Hệ lụy của nó thật nặng nề: 130 người tử nạn, 18 người vẫn đang mất tích.

{keywords}

Theo Công điện số 05 ngày 15/10/2020 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Từ ngày 6/10 đến ngày 13/10 tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa rất to trên diện rộng với lượng mưa từ 1.500 -2.000mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã 2.869mm; A Lưới 2.208 mm. Mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc đạt đỉnh +5,24m (vượt đỉnh lũ lịch sử 1999 là 0,06m (lũ lịch sử +5,18m), trên sông Hương tại Kim Long đạt đỉnh +4,17m trên báo động 3 là 0,67m đã gây ra một đợt lũ đặc biệt lớn trên diện rộng”.

Như vậy, đợt mưa kéo dài từ ngày 6-13/10 có tổng tượng mưa lớn tương đương trận lũ năm 1999 từng gây tang thương với hàng trăm người bị chết và mất tích. Lượng nước như vậy là rất lớn.

{keywords}

Số liệu của Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hùng: Với lượng mưa lớn, tương ứng với tổng lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Hương khoảng 3,7 tỷ m3, trong đó các hồ chứa giữ lại khoảng 1 tỷ m3. Lượng nước còn lại đổ về hạ du khoảng 2,7 tỷ m3, kết hợp lượng nước mưa tại đồng bằng khoảng 1,4 tỷ m3 nên vùng đồng bằng có tổng lượng nước khoảng 4,1 tỷ m3.

{keywords}

Theo tính toán của cơ quan chức năng, với dung tích chứa của các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã giảm mức độ ngập lũ trên sông Hương hơn 1m và sông Bồ 0,5m.

Từ những số liệu trên, ông Hùng khẳng định, với lượng mưa quá lớn, kéo dài nếu không có các hồ thủy điện, thủy lợi lớn tích nước, điều tiết hợp lý sẽ gây hậu quả khó lường.

{keywords}

Những bất an về thủy điện đã được đặt ra từ lâu, và đều gây tranh cãi. Khi Quốc hội thảo luận về phương án xây dựng thủy điện Sơn La tháng 12/2002, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội Nguyễn Văn Khá từng đưa ra một nghi vấn chấn động: “Nếu đập Sơn La vỡ, chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng. Sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ chìm sâu 4-60 m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người”.

Cảnh báo đó đã gây nên tranh luận, thậm chí bất an suốt nhiều năm sau đó.

Gần đây, trong cuộc phỏng vấn với Tuần Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê nói: “Điều đó là rất vô lý”. Ông giải thích: Tất cả các đập thủy điện lớn nhỏ đều phải được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy định rất nghiêm ngặt của Nhà nước.

Hàng năm trước mùa lũ các công trình thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu phải kiểm tra các thiết bị đóng mở, mở ra đóng lại từng cái một để xem có gì nghi ngờ không, có gì phải khắc phục ngay. Tất cả thông tin thu được phải trình ngay cho Hội đồng Khoa học Nhà nước về an toàn đập.

{keywords}

Mỗi năm Hội đồng đều họp và kiểm tra lại tất cả ba thủy điện đó. Họ kiểm tra không phải đến tận nơi nhìn đập mà bằng các số liệu quan trắc trong suốt một năm. Các đập có đủ thiết bị quan trắc, công nghệ hiện đại. Các thiết bị đó qua hệ thống điện tử đưa dữ liệu về phòng điều khiển. Ví dụ, ở điểm này ở đập thấm ra sao sẽ được cập nhật ngay, gọi là thời gian thật. Ngày trước phải xách thước ra tận nơi đo rồi về mới có. Còn nay thì có phòng điều khiển trung tâm, cứ bật ra thì biết tình trạng chịu lực của đập ở bất kỳ thời gian nào.

Tất cả các khâu như thiết kế đập với tiêu chuẩn cao, thẩm định, xây dựng, nghiệm thu được thực hiện chặt chẽ qua nhiều cấp nhà nước; khi vận hành có Hội đồng khoa học giám sát chặt chẽ để không xảy ra trường hợp thảm họa.

{keywords}

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Rào Trăng 3, nơi mới tìm thấy thi thể người công nhân thứ 5 và vẫn còn 12 người mất tích, là nhà máy thủy điện có vốn đầu tư 290 tỉ đồng, được xây dựng trên sông Rào Trăng (nhánh cấp 1 của sông Bồ), thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.

