Bà Ngân Thị Phế (68 tuổi), trú thị trấn Sơn Lư cho biết, cứ vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, người dân tộc Thái lại chuẩn bị các nguyên liệu để làm nem cá cúng tổ tiên.
Tục lệ làm nem cá có từ bao giờ những người cao tuổi ở đây cũng không biết, họ chỉ biết rằng khi lớn lên đã có. Ngoài làm nem cá vào dịp Tết, món này cũng không thể thiếu trong ngày cưới hỏi.
Đối với người Thái, nem cá là món bắt buộc khi nhà trai sang làm lễ ăn hỏi nhà gái, món nem này được dùng để cúng tổ tiên bên nhà gái.
Ông Vi Văn Niêm (62 tuổi), trú tại thị trấn Sơn Lư, người có thâm niên trong việc làm món nem cá chia sẻ, trước đây nem cá được người dân làm bằng những con cá mài mại ở sông, suối. Đây là một loại cá tự nhiên nên thịt rất thơm và ngon.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, loài cá này không còn bắt được nhiều nên người dân chuyển sang dùng cá trắm (trong lượng khoảng 4 đến 5kg/1con) để làm nem cá.
Theo ông Niêm, làm món nem cá rất công phu. Đầu tiên, phải chọn những con cá ngon, sau đó tiến hành đánh vảy, bóc lớp da cá, lọc xương lấy thịt, bỏ đi phần đầu và đuôi của cá.
Thịt cá lọc xong rửa sạch rồi thái thành từng lát nhỏ. Sau khi thái xong, cá được mang ướp với muối trắng hạt to, rồi để ráo nước. Thời gian để cá ráo nước mất khoảng 2 đến 4 tiếng đồng hồ.
Tiếp đó đến công đoạn rang thính (thính bằng ngô hoặc gạo nếp đều được) rồi mang đi xay nhỏ. Thính ngoài việc hút ẩm trong thớ thịt cá, còn làm thơm, lên men và giữ cho cá không bị thiu. Sau khi cá ráo nước, thì tiến hành rắc thính vào và trộn đều.
Công đoạn cuối cùng là bỏ cá vào ông tre hoặc ống (hộp) nhựa. Trong thời gian từ 7 đến 10 ngày là cá chín, có thể mang ra ăn.
Khi thưởng thức món nem cá cần chuẩn bị các loại rau ăn kèm như lá mơ, đinh lăng, lá sung… và chấm với tương ớt như các món nem chua khác. Món nem cá sau khi chín có thể bảo quản và sử dụng trong khoảng hơn 1 tháng.
Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, món cá muối (hay còn gọi là nem cá) đã tồn tại, gắn bó bao đời nay với đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Đối với món ăn này, người dân thường làm dịp trước Tết Nguyên đán, trong những đám cưới hỏi ở địa phương và trở thành nét văn hóa đặc sắc.
“Theo nhiều người đánh giá, món ăn này khá đặc biệt, ngon. Tuy vậy, hiện trên địa bàn vẫn chưa có hộ gia đình nào làm để bán ra thị trường. Vậy nên, món nem cá vẫn là món ăn dân dã, gắn bó với từng gia đình trong mỗi độ Tết đến, Xuân về” - ông Trọng cho hay.
Cũng theo ông Trọng, huyện biên giới Quan Sơn có nhiều địa điểm du lịch, trải nghiệm hấp dẫn như động Bo Cúng (khu động lớn nhất xứ Thanh), bản du lịch cộng đồng (bản Ngàm, xã Sơn Điện)… Những năm trở lại đây, các địa điểm này đón khá nhiều du khách đến tham quan, khám phá.
Vậy nên, trong tương lai, nếu địa phương phát triển nem cá trở thành món đặc sản thì khá tốt. Vì ngoài lưu giữ được nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, món nem cá còn trở thành sản phẩm du lịch, món quà lưu niệm khi du khách đến với huyện biên giới Quan Sơn.
>>>Xem thêm: Văn khấn giao thừa tết Quý Mão chuẩn nhất