Xu hướng sử dụng các phương tiện bay người lái cỡ nhỏ (drone) tại Ukraine ngày càng nhiều đang biến chiến trường thành “tử địa”.
Những drone giá rẻ được Ukraine sử dụng tạo ra đột biến trong phương thức tác chiến hiện đại ban đầu đã mang lại lợi thế cho Kiev trên chiến trường, nơi họ bị áp đảo về quân số và hoả lực.
Song, ngay khi Moscow thích ứng với cuộc chơi mới, bằng cách sản xuất hàng loạt drone thì cục diện cũng thay đổi theo đó. Sau nhiều tháng giao tranh, giờ đây chiến trường đầy rẫy drone và thiết bị tác chiến điện tử (EW) dùng một lần.
Phổ biến nhất trên chiến trường hiện nay là drone góc nhìn thứ nhất (FPV) thường được điều khiển từ xa bởi con người.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay ở Ukraine là những cuộc chiến chớp nhoáng bằng drone", Andrew Coté, chánh văn phòng của BRINC Drones - công ty drone có trụ sở tại Seattle (Mỹ) nói. "Mọi thứ như bị đóng băng, bởi nếu bạn ló mặt ra ngoài trời, bạn sẽ bị săn lùng".
Tiến bộ trong công nghệ drone đã giúp cứu sống nhiều sinh mạng, khi giúp binh lính có thể hoạt động xa tiền tuyến hơn so với trước đây. Tuy vậy, thế hệ drone mới với camera tầm nhiệt hay kính nhìn ban đêm, cũng thu hẹp đáng kể không gian lẫn thời gian di chuyển an toàn của bộ binh, từ đó ngăn cả hai bên giành được đột phá lớn trên chiến trường.
Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov, người đang giám sát phần lớn hoạt động phát triển drone của đất nước, cho hay drone đã chứng minh được độ chính xác cao hơn đạn pháo khi tấn công một số mục tiêu. Tuy nhiên, pháo binh vẫn là khí tài hàng đầu và có vai trò không thể thiếu trong cung cấp hỏa lực chế áp mạnh trên chiến trường.
"Trong quá trình chờ đợi phương Tây chuyển giao thêm đạn pháo, chúng tôi chỉ có thể cầm chân họ bằng drone", Nepal, 32 tuổi, phi công điều khiển drone trong cùng lữ đoàn của Denys, nói.
Ukraine đã huấn luyện hàng chục nghìn binh sĩ phi công drone như Nepal. Hồi tháng Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức hóa vai trò của những người điều khiển drone, thành lập một binh chủng mới mang tên Lực lượng Không người lái. "Đẩy lùi các cuộc tấn công trên bộ là nhiệm vụ chính của drone", ông tuyên bố, thừa nhận rằng vai trò của lực lượng bộ binh đã thay đổi đáng kể.
Theo Bộ trưởng Fedorov, nhu cầu drone trên chiến trường đang vượt xa năng lực cung cấp của Ukraine. Số lượng drone khổng lồ được tung ra tiền tuyến đồng nghĩa chiến trường "trở nên vô cùng rõ ràng với cả hai bên", Nepal nói. Dưới camera quan sát theo thời gian thực của hàng chục drone trên một khu vực, bất cứ hành động tiến công hay phòng thủ nào cũng có thể bị đối phương phát hiện ngay lập tức.
Drone có giá thành chế tạo khá rẻ nhưng lại mang giá trị chiến lược to lớn, đến mức Nepal phải dành hàng giờ mỗi ngày sửa chữa những thiết bị tịch thu được từ Nga hoặc thiết bị của chính họ để tái sử dụng.
Các hệ thống tác chiến điện tử có chức năng gây nhiễu, cắt sóng drone và vô hiệu hóa màn hình điều khiển của phi công đang khiến nhiệm vụ của họ trở nên khó khăn hơn. Nhiều trường hợp binh sĩ Ukraine phải thả đạn hoặc điều khiển drone lao vào mục tiêu trong trạng thái “gần như bị mù” do can nhiễu. Các drone thường không thể di chuyển quá 1,5 km trước khi màn hình chuyển sang màu xám.
Stanislav, 35 tuổi, sĩ quan chỉ huy một đơn vị drone ở miền đông Ukraine, cho hay trong bán kính 10 km, có khoảng 100 drone trinh sát và tấn công hoạt động mỗi ngày.
"Điều khó khăn nhất là xác định chiếc drone đang bay trên đầu là của Ukraine vừa trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ, hay vũ khí của Nga chuẩn bị lao xuống tấn công", Stanislav giải thích.
Đơn vị của Stanislav đang sử dụng hệ thống gây nhiễu do công ty Kvertus Ukraine phát triển để phá sóng drone đối phương, nhưng nó cũng cản trở hoạt động của drone Ukraine. Với việc các drone sử dụng dải tần số ngày càng rộng, một hệ thống phá sóng “all-in-one” gần như là không có sẵn.
Trong khi đó, Nga đã tăng cường hơn nữa các nỗ lực chống EW, nhằm vào các công nghệ phương Tây đang viện trợ cho Kiev.
Theo TASS, Cục thiết kế Simbirsk, nhà phát triển UAV Piranha, đang xây dựng “hệ thống liên lạc đa băng tần không thể bị gây nhiễu bởi tác chiến điện tử, cho phép thay đổi không chỉ tần số mà còn cả dải tần”.
Cụ thể, hệ thống có thể chuyển đổi trực tiếp giữa “ba dải tần số trong chuyến bay, tùy thuộc vào nhu cầu của người điều khiển UAV”. Nhà phát triển UAV Piranha cho hay, các phương pháp tác chiến điện tử thông thường không thể vô hiệu hoá thiết bị này, đồng thời việc hoạt động ở những tần số “không chuẩn” sẽ mang lại lợi thế trước đối phương.
Các giải pháp kỹ thuật là có sẵn, song để phân tích dải tần thường tiêu tốn nhiều thời gian và đến lúc đó, rất có thể đối phương đã đạt được những tiến bộ mới khó có thể đảo ngược.
Thiết kế: Phạm Thị Luyện