{keywords}
 

Xem video:

{keywords}
 

Nhìn thấy cuộc gọi video của mẹ, bốn chị em Yến Nhi túm lại. Màn hình bên kia mở lên, Nhi thấy mẹ thở rít từng hồi. Bên cạnh mẹ, tiếng máy đo nhịp tim kêu liên tục… Nhi chỉ kịp kêu to “Mẹ cố lên”, nhưng mẹ đã vẫy tay chào tạm biệt rồi tắt máy.

Vài giờ sau, 4 chị em Nhi nhận được điện thoại từ nhân viên bệnh viện nói gia đình chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất. Nhi ôm lấy những đứa em, nước mắt chực trào ra.

Hôm đó, trời đã về khuya, Nhi và các em vẫn không dám ngủ, chỉ cầu mong không có chuyện xấu nào xảy đến với mẹ. Nào ngờ, 6h sáng hôm sau, điện thoại từ bệnh viện lại gọi tới. Sau ít giây im ắng, đầu dây bên kia cất lên lời chia buồn đau xót. Bốn chị em gào khóc, gọi tên mẹ trong nỗi đau cùng cực. 

Hôm đó là ngày 27/8. Anh Phạm Công Sự (43 tuổi), bố của 4 đứa trẻ,  vẫn đang tự cách ly tại nhà vì bị nhiễm Covid-19. Sau khi nghe tin vợ mất, anh suy sụp nhanh chóng rồi rơi vào tuyệt vọng khiến bệnh tình trở nặng, phải vào Bệnh viện Quận 12, TP.HCM điều trị.

Yến Vy (con gái thứ hai của anh Sự) được đi cùng để chăm sóc bố. Nhưng bệnh tình của anh diễn biến nặng hơn nên tiếp tục được chuyển sang điều trị ở Bệnh viện Nguyễn Trãi.

“Trước ngày chuyển viện, ba nắm lấy tay em nói: ‘Con ơi, cứu ba với’”, Vy bật khóc nhớ lại. Cô bé 16 tuổi chỉ biết nắm tay ba khóc, động viên ba cố lên. Từ hôm đó, 4 chị em chỉ biết tình hình của ba qua các điều dưỡng ở bệnh viện. 

Không ngờ, ngày mấy chị em nhận hũ tro cốt của mẹ cũng là ngày nhận tin ba qua đời. Bốn chị em Yến Vy trở thành trẻ mồ côi cả ba lẫn mẹ trong vòng 9 ngày. “Ba cũng theo mẹ luôn rồi”, Vy nói xong, vội giấu những giọt nước mắt vào sau lưng áo người chị cả.

{keywords}
 

Giờ đây, Yến Nhi (20 tuổi) trở thành chỗ dựa duy nhất của 3 đứa em. Trong căn nhà trọ chật hẹp ở Quận 12, nhìn các em, nghĩ về tương lai, về những lời mẹ dặn trước khi nhắm mắt, Nhi khóc rưng rức một mình.

Thực ra, trước đó Nhi và các em đã chuẩn bị tâm lý cho ngày tiễn biệt mẹ mãi mãi vì mẹ em mắc ung thư giai đoạn cuối. Nhưng em chưa bao giờ hình dung được ngày ấy lại đến sớm đến vậy.

Mẹ Nhi, chị Lâm Yến Nga (42 tuổi) được cho là nhiễm Covid-19 sau lần đến bệnh viện lấy thuốc điều trị ung thư. “Ngày phát bệnh, mẹ được đưa vào Bệnh viện Ung bướu điều trị. Chúng em không được theo, chỉ được gặp mẹ qua những cuộc gọi video”, Nhi kể.

Chỉ mới đây thôi, Nhi từng tự trấn an mình rằng mất mẹ, em sẽ cùng ba gồng gánh, nuôi các em. Thế mà bây giờ, chỉ mình em chống đỡ nỗi hoang mang khi nghĩ về những ngày sắp tới.

