Lễ cúng tất niên nhằm tổng kết năm cũ và chuẩn bị đón mừng năm mới, bày tỏ tấm lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là cơ hội để mọi người quây quần bên nhau trong dịp tết Nguyên đán.

Người Việt thường cúng tất niên vào những ngày cuối năm âm lịch nhưng đa số chọn cúng vào ngày cuối cùng của năm. Để thực hiện nghi lễ cúng tất niên, gia chủ cần chuẩn bị một mâm cơm tươm tất kèm một số lễ vật không thể thiếu.

W-ảnh 23   ngày giờ đẹp tất niên.jpg
Cúng tất niên đánh dấu kết thúc năm cũ, chờ đón năm mới. Ảnh minh họa: Ngọc Lài

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà hướng dẫn, mâm cúng tất niên cần các loại lễ vật như: Trái cây, trầu cau, nhang, đèn, bình hoa, gạo, muối, rượu, trà…

Mâm cỗ cúng tất niên có thể là món chay hoặc mặn, tùy từng vùng miền và thói quen của các gia đình. Đó là những món ăn quen thuộc ngày Tết, được chế biến thơm ngon, bày biện đẹp mắt.

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội) cho biết, bữa cơm tất niên không cần chuẩn bị “mâm cao cỗ đầy”. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, gia chủ có thể làm mâm cỗ cầu kỳ hoặc đơn giản, thanh đạm. 

Mâm cúng tất niên có thể cúng ở trong nhà hoặc ngoài trời và có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền.

Xem nhanh:
  • Mâm cúng tất niên miền Bắc
  • Mâm cúng tất niên miền Trung
  • Mâm cúng tất niên miền Nam

Mâm cúng tất niên ở miền Bắc

Nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết, mâm cỗ miền Bắc nói chung và người Hà Nội nói riêng đều có xôi gấc, bánh chưng, dưa hành muối, nem, giò thủ, gà luộc và thịt đông. 

Trong đó, thịt đông là món ăn đặc trưng của người miền Bắc mà các vùng miền khác thường không có. 

Ngoài những món không thể thiếu, mỗi gia đình thường có thêm một số món như: Bóng xào thập cẩm, canh măng, miến xào mề gà... 

ảnh 1   mâm cúng tất niên   Thùy Linh.jpg
Mâm cúng tất niên miền Bắc. Ảnh: Thùy Linh

“Truyền thống ngày xưa, mâm cỗ cúng cần 4 bát, 4 đĩa. Những nhà khá giả hoặc làm quan thì làm 6 bát, 6 đĩa, thậm chí 8 bát, 8 đĩa. 

Trước đây, người Hà Nội thường sống chung nhiều thế hệ dưới một mái nhà. Vì vậy, đông người thì cỗ phải nhiều bát, nhiều đĩa.

Ngày nay, cách bày mâm cỗ theo bát đĩa không còn phù hợp. Các gia đình trẻ không có nhiều thời gian để nấu nướng. Vì vậy, tùy theo bối cảnh gia đình mà gia chủ chuẩn bị mâm cỗ nhiều hay ít”, nghệ nhân Ánh Tuyết phân tích.

Mâm cúng tất niên ở miền Trung

Mâm cúng tất niên của người miền Trung phản ánh rõ nét đặc sản, ẩm thực vùng miền.

Nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết, mâm cỗ tất niên ở miền Trung thường có ít nhất 7 món, bao gồm các món ăn ngày thường và một số món đặc biệt chỉ nấu vào dịp Tết.

ảnh 1   mâm cúng tất niên   Le Hi Nguyễn.jpg
Món thịt ngâm mắm không thể thiếu trong mâm cúng tất niên ở miền Trung. Ảnh: Le Hi Nguyễn

Mâm cúng thường có gà luộc, xôi, chè, bánh tét/bánh chưng, thịt luộc tôm chua, cá chiên, ram, gỏi…

Mâm cỗ cúng tất niên của người miền Trung không thể thiếu món thịt muối hoặc thịt ngâm mắm.

Mâm cúng tất niên ở miền Nam

“Điểm khác biệt rõ rệt trong mâm cúng tất niên của người miền Nam là không thể thiếu món thịt kho trứng và canh khổ qua nhồi thịt. 

Món thịt kho trứng với quả trứng tròn, miếng thịt vuông tượng trưng cho trời tròn đất vuông, mang ý nghĩa năm mới trọn vẹn, sung túc.

Dân gian Nam Bộ cho rằng, tất niên ăn món canh khổ qua nhồi thịt thì bao nhiêu cái khổ trong năm cũ sẽ qua hết, xua tan xui xẻo, đón tài lộc năm mới”, nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết.

ảnh 2   mâm cúng tất niên   Huỳnh Hồng Đào.jpg
Mâm cúng tất niên ở miền Nam. Ảnh: Huỳnh Hồng Đào

Ngoài ra, miền Nam là vùng đất có sản vật phong phú nên các món trong mâm cúng tất niên rất đa dạng. Bánh tét có đủ các loại nhân mặn, ngọt, bánh mứt nhiều đến mức không đếm xuể.

Bên cạnh các món ăn đặc trưng, mâm cúng tất niên của người miền Nam còn có gà xé phay, tôm khô củ kiệu, bánh mứt…