Loại bỏ đồ dùng cũ, hỏng
Việc tích trữ quá nhiều đồ đạc khiến nhà cửa trở nên lộn xộn, chật chội. Những bộ quần áo cũ cả năm không mặc khiến tủ quần áo chật kín, các thiết bị nhà bếp ít dùng khiến căn bếp ngột ngạt, những món đồ lẻ tẻ không có giá trị sử dụng cũng khiến không gian bí bách…
Vì vậy, loại bỏ đi những món đồ hỏng hóc, cũ kỹ, ít sử dụng là rất cần thiết để tái cơ cấu lại không gian sống trong năm mới. Đồng thời, nhà cửa gọn gàng, thoáng đãng sẽ giúp gia chủ đón những nguồn năng lượng tốt lành.
Bạn nên phân chia đồ đạc cần loại bỏ thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những món đồ cũ, hỏng, không thể sử dụng được nữa thì mang đi bỏ. Nhóm thứ hai là những món đồ vẫn còn sử dụng được nhưng ít dùng thì có thể thanh lý, cho tặng người có nhu cầu. Để tránh tình trạng bỏ sót hay chọn nhầm, hãy tiến hành "thanh lọc" đồ dùng theo từng khu vực trong nhà như phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ...
Bên cạnh đó, bạn nên quan sát xem những vật dụng cũ nào trong nhà có thể tái sử dụng được. Từ đó, biến đổi chúng thành những vật trang trí mới mẻ hoặc sử dụng lại trong các không gian khác nhau của căn nhà. Việc này không chỉ giúp bạn tiết kiệm ngân sách mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Làm mới nội thất
Những món đồ nội thất như giường, tủ, kệ bếp sau thời gian dài sử dụng sẽ trở nên cũ bẩn. Thay vì mua sắm nội thất mới sẽ rất tốn kém, hãy sử dụng những cách đơn giản để “hô biến” các món đồ này trở nên sạch sẽ, mới mẻ hơn.
Bạn có thể pha giấm với nước theo tỉ lệ 1-3, chấm nước này lên những chỗ bị bẩn trên các món đồ nội thất có chất liệu gỗ. Giấm có khả năng làm sạch khá hiệu quả các vết bẩn lâu ngày. Sau đó, hãy dùng khăn sạch nhúng nước lau lại toàn bộ bề mặt là đã thấy các món đồ nội thất gỗ sạch đẹp, sáng bóng hơn rất nhiều.
Với đồ nội thất chất liệu da, hãy sử dụng các loại dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Còn các món đồ nội thất khó vệ sinh như sofa chất liệu vải, nếu có thể tháo vỏ bọc ra thì chỉ cần mang đi giặt sạch vỏ bọc là được. Nếu là vỏ bọc cố định, hãy dùng máy hút bụi hoặc cây lăn bụi để làm sạch bụi trên toàn bộ bề mặt và các ngóc ngách của bộ sofa. Tiếp đó, cho nước rửa bát vào thau nước ấm, đánh tạo thành lớp bọt dày, dùng bàn chải lông mịn, chà nhẹ bọt lên bề mặt sofa. Cuối cùng, gạt hoàn toàn phần bọt trên bề mặt sofa rồi dùng khăn mềm lau cho đến khi sofa sạch hoàn toàn.
Nếu muốn làm mới nhà cửa để đón Tết, bạn cũng có thể thay đổi, sắp xếp lại vị trí của các món đồ nội thất kích thước lớn, ảnh hưởng đến bố cục không gian như sofa, giường, tủ.
Phân loại và lưu trữ hiệu quả
Một trong những bí quyết để duy trì sự gọn gàng, ngăn nắp cho không gian sống là phân loại và lưu trữ đồ dùng hợp lý. Khi dọn nhà, hãy sắp xếp các đồ dùng theo nhóm chức năng và lưu trữ chúng ở những nơi tiện lợi nhất, bằng cách sử dụng hộp đựng, kệ đựng hoặc túi rời… Điều này không chỉ giữ cho mọi thứ gọn gàng mà còn dễ quản lý, giúp bạn tiết kiệm thời gian khi tìm kiếm đồ dùng cần thiết.
Huy động các thành viên cùng dọn dẹp
Dọn dẹp nhà cửa đón Tết không nên là công việc của riêng người mẹ, người vợ. Hãy huy động các thành viên trong gia đình cùng bắt tay vào làm. Mỗi người có thể đảm nhận một nhiệm vụ cụ thể, từ việc làm sạch, phân loại đồ dùng cho đến sắp xếp, bài trí không gian.
Cả gia đình cùng tham gia dọn dẹp sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên. Đồng thời, mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc bảo quản đồ đạc, giữ gìn sạch đẹp không gian sống chung trong năm mới.
Thuận Phong (Tổng hợp)