Trước đây, ba đi làm phụ hồ, mẹ may gia công nên tiền chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Từ khi mẹ bị ung thư, Nhi và Vy đều lần lượt nghỉ học, đi làm thêm để có tiền phụ mẹ. Nhi làm việc bán thời gian, còn Vy phụ giúp trong quán cà phê kiếm thêm thu nhập. Mấy tháng nay, hai chị em đều thất nghiệp. Đồ ăn, thức uống trong nhà phần nhiều được hàng xóm hỗ trợ. Phần còn lại, em lấy tiền phúng điếu của cha mẹ để trang trải tiền nhà trọ.

Từ khi ba mẹ mất, 2 đứa út khóc suốt. Đợi các em nín khóc, Nhi và Vy dọn những chén cơm vừa cúng cha mẹ xuống giữa căn phòng trọ chật hẹp. Bất chợt, hình ảnh bữa cơm gia đình có đủ đầy ba mẹ lại ùa về. Chị em Nhi nhìn nhau, vừa ăn cơm vừa lau nước mắt.

{keywords}
 

Khả Hân sinh năm 2014. Không ai trong gia đình biết cha cô bé là ai. Bí mật ấy bị chôn vùi cùng với cái chết của người mẹ năm Hân 1 tuổi. Hân theo ông bà ngoại và bà cố từ miền Tây lên Sài Gòn mưu sinh. 

Đầu tháng 8/2021, khi dịch bệnh bùng phát, cả gia đình ông Bùi Văn Chí (56 tuổi) - ông ngoại Hân, nhiễm Covid-19. Tuổi cao, sức yếu, bà cố của Hân không thể chống lại bệnh tật nên qua đời. Bà cố mất được ít ngày thì bà ngoại Hân cũng phải nhập viện điều trị. Ông Chí và bé Hân được đưa vào bệnh viện cách ly. Trong bệnh viện, hai ông cháu chăm nhau, cùng cố vượt qua bạo bệnh. Thế nhưng chưa được bao lâu, ông Chí nhận tin vợ mình không qua khỏi. 

“Ngày vợ mất, tôi choáng váng nhưng cố kìm lòng, không cho Hân biết. Nó đã chịu quá nhiều buồn đau, tôi sợ nó chịu không nổi. Nó thương bà ngoại lắm. Lúc trong viện với tôi, nó cứ hỏi thăm vợ tôi hoài. Tôi nói dối là bà ngoại đang trị bệnh, sắp khỏi rồi để nó yên tâm”.

{keywords}
 

Ngày Khả Hân đủ điều kiện xuất viện, ông Chí vẫn phải tiếp tục điều trị Covid-19. Không còn người thân thích ở TP.HCM, ông đành gửi đứa cháu về gia đình bà con dưới quê. Ông cũng dặn dò mọi người không tiết lộ thông tin vợ mình đã mất. Ngày chia tay ông ngoại, Hân bịn rịn mãi ở cổng viện, không muốn rời bước. Các y bác sĩ phải động viên, Hân mới chịu lên xe.

Về quê, Hân nhớ ông bà ngoại lắm. Nhưng lạ là, chiều nào cũng chỉ có ông gọi về thăm Hân. Tuyệt nhiên không thấy cuộc gọi nào từ bà ngoại. Cô bé đã lờ mờ nhận ra có chuyện gì đó không ổn. “Lúc trong bệnh viện, con nghe thấy ông ngoại nói như sắp khóc. Con thấy ông buồn lắm, có lúc mắt ông đỏ hoe. Con sợ ông buồn nên không hỏi thêm về gì bà ngoại nữa”, Hân kể.

Thấy vẻ mặt rười rượi của đứa cháu nhỏ, người thân ở quê đành nói cho Hân biết, bà ngoại đã mất rồi. Đứa bé 7 tuổi nhạy cảm òa khóc một trận tức tưởi. Mấy hôm liền, Hân không rằng không nói. Với cô bé, bà ngoại giống như mẹ vậy. 

Trải qua quá nhiều mất mát ở độ tuổi của mình, cô bé dường như trưởng thành hơn những đứa trẻ 7 tuổi khác. Hân nói, giọng vừa ngây thơ vừa vững chãi: “Bà ngoại mất rồi, con cũng không khóc thêm nữa vì như thế ông ngoại sẽ buồn. Con muốn lớn nhanh để lo cho ông ngoại, để ông không phải lo cho con nữa”.