Nhưng Rào Trăng 3 chỉ là một trong hàng chục dự án thủy điện nhỏ ở tỉnh này. Thừa Thiên - Huế có 21 dự án thủy điện lớn nhỏ, với tổng công suất 450MW, tập trung chủ yếu vào 5 công trình: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, A Lin 1 và Tả Trạch với tổng công suất 360MW.

{keywords}

Như vậy, những dự án này đã nở rộ, phá vỡ ngay các quy hoạch của tỉnh. Năm 2008, tỉnh đã ban hành quyết định số 1666/QĐ-UBND, theo đó, tổng số các dự án là 11 dự án; tổng công suất các nhà máy khoảng 105,8MW trên địa bàn toàn tỉnh.

Cách đây đã lâu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã cảnh báo: Các công trình thủy điện đã và đang xây dựng ở Thừa Thiên-Huế phần lớn là các đập lớn với hồ chứa có dung tích chứa nước từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu m3 nước, khi xây dựng đập thường làm ngập một diện tích đất đai lớn trong khu vực lòng hồ, đồng thời trong quá trình vận hành, khai thác cũng gây tác động tới tài nguyên và môi trường trong lưu vực sông.

{keywords}

Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công thương cũng rất cẩn trọng với việc xây dựng thủy điện. Năm 2017, Bộ đã phát đi công điện cảnh báo, hiện nay vẫn còn một số tỉnh thường xuyên đề nghị Bộ bổ sung quy hoạch thuần túy dựa trên đề xuất của các doanh nghiệp mà chưa có cách tiếp cận, nghiên cứu tổng thể về khai thác tiềm năng thủy điện, chưa thực sự phù hợp với quy hoạch điện lực của tỉnh và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường.

Cũng năm 2017, Bộ này cũng ra văn bản chỉ đạo chưa xem xét, nghiên cứu để bổ sung vào quy hoạch đối với các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ hơn hoặc bằng 3,0 MW. Thực tế là suốt từ đó đến nay, Bộ không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện, đã kiên quyết loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện vì chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội.

{keywords}

Trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hiện nay, thủy điện chiếm tỷ trọng khá lớn. Báo cáo mới nhất về thủy điện của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết: Xét chung trong hệ thống điện quốc gia, các dự án thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 37% về điện năng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng.

Về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn, Bộ Công thương cho biết đã vận hành phát điện 88 công trình (16.123,9 MW); đang thi công xây dựng 15 dự án (1.012,7 MW); đang nghiên cứu đầu tư 13 dự án (1.612,5 MW); có 3 dự án (128 MW) chưa nghiên cứu đầu tư.

Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ, số liệu của Bộ Công thương cho thấy đã vận hành phát điện 342 công trình (công suất 3.582,66 MW); đang thi công xây dựng 158 dự án (2.122,75 MW); đang nghiên cứu đầu tư 300 dự án (3.121,65 MW); chưa nghiên cứu đầu tư 69 dự án (622,8 MW).

{keywords}

Ngoài ra, Bộ cũng liên tục kiểm tra, rà soát lại các dự án thủy điện trên tinh thần nghị quyết 62/2013 của Quốc hội.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến nay, công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện trong cả nước đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng các yêu cầu đề ra theo nghị quyết 62 của Quốc hội.

Kết quả rà soát liên tục qua 8 năm liên tục (từ 2012-2019), Bộ đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.

Thủy điện được xây dựng cũng ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên. Theo quy định hiện hành, các chủ đầu tư phải thực hiện trồng bù rừng bị mất do dự án thủy điện.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tính đến tháng 9/2019, các dự án thủy điện chiếm dụng khoảng 30.305ha rừng trên địa bàn cả nước.

Hiện nay, diện tích đã trồng bù rừng là 33.735ha, đạt 111,3% so với diện tích phải trồng tại các dự án thủy điện.

Bộ Công thương đánh giá: Qua các đợt kiểm tra và làm việc với UBND các tỉnh, nhận thấy hầu hết chủ đầu tư dự án thủy điện đã chấp hành nghiêm công tác trồng bù rừng thay thế đúng theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Đối với các chủ đầu tư dự án thủy điện không thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế, Bộ sẽ xem xét để thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo đúng chủ trương tại nghị quyết số 11/NQ-CP.

