ngoại giao và được đánh giá cao.
Bạn bè quốc tế xúc động, bày tỏ sự đồng cảm, khâm phục đối với nhân dân Việt Nam qua buổi chiếu phim Châu – Beyond the Lines của đạo diễn người Mỹ Courtney Marsh nói về Lê Minh Châu, chàng trai nạn nhân chất độc da cam đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ vẽ tranh bằng miệng.
Trong khi thúc đẩy quảng bá các giá trị văn hoá của dân tộc mình, các nước cũng chú trọng tới việc giới thiệu văn hoá của những dân tộc khác. Tôi còn nhớ khi công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Vương quốc Bỉ và Đại công quốc Luxembourg, những người bạn quốc tế đã hết lòng hỗ trợ Đại sứ quán ta tổ chức thành công Những ngày Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg.
Tôi đặc biệt xúc động trước tài năng và tâm huyết của dàn hợp ca Hy vọng dưới sự dìu dắt của Giáo sư, nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm và vợ ông là nghệ sĩ opera Xuân Thanh. Các nghệ sĩ khiếm thị của dàn hợp ca Hy vọng đã chinh phục khán giả bằng tài năng, lao động nghệ thuật và nhiệt huyết của mình tại nhiều sự kiện đối ngoại.
- Vượt ra khỏi khuôn khổ của các dịp kỷ niệm hay ngày lễ, theo bà cần làm gì để khai thác và phát huy hiệu quả của ngoại giao văn hóa? Có điểm gì chúng ta cần phải làm tốt hơn?
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để khai thác và phát huy thế mạnh của ngoại giao văn hoá. Chúng ta có lịch sử hào hùng, nền văn hoá đậm đà bản sắc, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, các vùng miền đa dạng, ẩm thực phong phú, có nền kinh tế đang trên đà phát triển năng động, có mối quan hệ ngoại giao rộng mở với các quốc gia, bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam tình cảm khâm phục, yêu mến, tin cậy. Và đặc biệt chúng ta có nguồn lực con người quý giá, nhiều nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, nỗ lực rèn luyện và tận tâm cống hiến.
Để khai thác và phát huy hiệu quả những nguồn lực đó, cần hiện thực hoá, đưa những chủ trương tư tưởng chỉ đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống.
Trước hết, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa do các cơ quan Nhà nước chủ trì, cần có các cơ chế khuyến khích phát huy tiềm năng, nguồn lực và tôn vinh sự tham gia chủ động của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng văn hoá, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các địa phương trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động ngoại giao văn hoá, góp phần làm cho hoạt động này có sức lan tỏa lớn hơn.
Thứ hai, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, tôn vinh nhân tài trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, giúp cho đội ngũ văn nghệ sĩ sống được bằng nghề và gắn bó với nghề, có đất diễn, sân chơi để phát triển tài năng, toả sáng và truyền lửa cho những thế hệ nối tiếp.
Tổ chức nhiều hơn, đặc biệt là gắn với các hoạt động đối ngoại lớn và hoạt động của lãnh đạo cấp cao, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật để giới thiệu văn hoá Việt Nam. Tạo điều kiện, hỗ trợ các nghệ sĩ tổ chức triển lãm, biểu diễn, làm phim, tham gia hoạt động giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế.
Thứ ba, nắm bắt xu hướng và xác định ưu tiên, chính sách phát triển các loại hình nghệ thuật mới, đặc biệt ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong nghệ thuật. Hướng tới đối tượng là giới trẻ để qua các kênh văn hoá, nghệ thuật góp phần xây dựng mạng lưới bạn bè quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới. Tăng cường hợp tác với đối tác quốc tế để có ấn phẩm chung, mang Việt Nam ra thế giới bằng tiếng nói và phương tiện nghệ thuật của nước bạn để chinh phục công chúng nước bạn một cách dễ dàng hơn.
Thứ tư, tăng cường giáo dục văn hoá, nghệ thuật, thẩm mỹ, trong nhà trường và các cơ sở giáo dục, giúp cho các thế hệ công dân Việt Nam nhận thức đúng đắn về văn hoá, về cách sống và cái đẹp, làm giàu thêm đời sống tâm hồn, củng cố giá trị đạo đức và tăng thêm lòng tự hào dân tộc, sức mạnh tinh thần cũng như năng lực hội nhập của người dân Việt Nam. Mục đích để mỗi người dân Việt Nam là một Đại sứ văn hoá Việt Nam và đồng thời là một công dân toàn cầu.
Với thành tựu trong những năm qua, đặc biệt là những làn sóng mới gần đây, chúng ta kỳ vọng ngoại giao văn hoá sẽ có thêm nguồn lực phát triển, tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, tăng cường sức mạnh mềm của dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố hoà bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Thiết kế: Luyện Phạm
Ảnh: Phạm Hải