{keywords}
 

Hôm cha mất, Nhật Hào (17 tuổi) và Đan Thanh (10 tuổi) đang ngủ trên lầu. Bất chợt, cả hai nghe tiếng mẹ chạy lên gọi cửa.

“Khi chúng em xuống, bố đã không còn thở nữa. Bố là người toàn tâm và có tình thương bao la. Ở trong nhà cũng như bên ngoài, ai cần bố đều có mặt. Em vẫn ước sau này sẽ trở thành một người như bố. Trước đây, mỗi dịp Tết, bố đều về Tây Ninh đón Tết cùng 3 mẹ con em. Thời gian gia đình ở cùng nhau ngắn ngủi nhưng rất vui, ấm áp. Bây giờ, gia đình vừa được đoàn tụ ở thành phố, nhưng những khoảnh khắc ấy sẽ không còn nữa”, Hào ngậm ngùi.

Không đủ lớn để kìm nén nỗi đau như anh trai, bé Đan Thanh gần như òa khóc khi nhớ về bố: “Những hôm bố bệnh, con muốn đến ôm bố lắm nhưng bố không cho con lại gần. Con chỉ dám lén ra đầu cầu thang trên lầu để nhìn bố thôi. Ngày bố mất, con khóc nhiều lắm. Mẹ khuyên con đừng khóc vì như thế, bố con sẽ buồn. Con không khóc nữa, con sẽ ngoan để bố vui”, bé nói rồi cố nở nụ cười dù mắt vẫn ầng ậng nước.

Nghe con thơ nhớ cha, chị Ngọc Hà (38 tuổi) cũng không thể cầm lòng. Lúc còn sống, anh Phú Hiếu rất cưng bé Thanh. Khi chưa đón mẹ con chị Hà về đoàn tụ, dù ở đâu, bận việc gì, anh cũng cố gắng gọi điện cho bé. 

{keywords}
 

Khi anh nhắm mắt, bé Thanh khóc rất nhiều. Thậm chí, bé còn tự trách bản thân là vì mình mà bố nhiễm bệnh rồi qua đời. Chị Hà giải thích: “Lúc mới về đây, bé bị đau họng và ho. Tôi có mua thuốc cho bé uống và bé khỏi rồi. Thế nhưng, bé cứ đinh ninh mình nhiễm bệnh”.

“Mỗi lúc anh Hiếu lại gần, bé lại sợ và nói: “Bố đừng lại gần con, con sẽ lây cho bố”. Khi anh mất, bé gào khóc: “Con đã nói bố đừng lại gần con rồi, bố lại làm chi để bây giờ bố bị như vậy”. Bé cứ khóc và trách mình như thế, tôi phải dỗ nhiều ngày liền, bé mới bớt”.

Bé Thanh thương nhớ anh Hiếu đến nỗi mỗi khi nhìn thấy di ảnh của anh, bé lại òa khóc. Nhiều lúc, bé nói với chị rằng bé muốn đổi mạng sống của mình cho anh Hiếu. Bé cũng hỏi chị “nếu mẹ con mình chết đi có được gặp bố không”...

Nghe những câu từ ấy từ miệng con trẻ, lòng chị Hà đau như cắt. Chị chỉ biết ôm con vào lòng, an ủi con trong giàn giụa nước mắt. Ngôi nhà nhỏ đang xây dang dở ở Quận 12 (TPHCM) là món quà cuối cùng anh Hiếu để lại cho mẹ con chị.

{keywords}
 

Nếu như hồi tháng 5 năm nay, chúng ta bàng hoàng bởi thông tin có hàng nghìn trẻ em mồ côi vì Covid-19 ở đất nước Ấn Độ, thì chỉ cách đây vài ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng chia sẻ một con số đầy xót xa - khoảng 1.500 trẻ em mồ côi vì Covid-19 ở TP.HCM. 

Trong khoảng 1.500 học sinh mồ côi này, có hơn 490 học sinh tiểu học, 580 học sinh THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên. 

