Nhà báo Tuấn Anh: Anh đánh giá thế nào về việc M.U sa thải HLV Van Gaal, liệu quyết định này đưa ra có quá muộn?
Nhà báo Phan Đăng: Nhìn từ số phận của Van Gaal, chúng ta thấy ông đến MU và nói một điều là, hy vọng sau 3 năm ở Old Trafford ông sẽ nghỉ hưu và chia tay bằng một ngôi vô địch. Nhưng đến năm nay là mùa thứ hai, hợp đồng của Van Gaal đã bị chấm dứt trước thời hạn. Như thế thì giấc mơ vô địch trước khi về hưu đối với Van Gaal bây giờ rất là khó khăn. Tôi không biết sau khi rời MU ông còn huấn luyện đội nào nữa không hay ông nghỉ hưu luôn. Với thế nào đi chăng nữa, đây là quyết định đầy cay đắng.
Tôi đọc báo Anh thì thấy nói rằng, người đầu tiên báo cho Van Gaal biết ông ấy nghỉ là bà vợ. Khi mà trận chung kết cúp FA khép lại thì bà vợ đọc BBC và thấy cái tin đó và bà ý báo. Nhưng hôm nay tôi đọc báo lại nói người đầu tiên nói cho Van Gaal không phải vợ, mà là Jose Mourinho. Vài ngày trước Mourinho gọi điện nói cho Van Gaal rằng, BLĐ MU đã thuê tôi đấy, bởi vì Mourinho không muốn phá vỡ mối quan hệ thầy trò giữa hai người. Như thế, dù dưới góc độ nào với Van Gaal, đây là kết cục cay đắng.
Nhà báo Tuấn Anh: Khi Sir Alex về hưu, chiến lược của MU là muốn người thay thế lâu dài để xây dựng lên đế chế mới. Nhưng chỉ trong vòng 3 năm, Quỷ đỏ thay tướng đến hai lần. Phải chăng họ đang quá coi trọng thành tích ngắn hạn hơn là sự phát triển bền vững?
Nhà báo Phan Đăng: Câu hỏi của anh làm tôi nhớ đến David Moyes - người được lựa chọn. Bản hợp đồng đầu tiên giữa MU với Moyes kéo dài 6 năm. Nhưng chưa đi được 1/4 quãng đường thì Moyes đã phải ra đi. Bản hợp đồng với Van Gaal từ 6 năm đã cắt xuống còn 3 năm, nhưng ông cũng chỉ đi được đến năm thứ hai. Tôi lại nhớ đến bản hợp đồng giữa Jose Mourinho và Chelsea. Năm ngoái, khi Chelsea vô địch, Abramovich cũng nghĩ đến chuyện dài hạn và ông lập tức ký với Mourinho đến 6 năm. Nhưng mọi người thấy, cầu thủ có vấn đề, đội bóng khủng khoảng, đến Mourinho cũng phải ra đi.
Ta có thể thấy, bóng đá hiện đại khác với thời của Sir Alex Ferguson ngày xưa. Năm 1986, Sir Alex đến MU và ông trải qua 4 năm thất bại. Đội bóng suýt xuống hạng nhưng BLĐ vẫn kiên nhẫn. May là năm 1990 MU đoạt cúp FA, thì Sir Alex mới được ở lại và sau đó tạo ra cả một đế chế chiến thắng. Tức là thời ấy, khi truyền thông chưa phát triển, khi đồng tiền trong bóng đá chưa phát triển, khi mà việc một đội bóng tham dự cúp châu Âu chưa thể mang lại rất nhiều tiền như bây giờ thì các ông chủ có thể kiên nhẫn về câu chuyện thành tích.
Còn bây giờ, đồng tiền đi liền khúc ruột. CLB không vào tốp 4, không được dự Champions League sẽ mất rất nhiều tiền. Vì thế, tính kiên nhẫn ở đây ta có thể hoàn toàn thông cảm với các ông chủ. Vì vậy, dài hạn hay ngắn hạn, thì đấy, xuất sắc như Mourinho mà cuối cùng cũng phải đi trước thời hạn ở Chelsea khi đội bóng không đạt được mục tiêu. Ở đây phải dung hòa và cái này quá khó. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta nhìn ở góc độ thành tích, thì Van Gaal ra đi tôi cho là cũng xứng đáng.
Bỏ ra một đống tiền, mua về rất nhiều cầu thủ nhưng cuối cùng chỉ đoạt được một cúp FA. Như thế, cũng không được đúng như những gì CĐV và BLĐ trông đợi. Cho nên, tôi nghĩ có thể tàn nhẫn, cay đắng, về mặt tình cảm là như thế, nhưng về lý trí là hoàn toàn chia sẻ. BLĐ MU làm thế, dài hạn hay ngắn hạn có lẽ ta cũng phải đồng tình với họ thôi, không còn cách nào khác trong thời buổi này.
Nhà báo Tuấn Anh: Thưa anh, liệu Jose Mourinho - một HLV cá tính, bốc đồng, ưa sự thực dụng có là giải pháp phù hợp để tái thiết MU ở thời điểm này?
Nhà báo Phan Đăng: Tôi cho rằng Mourinho đến MU sẽ có 4 cái khó. Cái khó đầu tiên là về mặt chiến thuật. Mourinho là biểu tượng của chiến thuật phòng ngự. Có người gọi là biểu tượng của kẻ "ám sát" cái đẹp, rất phòng ngự, cực đoan và tiêu cực. Đội bóng của ông nhiều lúc thắng đến tàn nhẫn. Cứ phòng ngự và thắng 1-0, 2-0. Ngược lại, truyền thống của MU là truyền thống tấn công, áp đặt đối thủ. Vậy thì giữa hai bản ngã này chắc chắn sẽ có một cuộc đụng chạm. Mourinho có giải quyết được cái đụng chạm đấy không, đó sẽ là thách thức đầu tiên. Ông sẽ hy sinh bản ngã phòng ngự của mình để tiếp tục duy trì mạch tấn công theo truyền thống của MU. Hay là ông sẽ biến một đội bóng có truyền thống tấn công đá phòng ngự. Điều này giới CĐV sẽ chờ đợi lắm và thách thức trên sẽ rất khó vượt qua.
Thách thức thứ hai là về mặt tính cách. Mourinho là người cá tính, sẵn sàng làm tất cả âm mưu để đạt được mục tiêu. Nhưng truyền thống huấn luyện ở MU không thế. Các HLV ở MU có thể bị kêu ca về trình độ, như David Moyes chẳng hạn. Tuy nhiên, về phong thái cơ bản là lịch lãm. Sir Alex, David Moyes rồi Van Gaal và trước đấy nữa là thứ văn hóa MU, truyền thống MU, nó có màu sắc của sự lịch lãm. Cách đây một năm, Sir Bobby Charlton có nói: "thật khó chấp nhận ở văn hóa MU lại có HLV sau trận đấu chạy sang chọc mắt đối thủ (cái điều mà Mourinho đã từng làm)".
Vấn đề thứ ba là ở góc độ nhân sự. MU có thói quen sử dụng rất nhiều cầu thủ trẻ. Một là cầu thủ trẻ tài năng mua về những số đấy ít. Hai là những cầu thủ trẻ lớn lên và trưởng thành ở lò Carrington. Vừa rồi Van Gaal có thể bị chê ở một số điểm, nhưng chuyện sử dụng cầu thủ trẻ, dùng Rashford, dùng Lingard đều được tán thưởng. Ngược lại, Mourinho không thích cầu thủ trẻ. Trong quan điểm chiến thuật của Mourinho, ông chỉ thích những cầu thủ đã thành danh. Đội bóng nào ông đến ở đó có những tài năng trẻ sẽ bị đem cho mượn ở các đội bóng khác. Như thế, cách dụng nhân này sẽ mâu thuẫn với truyền thống MU.
Cái khó cuối cùng là về mặt lấy bóng quân sĩ. Mùa vừa rồi, sau vụ thóa mạ bác sĩ Eva Caneiro ở Chelsea, thì Mourinho đã bị mất lòng các cầu thủ. Ông cay đắng rời khỏi Chelsea là vì không thu phục được bụng cầu thủ. Vấn đề thu phục lòng quân cũng là vấn đề ở MU cả Moyes lẫn Van Gaal đều phải đối diện. Vậy người như Mourinho đến đây có làm được điều này không. Trong bối cảnh tôi đọc báo thấy những cựu cầu thủ MU, như Peter Schmeichel nghi ngờ tính cách Mourinho. Thành ra với 4 cái khó như vậy thật thú vị và đáng để chờ đợi.
* VietNamNet