{keywords}

Giữa bốn bề núi rừng Tây Bắc, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu những ngày đầu tháng mười hiện lên với những mái nhà kiên cố, khu chợ sầm uất với con đường bê tông hóa chạy thẳng vào các nhà dân. 

Mười năm về trước, Bản Bo vẫn lụp xụp những nóc nhà yếu ớt, người dân bám trụ vào những thuở ruộng, nương ngô để mưu sinh qua ngày. Và, cũng cách đây tròn mười năm, một cuộc “cách mạng” về chuyển đổi cây trồng từ việc phát triển cây chè đã được tỉnh Lai Châu thí điểm tại Tam Đường. 

{keywords}

Tháng chín năm 2009, nương ngô rộng cả hecta của gia đình anh Lò Văn Vạn (SN 1980, bản Hợp Nhất, xã Bản Bo) đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bất ngờ được chặt hạ đồng loạt, cả làng xúm vào cản ngăn nhưng bất thành, chỉ biết suýt xoa. 

Câu chuyện bỏ cả gia tài là nương ngô của anh Vạn để kịp đón đầu đề án trồng chè của tỉnh Lai Châu đến nay vẫn được nhắc lại như một “canh bạc” cân não của gia đình đồng bào dân tộc Thái ở đây. 

Trong căn nhà khang trang bậc nhất của bản được xây dựng cách đây hơn hai năm, anh Lò Văn Vạn kể về quyết định mà đến nay anh vẫn cho là liều lĩnh khi phá sạch nương ngô - nguồn mưu sinh chính của gia đình anh lúc bấy giờ.

{keywords}

“Cả nương ngô đang sắp vào vụ thu hoạch, tôi nhờ gia đình mỗi người một tay đốn chặt toàn bộ, cả quả đồi rộng lớn nhan nhản ngô non nằm rạp. Nhiều người bảo tôi bị điên, vì họ cho rằng chỉ có người không bình thường mới có hành động như vậy lúc bấy giờ”, anh Vạn nói.

Theo anh Vạn, lý do chặt hết nương ngô vì thời điểm đó có niềm tin vào cây chè khi có sự ủng hộ tối đa của chính quyền vào giống cây này. Thời điểm đó, vườn chè của gia đình anh Vạn nằm lọt thỏm giữa bốn bề nương ngô, ruộng lúa vì ít người tin vào “cú ngược dòng” của anh.

“Sau hai năm phá ngô trồng chè, tôi bắt đầu thu hoạch vụ đầu tiên với giống cây này. Cứ mỗi năm năm lứa thu hái, gia đình tôi bỏ túi khoảng 60 triệu đồng. Số tiền này với gia đình tôi thật sự là quá lớn so với việc trồng ngô, lúa”, anh Vạn vui mừng kể lại. 

Theo chia sẻ của anh Vạn, có một bài toán anh đặt ra rất đặc biệt khi đưa lên bàn cân các giống cây lúa, ngô và cây chè, từ đó cho thấy sự vượt trội của giống cây chè.

“Tôi tính toán với hai nghìn mét vuông trồng lúa, mỗi năm tôi thu về khoảng một tấn cho thu nhập gần 16 triệu đồng. Lấy số diện tích này để trồng chè với sản lượng tương đương, gia đình tôi thu về hơn 60 triệu đồng. Vậy còn gì để nghi ngại nữa”, anh Vạn cười nói.

{keywords}

Anh Vạn chia sẻ, từ cây chè, anh đủ sức nuôi sống gia đình và lo cho con gái học đại học ở Hà Nội. Căn nhà anh xây cách đây hai năm cũng được dựng lên nhờ nguồn thu nhập từ những nương chè xanh mượt mà anh can đảm trồng.

Cách nhà anh Lò Văn Vạn chừng vài kilomet, gia đình người H’Mông Hảng A Páo ở bản Nậm Phát nhiều năm qua sống no đủ với nguồn thu từ những nương chè Kim Tuyên. 

Anh Páo là một gia đình có uy tín tại địa phương, thời điểm đầu triển khai dự án, do chưa nhận thức đúng về chủ trương nên anh kịch liệt phản đối. Nhiều người theo anh cũng từ chối giống cây “hái ra tiền” này. 