Lãnh đạo Sở này cũng lưu ý, đây chưa phải là con số cuối cùng bởi vì diễn biến dịch vẫn còn phức tạp. Và ngoài TP.HCM, một số tỉnh thành trọng điểm khác ở phía Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid và chưa có con số thống kê.

Những mất mát, đau thương này đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ trong bức thư gửi tới đồng bào cử tri TP.HCM hôm 16/9. Trong thư, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền thành phố cần quan tâm đến 1.500 trẻ em mồ côi vì đại dịch bằng những chương trình, hành động giúp đỡ cụ thể, thiết thực.

Trong một động thái để san sẻ bớt phần nào những khó khăn về mặt vật chất của các em, trước đó, ngày 8/9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng cho các em có cha, mẹ mắc Covid-19 qua đời hoặc các em có hoàn cảnh khó khăn. 

Về mặt lâu dài, theo quy định mức trợ cấp hàng tháng cho trẻ mồ côi, trẻ dưới 4 tuổi sẽ nhận 900 nghìn đồng/ tháng, trẻ 4 tuổi trở lên là 540 nghìn đồng/ tháng. Ngoài ra, các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản khác ở trường, thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Các chính sách trợ giúp xã hội khác được duy trì đến năm 22 tuổi khi các em học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học. 

{keywords}
 

Trách nhiệm xã hội trong việc dang tay đón nhận những đứa trẻ mồ côi cũng đang được các doanh nghiệp, tổ chức xã hội hưởng ứng và khởi phát mỗi ngày. Điển hình và nội bật nhất là lời hứa xây trường nuôi dạy 1.000 đứa trẻ mồ côi của doanh nhân Trương Gia Bình. Với niềm tin mạnh mẽ dành cho khoa học, giáo dục cùng với tiềm lực sẵn có từ doanh nghiệp của mình, ông Bình vạch ra kế hoạch về một ngôi trường thiếu sinh quân với đầy đủ các cấp học, đào tạo liên tục trong vòng 20 năm, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. 

Ý tưởng được vạch ra trong vòng 24 giờ của người đứng đầu một tập đoàn công nghệ lớn xuất phát từ tuổi thơ thiếu vắng sự có mặt của cha mẹ. Ông mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh. 

Ngay lập tức, cam kết của doanh nghiệp này đã nhận được sự cổ vũ tích cực từ cộng đồng. Có thể nói rằng đây là mô hình có quy mô lớn đầu tiên được công khai trong câu chuyện xã hội hoá việc đỡ đầu những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19. Nó cũng trở thành động lực cho các doanh nghiệp và tổ chức xã hội khác cùng tham gia phong trào hỗ trợ trẻ mồ côi vượt qua biến cố cuộc đời vô cùng đặc biệt này.

Nếu như ngôi trường trong tương lai của ông Trương Gia Bình thể hiện sự hào phóng và trách nhiệm xã hội cao của một doanh nghiệp lớn, thì dự án Powai của bà Tô Thuỵ Diễm Quyên - một người làm giáo dục có tiếng ở TP.HCM lại là ví dụ điển hình cho sự hợp lực sức mạnh từ cộng đồng. 

“Cá nhân tôi không làm nên kỳ tích này” - bà Quyên nói về dự án mà bà và các cộng sự đã âm thầm xây dựng trong vòng 1 tháng qua. 

{keywords}
 

Trong hồ sơ xin thành lập trung tâm trợ giúp xã hội để nuôi dạy trẻ em mất người thân do đại dịch Covid-19, bà Quyên viết, sức lực và vật lực để xây dựng lên Powai là nhờ sự đóng góp của hơn 600 thành viên dự án, bao gồm các chuyên gia giáo dục, tài chính, tâm lý, đội ngũ hỗ trợ pháp lý, và đặc biệt không thể thiếu các mạnh thường quân… 

Sở dĩ, bà Quyên nói rằng dự án này là sức mạnh của cộng đồng là bởi chỉ sau một lời kêu gọi trên Facebook cá nhân, đã có hơn 1.000 người đăng ký để trở thành người đồng hành cùng dự án ở tất cả các mảng mà một ngôi trường nội trú dành cho trẻ em cần phải có. 