{keywords}

Vai trò thủy điện trong hệ thống điện quốc gia trong suốt bao năm qua là không thể phủ nhận. Đây là nguồn năng lượng được đánh giá là có khả năng tái tạo, nhiều quốc gia phát triển xếp thủy điện vào dạng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, trước và trong mỗi mùa mưa bão, lũ lụt, câu hỏi “thủy điện có gây lũ chồng lũ khiến người dân trở tay không kịp” lại được đặt ra.

“Tôi không đồng tình khi ai đó nói thủy điện gây ra lũ chồng lũ”, TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc công ty năng lượng Sông Hồng nói khi nhận được câu hỏi về nghi vấn thủy điện xả lũ gây lũ lụt. “Từ thời Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc đã trị thủy bằng việc đào các hồ. Còn thời nay, ngoài hồ thủy lợi thì còn có hồ thủy điện”.

“Cho nên các hồ thủy điện là có lợi. Chẳng hạn với hồ thủy điện Hòa Bình, công trình ấy mục tiêu đặt ra là công trình đầu mối thủy lợi, tức ưu tiên cho thủy lợi, nhằm mục đích thủy lợi trước chứ không phải điện”, ông Nguyễn Thành Sơn kể.

Dù khẳng định lũ lụt không phải do thủy điện, ông Nguyễn Thành Sơn cũng phải nhắc đến một khía cạnh khác. Đó là vấn đề điều tiết của con người.

{keywords}

“Lũ chồng lũ, chưa mưa đã ngập có trường hợp là do điều tiết. Hồ chưa đầy địa phương đã yêu cầu xả. Đáng nhẽ, địa phương nên nắm được đỉnh lũ là khi nào thì hãy cho xả, chưa đến đỉnh lũ mà cho xả thì không tránh khỏi ảnh hưởng đến hạ du”, ông Nguyễn Thành Sơn nói.

Ông dẫn chứng vừa qua có hồ thủy điện còn tích thêm được 1m nước, có hồ tích thêm được 9m nước nữa nhưng địa phương lệnh cho xả.

“Lẽ ra cứ cho các hồ đó tích thêm nước, thì giữ được bao nhiêu  nước, rồi hãy từ từ cho xả. Như thế rõ ràng đỡ cho phần hạ lưu rất nhiều”, ông Sơn nói. Theo ông, nếu địa phương điều tiết tốt, mức độ ngập lụt cũng được hạn chế nhiều.

{keywords}

Thực tế, trong quá trình vận hành hồ thủy điện, không phải chủ đầu tư nào, địa phương nào cũng làm tròn trách nhiệm. Tại báo cáo trả lời chất vấn trong lĩnh vực Công thương vừa gửi Quốc hội, Chính phủ đã điểm danh một số dự án thủy điện chưa tuân thủ quy định. Đơn cử, sau khi kiểm tra đột xuất công trình thủy điện Đăk Kar, Bộ Công thương đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai đối với chủ đầu tư và chuyển Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông xử lý theo thẩm quyền.

Còn sau khi kiểm tra công tác vận hành hồ chứa thủy điện Sử Pán 1, Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương Lào Cai lập biên bản vi phạm hành chính. Thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với chủ đầu với số tiền phạt 120 triệu đồng.

Lý do là, năm 2019, khi xuất hiện lũ đặc biệt lớn làm mực nước hồ chứa dâng nhanh, có nguy cơ gây mất an toàn đập, chủ công trình đã thực hiện vận hành xả lũ khẩn cấp hồ chứa thủy điện Sử Pán 1 trong khi chưa thông báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và nhân dân vùng hạ du làm việc ứng phó lũ lụt tại vùng hạ lưu không kịp thời.

Do đó, để các hồ thủy điện phát huy hết vai trò, giảm thiểu các tác động không mong muốn, việc kiểm tra, giám sát vận hành các hồ thủy điện là việc không thể xem nhẹ, nhất là trước mỗi mùa mưa bão.

