Dưới thời chính quyền Donald Trump, nước Mỹ đã tạo được thế độc lập về năng lượng và là nước xuất khẩu lớn về khí đốt và dầu mỏ. Đồng thời, lượng khí thải carbon, nhờ công nghệ mới và khí tự nhiên, đã giảm đáng kể.
Hành động đầu tiên của ông Biden sau khi nhậm chức là hủy bỏ giấy phép của dự án đường ống Keystone dẫn dầu thô từ Canada đến Mỹ cho các nhà máy lọc dầu và xuất khẩu. Ông Biden cũng đặt dấu chấm hết cho hoạt động khai thác dầu và khí đốt tại các vùng đất thuộc quyền quản lý của chính quyền liên bang.
Đồng thời, chính quyền Biden đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, Dòng chảy Phương Bắc II, của Nga chạy từ Bắc Cực đến Đức: Đây là một món quà lớn của ông Biden dành cho nước Nga. Người Đức đã thuyết phục được Mỹ cho phép Nga hoàn thành hệ thống đường ống này vì lợi ích thương mại của Đức.
Ông Biden tin rằng nước Mỹ sẽ dễ được “cảm tình” hơn nếu lãnh đạo quốc gia thừa nhận rằng Mỹ đang bị thống trị bởi những người theo chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng”, những người phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính, thành kiến đạo Hồi, kẻ tà giáo, và những người chống nhập cư…
Kế hoạch của chính quyền Mỹ là “xoá sổ” những người này. Hầu như mọi bài phát biểu, mọi cuộc họp báo hoặc mọi bài thuyết trình của chính quyền đương nhiệm đều chứa đựng các thông điệp này.
Ông Biden và chính quyền của ông đã tiếp tục “chuyến công du xin lỗi” phản đối nước Mỹ. Cựu Tổng thống Bill Clinton, trong chuyến công du 6 nước châu Phi năm 1998, đã xin lỗi châu lục này vì nước Mỹ đã bắt người dân của họ làm nô lệ. Ông Barack Obama, năm 2009 tại Cairo, Ai Cập, đã xin lỗi về những sai lầm của các tổng thống tiền nhiệm trong chính sách đối với người Hồi giáo.
Gần đây nhất, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã gọi Mỹ là một quốc gia phân biệt chủng tộc và tuyên bố Mỹ không có tư cách chỉ trích các vấn đề nhân quyền ở các nước khác.
Việc chuyển đổi toàn diện nước Mỹ theo kế hoạch của ông Biden đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Các chính sách cho khu vực này chính là tổng hoà của tất cả các nguyên tắc đã nêu ở phần trên.
Cũng như các Tổng thống tiền nhiệm Bush, Obama và Trump, Trung Quốc chiếm phần lớn sự chú ý của ông Biden khiến việc xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở nên khó khăn. Sự can dự của Nga vào Syria và Iran, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Pakistan và có thể cả Afghanistan, việc Mỹ nối lại thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Iran làm mất ổn định khu vực và quay lưng lại với Israel - tất cả những động thái này đang kéo Mỹ quay trở lại Trung Đông.
Mỹ vừa dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Venezuela. Trung Quốc, Nga và Iran đang giành được ảnh hưởng đáng kể ở nước này thông qua các hợp đồng mua dầu. Điều này tạo ra một sân khấu nữa khiến Mỹ phải hiện diện.
Mỹ đang nỗ lực mang lại một luồng sinh khí mới cho Tứ giác Kim cương - liên minh giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc. Nhưng, cái thiếu ở đây là cơ sở luật pháp để đẩy lùi việc này. Nhật Bản là nước dễ bị tổn thương trước những đe dọa kinh tế và có quy mô quân sự nhỏ, thiên về quốc phòng. Động thái tẩy chay Australia của Trung Quốc là một thông điệp của chính quyền Bắc Kinh gửi đến các quốc gia khác rằng không nên thách thức họ.
Ấn Độ đang vướng trong cuộc xung đột ở biên giới phía bắc với Trung Quốc. Sự can dự này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát bất kỳ lúc nào. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến Ấn Độ. Ngoài ra, việc Mỹ không nhanh chóng cung cấp cho Ấn Độ các nguyên liệu thành phần để sản xuất vắc xin Covid-19 khi nước này cầu viện là động thái bất lợi cho việc duy trì mối quan hệ giữa hai nước đã được vun đắp dưới thời của ông Donald Trump.
Mỹ đang sở hữu dưới 300 tàu chiến, trong đó nhiều tàu đã cũ và chính quyền đương nhiệm không có kế hoạch đóng thêm tàu mới. Dưới thời Donald Trump, Hải quân đã lên kế hoạch đóng thêm 55 tàu mới nhằm đưa tổng số tàu lên 400.
Trong khi đó, Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hải quân và sử dụng vũ khí phức tạp. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa và tuần tra các đảo san hô và các hòn đảo mà nước này chiếm giữ. Còn Mỹ tiếp tục tiến hành "hoạt động tự do hàng hải" và các cuộc tập trận hải quân nhằm thách thức Trung Quốc - việc này nhất quán với chính sách của chính quyền Trump.
Mỹ đang phối hợp với Trung Quốc cắt giảm lượng khí thải carbon. Một mặt, Mỹ cắt giảm đáng kể lượng khí thải, mặt khác Trung Quốc xây dựng thêm hàng trăm nhà máy điện than. Mỹ đang đánh cược rằng Trung Quốc sẽ đảo ngược các sáng kiến điện than trong thập kỷ tới như đã hứa, nhưng trong lúc này, Mỹ phải gánh chịu những thiệt hại lớn về kinh tế.
Tóm lại, dường như các chính sách đối ngoại và quốc phòng của ông Biden liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên rất nhiều giả định, bao gồm:
• Dùng lời lẽ cứng rắn là một biện pháp ngăn chặn đủ mạnh để chống lại các hành vi xấu.
• Quyền lực mềm, chứ không phải sức mạnh quân sự, có thể giải quyết hầu hết các vấn đề.
• Các nguồn lực và khả năng hiện tại đủ để ngăn chặn các đối thủ của Mỹ.
• Các đối thủ sẽ không lợi dụng tình thế trong thời gian Mỹ đang tự giải quyết các vấn đề của mình.
• Hầu hết các quốc gia đều tuân thủ và tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
• Các liên minh, các mối quan hệ đối tác và các tổ chức quốc tế sẽ giúp giải quyết mọi thứ ổn thỏa.
Điều này có thực tế không? Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Tiến sĩ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thuý
Thiết kế: Nguyễn Ngọc
Phần 1: Cạnh tranh Mỹ - Trung tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chính quyền của ông Biden đã hoạt động được 6 tháng và bức tranh dần trở nên rõ ràng hơn về cách thức đối phó của Mỹ trước sự quả quyết của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông.