Nhiều gia đình cúng hóa vàng vào mùng 3 Tết. Tuy nhiên, theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội), lễ cúng hóa vàng có thể thực hiện từ mùng 3 cho đến mùng 10 Tết.
Hóa vàng là lễ đưa tiễn ông bà hay lễ tạ năm mới. Lễ cúng này có phần khác biệt so với các ngày Tết khác. Vì vậy, mâm cỗ hóa vàng cũng sẽ khác so với mâm cỗ cúng tất niên và mâm cơm ngày Tết.
“Mặc dù việc chuẩn bị mâm cỗ hóa vàng tùy vào kinh tế và phong tục tập quán của mỗi vùng miền, nhưng lễ cúng này rất quan trọng, gia chủ phải thành tâm, chuẩn bị mâm cỗ nghiêm chỉnh”, nghệ nhân Ánh Tuyết lưu ý.
Mâm cỗ hóa vàng về cơ bản cũng đầy đủ “giò - nem - ninh - mọc” cùng bánh chưng xanh, gà luộc, xôi…
Gà luộc trong mâm cỗ hóa vàng phải là gà trống to, chắc nịch, chân đẹp, bày biện cẩn thận. Nếu gia chủ cầu kỳ, có thể chế biến thêm món cá chép nấu bỗng.
Bởi theo quan niệm dân gian, cá chép là loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Việc cúng cá chép vào đầu năm sẽ mang lại may mắn thịnh vượng cho gia chủ.
Khi làm lễ hóa vàng, gia chủ cần chuẩn bị một mâm ngũ quả, trầu cau, nhang đèn, giấy tiền vàng mã, hoa tươi…
Điểm đặc biệt khi thực hiện nghi lễ cúng hóa vàng là gia chủ phải chuẩn bị 2 cây mía. Theo quan niệm dân gian, 2 cây mía sẽ làm đòn gánh để ông bà tổ tiên gánh vàng. Nó cũng sẽ trở thành vũ khí để chống lại lũ quỷ có ý đồ cướp tiền vàng.
Sau phần lễ cúng, gia chủ sẽ đốt giấy tiền, vàng mã và một số vật dụng khác. Việc hóa vàng được thực hiện khi nén nhang cúng ở bàn thờ ông bà tổ tiên sắp cháy hết.
Nghệ nhân Ánh Tuyết lưu ý, khi chế biến mâm cỗ cần xem số lượng người ăn, khẩu vị của mọi người trong gia đình để định lượng món ăn cho phù hợp, tránh lãng phí. Việc chuẩn bị tiền, vàng mã cũng chỉ nên mang tính tượng trưng, không cần quá nhiều.