{keywords}

Nguyên Bộ trưởng Thái Phụng Nê nhận xét, việc cấp phép, quản lý các thủy điện nhỏ đã được phân cấp cho địa phương.

Chuyên gia Tô Văn Trường phân tích, thẩm quyền phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ thuộc về các địa phương, nơi thường không có chuyên gia chuyên sâu về thủy điện, thủy văn, thiết kế công trình. Trong khi đó, nhà đầu tư thường cố giảm giá thành để tăng hiệu quả kinh tế.

Địa chất khu vực Quảng Trị đến Quảng Nam là vùng địa hình dốc, đất yếu. Khi mưa lớn thì nguy cơ trượt đất, sạt lở rất cao. Bình thường đã như thế rồi. Khi có tác động san đất, xẻ núi, làm đường, xây dựng... thì lại càng tác động đến kết cấu địa hình, nguy cơ càng lớn hơn. Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lớn bất thường, nguy cơ càng cao. Vì vậy, các công trình tại những vùng này sẽ gặp hoàn cảnh hết sức khó khăn khi đối phó với rủi ro trượt, sạt lở đất.

{keywords}

Trả lời Tuần Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Thái Phụng Nê khẳng định: “Tất cả các đập thủy điện lớn nhỏ đều phải được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy định rất nghiêm ngặt của Nhà nước”.

Tuy nhiên, cũng giữ quan điểm như ông Trường, ông Nê nhận xét, việc cấp phép, quản lý các thủy điện nhỏ dưới 30 MW đã được phân cấp cho các chính quyền địa phương. Ông Nê, người đã đóng góp rất nhiều vào các dự án thủy điện, bày tỏ: “Nếu vỡ đập là do trách nhiệm của những người liên quan không nghiêm túc, ví dụ, nền chưa xong đã đắp đập, trình tự đổ bê tông không đúng kỹ thuật nên chất lượng không đảm bảo…”.

Ông nói: “Đập nhỏ, trung bình, lớn đều phải được quản lý hết sức nghiêm túc theo tiêu chuẩn quy định. Làm được như thế thì không thấy gì đáng lo theo kinh nghiệm của tôi. Khi thiết kế, thẩm định, thi công, nghiệm thu, giám sát đầy đủ, nghiêm ngặt thì việc xảy ra tai họa là ít có, thậm chí không có”.

Trao đổi với Tuần Việt Nam, TS Vũ Thanh Ca, khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận xét, việc xây dựng các hồ chứa luôn kèm theo việc xây dựng một hệ thống hạ tầng đính kèm, bao gồm nhà quản lý, biến áp, đường sá cũng như có thể yêu cầu bố trí quỹ đất để tái định cư. “Việc này sẽ gây ra phá rừng. Ngoài ra, việc san đồi núi tạo các mặt bằng xây dựng có thể làm gia tăng mức độ bất ổn định của các khối đất đá, làm gia tăng khả năng trượt lở đất”, ông nhận xét.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng hiện nay phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cần được thực hiện ở các vùng núi cao, như vậy việc xây dựng đường của các thủy điện có thể coi một phần là đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cần nghiên cứu đánh giá các tác động tích cực cũng như tiêu cực của việc xây dựng hạ tầng thủy điện và có biện pháp quản lý phù hợp.

{keywords}
{keywords}

Thủy điện cũng là một dạng năng lượng tái tạo. Các công trình lớn, nhỏ đã được cấp phép, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhiều năm qua.

Đến gần đây thì gần như các địa điểm có thể làm thủy điện nhỏ cũng đã gần hết. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong giai đoạn 2021-2025 chỉ còn huy động đưa vào vận hành thủy điện nhỏ và thủy điện tích năng gần 6,290 MW, giai đoạn 2025-2030 còn 15.190 MW, tức ngày càng ít đi.

Nước cũng là tài nguyên ngày càng hiếm, nếu không tích trữ lại để sử dụng, sẽ trôi ra biển, gây lãng phí nhiều không chỉ trong nông nghiệp. Song, việc xây dựng các thủy điện nhỏ trong tương quan giữ môi trường, nhất là bảo vệ rừng, cũng cần được cẩn trọng hơn trước nhiều.

Tư Giang - Lương Bằng

Ảnh: Thanh Tùng - Đình Thành 

Thiết kế: Huệ Nguyễn