“Khi hiểu được chủ trương và bắt tay làm mới thấy, giá trị kinh tế cây chè mang lại thật sự khác biệt so với các nông sản khác”, lời anh Páo. 

{keywords}

Sau nhiều năm chuyển đổi cây trồng, gia đình anh Páo hiện có hơn hai hecta chè, cho thu nhập hàng năm gần trăm triệu đồng. Cuộc sống của gia đình H’Mông nhờ cây chè, trồng xen canh cây Mắc-Ca đã được cải thiện trông thấy. 

Từ thành công của anh Vạn, anh Páo, rất nhiều dân bản ở xã Bản Bo cứ thế bảo nhau chuyển đổi sang trồng chè để xóa nghèo, đến nay cả xã đã phát triển gần một nghìn hecta đất trồng chè, cây chè trở thành cây chủ lực, cây xóa nghèo của địa phương. 

Bí thư xã Bản Bo Nguyễn Xuân Hoàn chia sẻ, khi người ta thấy anh Vạn làm và thành công, ngay sau đó có “anh Vạn”, “anh Páo” khác xuất hiện nhiều hơn, ai nấy đều hăng say và làm việc với niềm tin không chỉ xóa được nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

{keywords}

Đứng trầm ngâm trên ngọn đồi ở bản Nậm Phát, Bí thư xã Bản Bo Nguyễn Xuân Hoàn chỉ tay về những đồi chè hun hút xanh mượt rồi thốt lên: “Có đôi lúc, với những gì trước mắt, tôi vẫn ngỡ đó là một giấc mơ”.

Theo ông Hoàn, những nương chè xanh tốt tại các ngọn đồi ở xã Bản Bo trước đây là những rừng cây tái sinh, được dân bản dùng làm nơi chăn thả trâu, bò. 

“Trước năm 2010, đời sống người dân rất khó khăn, cơm còn chưa đủ ăn chứ chưa nói đến chuyện xóa nghèo. Nguyên nhân chính là do nhận thức của bà con còn hạn chế. Vì cái nghèo nên các tệ nạn xã hội xuất hiện khiến tình hình địa phương càng thêm phức tạp”, ông Hoàn kể. 

{keywords}

Theo ông, “cuộc cách mạng” chuyển đổi cây trồng bắt đầu từ năm 2008, Viện cây trồng Ôn đới phía Bắc lên làm việc với tỉnh Lai Châu, đặt vấn đề cấp cho huyện Tam Đường dự án trồng thử nghiệm giống chè.

“Sau khi một số xã khác từ chối trồng thí điểm, tôi họp anh em lại rồi quyết định bắt tay thí điểm ba giống chè gồm Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên trên diện tích 15 hecta, thời gian hoàn thành chưa đến 20 ngày”, ông nhớ lại. 

Sau một năm, kết quả thí điểm cho thấy giống chè Kim Tuyên phù hợp với thổ nhưỡng và cho năng suất, chất lượng đảm bảo hiệu quả kinh tế. Kể từ đây, một cuộc vận động để tăng diện tích trồng chè trên diện rộng được mở ra với nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng như “bất khả thi” được thực hiện. 

{keywords}

Theo Bí thư xã Bản Bo, một trong những khó khăn nhất khi thực hiện đề án trồng chè là thuyết phục người dân thay đổi tập quán canh tác, cho họ thấy được giá trị kinh tế từ cây chè. 

“Người dân đa phần đều hoài nghi và không hợp tác khi chúng tôi xuống vận động, cũng dễ hiểu vì đầu những năm 2000, cây chè đã được một vài hộ dân trồng tại đây những không có đầu ra, bị thương lái ép giá… nên từ đó nhắc đến chè không ai tin là sẽ có giá trị kinh tế”, ông Hoàn kể. 

Bí thư xã Bản Bo xác định, không thể triển khai đồng bộ ngay từ đầu mà phải chọn ra một số bản để thực hiện đề án, nếu thành công ở các bản này, tự khắc người dân các bản còn lại sẽ hưởng ứng và chung tay thực hiện. Và 28 hộ dân của bản Cốc Phát được ông Hoàn chọn để vận động trong năm đầu tiên thực hiện đề án.