Cũng sau lời kêu gọi này, đã có khoảng 500 đứa trẻ được đăng ký xin trợ giúp, 100 người đăng ký nhận nuôi và đỡ đầu trẻ cùng với các mạnh thường quân chủ chốt khác. 

Trong giai đoạn đầu, dự án khẳng định đủ khả năng nhận nuôi dạy 100 trẻ từ tuổi sơ sinh cho tới cấp THPT tại cơ sở nằm trong khuôn viên 1.000m2 ở Q.7, TP.HCM. Ngoài ra, dự án cũng nhận hỗ trợ không giới hạn trẻ em mất bố/mẹ, hoặc bố mẹ không đủ khả năng hỗ trợ tốt việc học tập của con về các mặt: tâm lý, kỹ năng, học tập và sức khoẻ. 

{keywords}
 

Là một người làm giáo dục, bà Quyên cũng quan tâm đặc biệt đến yếu tố tinh thần cho các em. “Bởi vì đây là những đứa trẻ đã có những tổn thương sâu sắc, nên chúng tôi đặc biệt chú trọng đến cách ứng xử, giao tiếp với các em. Chúng tôi đã xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho các cán bộ, giáo viên - những người trực tiếp tiếp xúc và chăm sóc những đứa trẻ này: những từ ngữ nào không được nói, những cách ứng xử nào không được thể hiện… để bảo vệ tinh thần của trẻ, giúp chúng mạnh mẽ, trưởng thành và bình đẳng được với thế giới”.

Người sáng lập dự án chia sẻ rằng hiện tại mọi thứ đều đã sẵn sàng để đón các con, bao gồm nơi ăn ở, phòng học, phòng trải nghiệm, đội ngũ nhân sự chăm sóc, dạy học cũng như hỗ trợ tâm lý cho lũ trẻ. Tất cả chỉ còn chờ giấy cấp phép của các cơ quan chức năng. 

Ngoài 2 ngôi trường nội trú kể trên, còn có rất nhiều cá nhân, tổ chức khác bắt đầu trao tặng những suất học bổng, gói trợ cấp hàng tháng cho trẻ mồ côi. Nó có thể chỉ là vài trăm nghìn đồng, hay suất học bổng trị giá 2 triệu đồng/ tháng mà Bệnh viện Chợ Rẫy vừa trao tặng mới đây cho 12 trẻ mồ côi, cam kết đến khi các em tốt nghiệp đại học. Tất cả tạo nên một phong trào “lá lành đùm lá rách” đáng quý trong thời điểm mà sau tất cả, trẻ em là những người phải chịu nhiều thiệt thòi nhiều nhất.

{keywords}
 

Trong số hàng trăm đơn đăng ký xin đỡ đầu cho trẻ mồ côi gửi về dự án của bà Tô Thuỵ Diễm Quyên, có không ít người muốn thông qua dự án nhờ tìm một đứa trẻ để họ có thể đưa về nhà mình nuôi dạy như một thành viên trong gia đình. 

Đây vốn dĩ là một hình thức nhận nuôi chưa phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, nên chăng, nhân bối cảnh này, chúng ta nên có cái nhìn cởi mở và mạnh dạn hơn với mô hình nhận nuôi vốn rất phổ biến và được đánh giá cao ở các quốc gia phát triển.

Điển hình là Mỹ - một quốc gia có khoảng 1,5 triệu trẻ em được nhận nuôi – chiếm 2% dân số trẻ em của nước này, theo một nghiên cứu vào năm 2013. Trung bình mỗi năm có khoảng 140.000 trẻ em được nhận nuôi bởi các gia đình người Mỹ, tính cả trong và ngoài nước. Cứ 10 người Mỹ thì 6 người đã có trải nghiệm cá nhân với việc nhận con nuôi, tức là bản thân họ, hoặc một thành viên trong gia đình, hay một người bạn thân thiết của họ đã từng được nhận nuôi, hoặc nhận con nuôi, hoặc đăng ký nhận nuôi một đứa trẻ, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu về nhận con nuôi Donaldson năm 1997. 

