Chính quyền Mỹ hôm nay (6/9) đã chính thức tuyên bố bãi bỏ chương trình bảo vệ trẻ vị thành niên nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Đây là chương trình do chính quyền Tổng thống Obama thông qua từ năm 2012, cho phép những đứa trẻ nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ lúc còn ở tuổi vị thành niên, có thể được sinh sống, học tập và làm việc một cách hợp pháp tại Mỹ.
Hôm nay là ngày có thể sẽ khiến nhiều người bừng tỉnh giấc mơ Mỹ. Thay mặt chính quyền, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã công bố quyết định bãi bỏ chương trình bảo vệ trẻ vị thành niên nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, gọi tắt là DACA. Với nhiều người, DACA được ví như giấc mơ Mỹ.
Chính quyền Mỹ hiện nay thấy phải bãi bỏ chương trình này vì nó yếu về cơ sở pháp lý, tạo kẽ hở trong quản lý nhập cư và làm mất cơ hội việc làm của người Mỹ. Tuy bãi bỏ DACA song chính quyền ra thời hạn 6 tháng để Quốc hội xem xét thể chế hoá nội dung này thành luật, tất nhiên là nếu có thể. Quốc hội Mỹ với hàng trăm nghị sỹ là hàng trăm ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan phát biểu: "Dù ý định tốt đến đâu thì chương trình DACA rõ ràng đã lạm quyền hành pháp. Quốc hội làm luật chứ không phải tổng thống. Bằng việc bãi bỏ chương trình này, Tổng thống Donald Trump đã hoàn thành cam kết khôi phục lại cân bằng vai trò giữa nhánh hành pháp và lập pháp".
"Mặc dù không đồng tình với quyết định của chính quyền Tổng thống Obama về vấn đề này, tôi tin rằng bãi bỏ DACA trong thời điểm hiện nay là làm đảo lộn những lời hứa và cơ hội đã được trao cho những cá nhân tham gia chương trình này" - Thượng nghị sỹ John Mccain phát biểu.
Giữa những tranh cãi và đẩy đưa trách nhiệm là số phận bấp bênh của gần 800 nghìn người nhập cư đang dở dang với giấc mơ của họ ở nước Mỹ.
Sau ngày hôm nay chính quyền Mỹ sẽ không tiếp nhận thêm bất cứ hồ sơ nào đăng ký theo chương trình DACA nữa. Những hồ sơ đã nộp sẽ được xử lý nốt, những hồ sơ đã được duyệt sẽ vẫn còn giá trị trong nhiều nhất là hai năm nữa.
Theo ước tính, đến năm 2018 mà Quốc hội Mỹ không thể ra được một hành lang pháp lý mới về vấn đề này khoảng 300 nghìn người trong chương trình DACA sẽ rơi vào tình trạng lưu trú bất hợp pháp. Đồng nghĩa với việc họ có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào.
Theo VTV