“Chúng tôi xây dựng phong trào trong cán bộ, đảng viên là hai ngày thứ bảy, chủ nhật sẽ chia thành các tổ để trực tiếp lên nương cùng bà con trồng chè”, lời ông Hoàn.

Mỗi tổ gồm có cán bộ xã, đoàn viên và giáo viên tình nguyện đến các gia đình để phát nương, đào các gốc cây để lấy mặt bằng trồng chè. Cứ như vậy ròng rã suốt ba năm, từ 2011 đến 2013, cán bộ xã không có một ngày cuối tuần nghỉ ngơi. 

Trong ba năm đầu tiên thực hiện đề án, xã đã trồng được giống chè Kim Tuyên với diện tích hơn 60 hecta. Số liệu mới đây nhất, năm 2019, xã Bản Bo đã đạt diện tích gần 800 hecta, từ số diện tích trồng chè trên, các hộ trồng chè của xã chia nhau “bọc tiền” hơn 40 tỷ đồng. 

{keywords}

Nhìn lại suốt hành trình dài đã qua, ông Hoàn cho biết vẫn ám ảnh câu hỏi của người dân khi cho rằng “cán bộ các anh chỉ giỏi nói thôi chứ không biết làm”. Sau câu hỏi đó, ông Hoàn trực tiếp mua bốn hecta đất để trồng chè, chứng minh cho dân bản thấy rằng “cán bộ không chỉ biết nói”.

“Nó cũng không khác gì một canh bạc”, ông Hoàn nói về quyết định gần như khó khăn nhất trong hơn 20 năm công tác của mình. Ông chia sẻ, nếu thất bại thì coi như việc vận động sẽ đổ bể, vì cán bộ nói trồng chè cho thu nhập mà kết quả trên nương chè lại nói điều ngược lại thì rất khó. 

“Mình làm lãnh đạo nên khi hứa với bà con mua là phải mua, thời gian đầu vợ tôi không đoái hoài gì vì giận. Thời điểm tôi làm đúng vào đợt nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới nên sau buổi làm về tôi lại chở từng xô nước lên đồi, trước khi trồng tôi nhúng bầu chè vào nước”, ông nhớ lại. 

Theo ông Hoàn, giai đoạn năm 2013-2014 là thời điểm đồi chè của ông bắt đầu cho thu hoạch, thu nhập gần trăm triệu đồng. Dù vậy, ông Hoàn cho biết bản thân gần như không có thời gian để nghỉ ngơi khi vừa làm việc cơ quan, tan sở lại lái xe chở chè vào nhà máy bán. 

Rảo bộ trên đồi chè của mình, ông Hoàn phóng tầm mắt ra xa, nơi bạt ngàn đồi chè nối liền nhau. Ông trầm ngâm kể về một giấc mơ có thật khi nhìn diện mạo quê hương mình thay da đổi thịt từ những nương chè mà ông góp công vun dựng. 

Với ông Hoàn, thí điểm thành công việc trồng chè ngay trên đất của mình không những mang lại giá trị kinh tế mà còn thực hiện lời hứa với nhân dân. Ông tâm niệm rằng, khi “dân thấy bí thư cũng xắn tay làm mà còn làm tốt thì tự khắc họ tin lời mình nói”.

{keywords}

Có một điều đặc biệt ở Bản Bo, ông Hoàn không phải là trường hợp duy nhất khi đảng viên xắn tay làm cùng bà con mà toàn bộ cán bộ xã, ai nấy đều có ít nhất một đồi chè của riêng mình. 

“Xã vận động các cán bộ cùng hưởng ứng, đến nay gần như anh em ai cũng có ít nhất một đồi chè, người ít cũng vài nghìn mét vuông, người nhiều lên đến nhiều hecta chè”, ông Hoàn nói.

{keywords}

Bí thư huyện ủy Tam Đường Hoàng Quốc Khánh cho biết, sau nhiều năm thực hiện đề án, giống chè được thí điểm thành công ở xã Bản Bo đã lan tỏa đến các xã khác như Khun Há, Nà Tăm… Trên toàn huyện Tam Đường đã trồng được hơn một nghìn hecta cây chè, cho thu nhập gần 100 triệu trên mỗi hecta (sản xuất theo quy trình RA). 

