Sáng 18/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cùng đoàn công tác Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại Hà Nội.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay, năm 2024, thành phố có 108.573 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT là 94.935 (4.175 thí sinh tự do); dự thi theo chương trình GDTX là 13.638 thí sinh (446 thí sinh tự do).
Thành phố đã bố trí 196 điểm thi với tổng 4.532 phòng thi; phòng thi dự phòng là 392 phòng.
Ông Cương cho hay, do lượng thí sinh đông, một trong những hạn chế, khó khăn là công tác xác minh tính xác thực của các chứng chỉ ngoại ngữ đề nghị miễn bài thi ngoại ngữ do số lượng chứng chỉ rất nhiều. Cụ thể, trên 20.000 chứng chỉ cần xác thực mỗi năm. Trong khi một số đơn vị cấp chứng chỉ phản hồi kết quả xác thực chậm, muộn nên ảnh hưởng đến tiến độ kỳ thi.
Do đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị cấp chứng chỉ, đặc biệt là các đơn vị được Bộ quản lý, cấp phép phối hợp với các Sở GD-ĐT trong công tác xác minh tính xác thực của các chứng chỉ ngoại ngữ do đơn vị cấp đảm bảo đúng thời gian theo quy định của kỳ thi.
Một khó khăn khác đến từ việc không quy định danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi. Việc này gây khó khăn cho cán bộ coi thi khi kiểm soát vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, dễ tạo cho thí sinh lợi dụng, sử dụng công nghệ cao trong việc gian lận thi. Trong khi năng lực của cán bộ coi thi không đủ để kiểm tra, kiểm soát các thiết bị gian lận công nghệ cao tinh vi.
Ông Cương lấy dẫn chứng, máy tính cầm tay Casio 850 có chứa thông tin về môn Hóa học như bảng tuần hoàn, bảng tính tan…
Do đó, ông Cương kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục ban hành hướng dẫn danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi hoặc có gợi ý danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi giúp cho cán bộ coi thi dễ kiểm tra, kiểm soát.
Cùng đó, Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ Công an có phương án hướng dẫn an ninh tại các điểm thi trong việc kiểm tra, kiểm soát các thiết bị gian lận công nghệ cao tinh vi hoặc có tập huấn cụ thể với cán bộ coi thi tại các điểm thi.
Ngoài ra, theo ông Cương, việc bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh và các tài liệu, vật dụng không được phép mang vào phòng thi vẫn còn bất cập. Do hiện nay, nhiều thiết bị có thể kết nối với khoảng cách trên 25m.
Kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự chủ động của Hà Nội trong việc chỉ đạo, vào cuộc của tất cả các sở, ban, ngành liên quan để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Tuy số lượng thí sinh dự thi đông, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi lớn nhưng các khâu được TP Hà Nội thực hiện nghiêm túc.
Nhấn mạnh vai trò, tính nghiêm túc, bảo mật của kỳ thi, Thứ trưởng Thưởng lưu ý, tất cả mọi chủ thể tham gia kỳ thi đều phải được tập huấn; tập huấn ở tất cả các khâu để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối, tránh xảy ra sai sót ở bất kỳ khâu nào.
“Để kỳ thi đạt kết quả cao, công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo, kỹ lưỡng, thực hiện đúng quy định, quy chế Kỳ thi. Ngoài ra, công tác truyền thông phải theo đúng tinh thần chủ động, kịp thời, khách quan, chính xác”, Thứ trưởng Thưởng lưu ý.
Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hà Nội, thông tin, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Công an TP Hà Nội đã triển khai, xây dựng kế hoạch chủ động các phương án rà soát, chuẩn bị máy móc, phân công lực lượng chủ chốt ở các điểm thi, các khâu của kỳ thi. Đồng thời, Công an TP Hà Nội cũng đã triển khai tập huấn các nội dung về việc phát hiện các thiết bị gian lận thi cử đối với nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi.