Giàu có mà nghèo nàn, đó là cách mô tả hợp lý nhất và thực trạng của MU, đội không giành được chiếc cúp nào kể từ sau khi giới thiệu với người hâm mộ danh hiệu Europa League hồi tháng 5/2017. Kể từ đó, câu lạc bộ dẫn đầu thế giới về mối quan hệ giữa chi phí và doanh thu để quản lý đội hình.
Trong 5 mùa giải gần nhất (chưa tính mùa này), hơn 800 triệu bảng được đầu tư cho quân tiếp viện và thu về 200 triệu bảng từ việc bán cầu thủ, khoản chênh lệch âm lên đến 600 triệu bảng. Ở Old Trafford, họ bán rẻ và mua đắt nhưng không làm cho đội mạnh lên.
"Chúng tôi cần những cầu thủ chất lượng", huấn luyện viên Erik Ten Hag giải thích sau trận thua 0-4 trên sân Brentford, thất bại thứ hai liên tiếp sau khởi đầu tệ hại trên sân nhà trước Brighton (1-2). MU đứng cuối bảng ở giải vô địch Anh.
"Các bạn sẽ xuống hạng với Fulham", người hâm mộ Brentford không ngừng hát vang trong trận đấu hôm thứ Bảy vừa qua (Fulham là đối thủ lớn nhất của Brentford tại Tây London. Các cuộc đối đầu giữa hai CLB từng chứng kiến nhiều vụ bạo lực của CĐV).
Premier League bước sang tuổi 30 vào ngày hôm nay (15/8). "Bóng đá không bắt đầu từ năm 1992. Nhưng sau đó môn thể thao này đã phát triển mãi mãi", một bộ phim tài liệu phát sóng trên truyền hình Anh giải thích, một trong những bước ngoặt của sự thay đổi góp phần tạo nên giá trị khổng lồ và biến nhiều CLB thành biểu tượng.
HOÀI NIỆM ALEX FERGUSON
Không hưởng lợi nhiều hơn MU. Sự ra đời của giải đấu hình thành các liên minh kinh doanh, giúp họ trở thành CLB kiếm tiền nhiều nhất hành tinh trong vài thập kỷ liên tiếp.
Ngày nay, sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lần thứ hai trong 4 mùa không được dự Champions League, đội vẫn đứng thứ 4 về mặt doanh thu trong thế giới bóng đá (đồng thời cũng đứng thứ 4 thế giới về giá trị thương hiệu, sau Barcelona, Real Madrid và Bayern Munich - theo Forbes). Ngược lại, sân cỏ là những kết quả thảm hại.
MU đăng quang Premier League ngay ở phiên bản đầu tiên. Thành tích này sẽ không có gì đặc biệt nếu không phải vì họ đã không vô địch bóng đá Anh trong suốt 26 năm dài. Trước cột mốc 1992-93 mang tính bước ngoặt đó, CLB có 7 chức giành vương miện, mà lần gần nhất là mùa 1966-67. Giữa hai giai đoạn, có thời điểm đội bóng thành Manchester bị đẩy xuống hạng nhì.
Từ cú hích đó, MU có thêm 12 danhh hiệu Premier League khác. Tất cả đều do Sir Alex Ferguson điều khiển.
Kể từ khi huyền thoại người Scotland rời băng ghế kỹ thuật, vào năm 2013, hơn 1,2 tỷ bảng được chi cho các bản hợp đồng mới để đổi lại 1 danh hiệu Europa League, 1 FA Cup, 1 League Cup và 1 Siêu Cúp Anh.
Bốn bàn thua trước Brentford, cách nhau vỏn vẹn 25 phút và đều diễn ra trong hiệp một, hoàn toàn phá hủy MU.
Cựu đội trưởng Gary Neville chỉ trích trên truyền hình: "MU luôn đáp lại sự tức giận của người hâm mộ bằng tiền. Vấn đề bây giờ là không ai muốn tiền của chúng tôi và điều đó rất nghiêm trọng. Chúng tôi là một CLB bóng đá tuyệt vời, nhưng ngày nay các cầu thủ ở cấp độ nào muốn đến với đội?".
HIỆN THỰC PHŨ PHÀNG
Cristiano Ronaldo muốn ra đi. Nhưng anh không từ bỏ tinh thần chiến đấu trước Brentford. Cho đến bàn thua thứ hai, CR7 vẫn cố gắng nâng đội, sau đó anh gục ngã và bên ngoài sân Erik Ten Hag cũng choáng váng.
Ronaldo ám chỉ đến những sai lầm cá nhân, đặc biệt là tuyến phòng ngự. David de Gea bước ra nhận lỗi về hai bàn thua đầu tiên, nhưng rõ ràng mọi chuyện không chỉ có vậy. Ở MU không có bóng đá cũng như sự lãnh đạo. Không có một định hướng thể thao hay một người quản lý nào có khả năng chỉ huy và áp đặt.
Tính cả các trường hợp tạm quyền, Ten Hag là người thứ 8 ngồi ghế HLV của MU kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu.
Những tiếng ồn hướng đến tài sản của CLB, nằm trong tay gia đình Glazer.
Malcolm Glazer, người Mỹ gốc Do Thái Lithuania, bắt đầu mua cổ phần của MU từ năm 2003 và nắm quyền điều hành vào năm 2005. Trong những năm sau đó, Alex Ferguson luôn khẳng định vị thế của mình với tuyên bố rằng các ông chủ không bao giờ được đưa ra các quyết định về thể thao hay điều hành hàng ngày.
Một năm sau khi Sir Alex rời nhiệm, Malcolm qua đời (ông từng bị đột quỵ năm 2006). Là người sở hữu MU nhưng ông không bao giờ yêu đội. Ông chưa một lần đặt chân đến Old Trafford. Ngày nay, đội bóng - "thối rữa", như cách dùng từ của Neville - thuộc về 6 người con của ông. Các khoản nợ tăng vọt lên gần 500 triệu bảng.
Không một chiến lược gia nào, kể cả Jose Mourinho đầy cá tính, buộc các ông chủ phải tách biệt với thể thao.
ĐẦU TƯ THẤT BẠI
MU vừa thua 7 trận liên tiếp trên sân khách (tính cả mùa trước), điều đã không xảy ra kể từ năm 1936. Trong đó, họ ghi được hai bàn và để thủng lưới 21 bàn (hơn một nửa trong số này - 4 trận - họ nhận 4 bàn thua).
Phản ứng mới nhất của Quỷ đỏ trên thị trường chuyển nhượng bao gồm lời đề nghị, nhưng sớm bị phớt lờ, dành cho Arnautovic, người đã 33 tuổi và đang thi đấu cho Bologna. Bây giờ, đội cố gắng hoàn tất thỏa thuận với Adrien Rabiot, kẻ thất sủng tại Juventus.
Cơn tức giận của người hâm mộ tăng vọt. Mùa hè này, khoản đầu tư bị hạn chế. Cho đến hiện tại, mới chỉ có hai hợp đồng tốn phí là Tyrell Malacia (13,5 triệu bảng) và Lisandro Martinez (51,63).
"Nếu được, tôi sẵn sàng thay đổi toàn đội hình", Ten Hag thừa nhận sau trận thua Brentford và nhấn mạnh các cầu thủ MU không đáp ứng yêu cầu chiến thuật.
Không ai có thể đảm bảo rằng quân tiếp viện sẽ cải thiện đội bóng.CLB đã quen với việc trả giá cao cho những cầu thủ không đạt hiệu suất như mong đợi. Pogba (94,5 triệu bảng), Lukaku (76,2), Fred (53,1), Matic (40,23) và Mhkitaryan (37,8) đã đến đội bóng dưới sự dẫn dắt của Mourinho.
Sau khi HLV người Bồ Đào Nha bị sa thải tháng 12/2018, thảm họa còn lớn hơn: Maguire (78,3 triệu bảng; đã bao gồm một số điều khoản trả sau), Wan-Bissaka (49,5), Jadon Sancho (76,5), Varane (36) hay Van de Beek (35) chưa đáp ứng được gì.
Bruno Fernandes, bản hợp đồng 56,7 triệu bảng, từng thi đấu nổi bật nhưng suy yếu gần đây. Anh có vấn đề tâm lý, nhất là các trận lớn.
Giữa bộn bề khó khăn, thứ Hai tuần sau (22/8), MU sẽ tiếp đón Liverpool, đối thủ truyền kiếp mà mùa giải trước giành chiến thắng hai cuộc đọ sức tại Premier League với tổng tỷ số 9-0: 5-0 ngay trên sân Old Trafford và 4-0 ở Anfield.