Theo ông Khánh, việc nhân rộng thành công trồng chè tại Bản Bo là yếu tố khích lệ, tạo hiệu ứng trong toàn huyện về việc phát triển giống cây xóa nghèo này. 

“Thành công ở Bản Bo là sự kết tinh từ chủ trương đúng đắn của tỉnh Lai Châu và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân ủng hộ, tin tưởng. Anh em cấp xã vẫn là đơn vị vất vả nhất khi vừa phải trực tiếp tuyên truyền, vận động, vừa phải xắn tay vào làm để làm gương đi đầu. Ngoài ra, việc có các doanh nghiệp chế biến sản xuất chè đã tạo đầu ra cho nông sản này, bà con yên tâm lao động, không lo bị thương lái ép giá”, ông Khánh nhìn nhận.  

{keywords}

Nhìn lại chặng đường thực hiện đề án trồng chè ròng rã cả thập kỷ, Giám đốc sở Nông nghiệp tỉnh Lai Châu Đặng Văn Châu chia sẻ niềm vui khi nhìn thấy bà con không những xóa nghèo mà còn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. 

Đối chiếu với các mục tiêu mà đề án đặt ra, ông Châu cho biết đến nay, tất cả các mục tiêu đề ra đều đã được các cấp, ngành và nhân dân hoàn thành 100% ở cả hai giai đoạn. 

Theo ông, giai đoạn một của đề án, toàn tỉnh đã trồng mới hơn 430 hecta (tập trung chủ yếu ở huyện Tam Đường và Tân Uyên) đưa tổng diện tích chè toàn tỉnh đến năm 2014 đạt 3,3 nghìn hecta. Trong giai đoạn này, sản lượng ước đạt gần 21 nghìn tấn.

Còn giai đoạn thứ hai của đề án, toàn tỉnh trồng mới gần năm nghìn hecta trải đều trên các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ và TP Lai Châu nâng tổng diện tích trồng chè trên toàn tỉnh đạt gần tám nghìn hecta, sản lượng chè búp tươi ước đạt 35 nghìn tấn. 

Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Lai Châu thông tin, hiện nay trên toàn tỉnh có gần 20 hợp tác xã, doanh nghiệp và hàng chục cơ sở chế biến nhỏ đang hoạt động, đa phần các cơ sở đều trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại, đảm bảo sản phẩm có thể xuất khẩu ra các thị trường Châu Âu, Trung Đông, Đài Loan, Mỹ... 

{keywords}

“Riêng trong năm 2019, tổng giá trị sản xuất chè của tỉnh thu về hơn 120 tỷ đồng, trong đó đã xuất khẩu gần hai nghìn tấn chè khô với giá trị thu được hơn bốn triệu USD”, ông Châu vui mừng nói. 

Nhìn toàn cảnh “bản đồ chè” của tỉnh Lai Châu, lãnh đạo Sở Nông nghiệp cho biết thành quả hôm nay đạt được là sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, ông nhấn mạnh về một trong những yếu tố thành công đó là xây dựng được các vùng thí điểm đạt hiệu quả, đặc biệt là xã Bản Bo, huyện Tam Đường. 

“Hình ảnh bà con hối hả thu hái, vận chuyển từng bao tải chè, gương mặt ai nấy cũng đều rạng ngời, bản thân tôi thật sự hạnh phúc khi những chủ trương đúng đắn đã thay đổi cuộc sống từng người dân. 

Thành quả từ cây chè là bước tạo đà tận dụng mọi tiềm năng của tỉnh Lai Châu để tạo ra giá trị kinh tế cho bà con, không chỉ xóa nghèo mà còn mang sản phẩm của Tây Bắc vươn ra các châu lục”, ông Đặng Văn Châu trải lòng. 

Đoàn Bổng - Thiết kế: Hồng Anh

'Bông hồng thép' và cuộc hồi sinh nơi ngã ba biên giới

'Bông hồng thép' và cuộc hồi sinh nơi ngã ba biên giới

 Huyện Mường Nhé, Điện Biên có vị trí đặc biệt khi giáp ranh với 2 nước Lào và Trung Quốc. Nhiều năm qua, với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, Mường Nhé từng bước ổn định, phát triển.