Ở Việt Nam, kể từ khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực từ năm 2011, trong giai đoạn 2011-2015 đã có 14.539 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó 88% là con nuôi trong nước. 

Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Con nuôi (Bộ Tư Pháp), lý do nhận con nuôi của các gia đình Việt Nam chủ yếu là vì không có con cái -chiếm 65%. Các lý do xuất phát từ phía trẻ em chỉ chiếm số ít, cụ thể 15,4% muốn giúp đỡ người thân trong gia đình gặp khó khăn. Chỉ có 19,6% người nhận nuôi muốn chăm sóc trẻ em mồ côi hoặc bị bỏ rơi. Hơn nữa, người nhận con nuôi đa số có mối quan hệ quen biết hoặc quan hệ họ hàng với trẻ em được nhận làm con nuôi. 

Những con số trên cho thấy văn hoá nhận con nuôi ở Việt Nam vì nhu cầu được chăm sóc của chính đứa trẻ là chưa phổ biến. 

{keywords}
 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ tâm lý học Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) cho biết, cá nhân bà đánh giá cao mô hình trẻ được nhận nuôi tại nhà hơn là ở các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trường học nội trú, nhất là với trẻ nhỏ thì yếu tố môi trường sống lại càng quan trọng. 

“Sống trong một ngôi nhà đúng nghĩa, trẻ được nhận bầu không khí ấm áp và tình yêu thương của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Những diễn biến tâm lý, sự phát triển, trưởng thành của trẻ cũng được chia sẻ và đồng hành sát sao của các thành viên. Đó là điều chắc chắn sẽ có khác biệt với cuộc sống trong môi trường tập thể lớn”.

TS. Hồng cho rằng, đây cũng là cơ hội để chúng ta khuyến khích các gia đình có đủ điều kiện nhận nuôi trẻ mồ côi, cho trẻ cơ hội được sống trong một môi trường bình thường như những đứa trẻ khác. 

“Tất nhiên, để đảm bảo cho sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Chúng ta cần phải có một cơ chế để theo dõi, giám sát gia đình nhận nuôi, tránh trường hợp trẻ bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán… Ngược lại, Nhà nước cũng nên có một sự hỗ trợ tinh thần nào đó phía sau để các gia đình thấy rằng họ không đơn độc. Đó cũng là một cách ghi nhận việc làm của họ”.

Ngoài ra, TS. Hồng cho rằng các thủ tục nhận nuôi cũng cần phải có điều chỉnh trong bối cảnh đặc biệt này để các cháu sớm được nhận về với gia đình. “Tất nhiên, làm việc liên quan đến trẻ em thì phải rất cẩn thận nhưng trong bối cảnh này, hạn chế tối đa các thủ tục phiền hà cũng là việc cần ưu tiên”.

Về câu chuyện nhận con nuôi, bà Diễm Quyên cho rằng đây là một việc nên khuyến khích trong cộng đồng nhưng cũng đòi hỏi sự tham gia của nhiều ban ngành để đảm bảo sự phát triển an toàn cho đứa trẻ. Đặc biệt, cần có những khoá tập huấn, hỗ trợ cho người nhận con nuôi. 

Bà đặc biệt nhấn mạnh “nuôi ăn uống thì đơn giản, nhưng cái khó nhất là dạy dỗ như thế nào, đặc biệt với những đứa trẻ đã bị tổn thương rất lớn về tinh thần như thế này. Đó mới là cái mà những nhà giáo dục như chúng tôi trăn trở. 

Bởi vì dự án này không chỉ phục vụ người sống mà còn để yên lòng người đã khuất. Bố mẹ các con kỳ vọng các con trưởng thành, thành công. Đó là động lực để chúng tôi đặt mục tiêu sẽ chăm sóc bọn trẻ một cách tử tế, thậm chí là tử tế hơn cả khi họ còn sống nữa”. 

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
 

Bài: Nguyễn Thảo - Thanh Hà - Vũ Lụa - Hồ Văn

Ảnh: Trương Thanh Tùng, Nhân vật cung cấp

Video: Đình Tuyến

Thiết kế: Nguyễn Huệ