Kinh tế số không chỉ là một xu hướng mà còn là một động lực mạnh mẽ, góp phần định hình lại bức tranh kinh tế toàn cầu. Trên không gian mới mà công nghệ số mang lại, Việt Nam đang không ngừng chứng tỏ sự linh hoạt và sáng tạo của mình qua việc tận dụng triệt để các nền tảng số để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại xã Yên Hòa (Yên Mô, Ninh Bình), trước đây việc buôn bán của người dân chủ yếu theo hình thức truyền thống, các sản phẩm còn đơn điệu, bao bì chưa bắt mắt.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, người dân đã đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử PostMart. Nhờ thương mại điện tử, cá chạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô, chuối tây sấy dẻo của người dân được nhiều người biết đến hơn, số lượng hàng hóa bán được cũng tăng lên đáng kể.
Thương mại điện tử đã làm thay đổi cuộc sống người dân tại xã Yên Hòa. Thời gian tới, cách làm này cũng sẽ giúp thay đổi cuộc sống người dân tại nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có sản phẩm đặc trưng nhưng chưa biết dùng công nghệ số để mở mang thị trường.
Cụm 700 nhà vườn kinh doanh cây cảnh tại tỉnh Vĩnh Phúc trước đây chỉ phục vụ khách đến mua trực tiếp. Việc mua hàng trực tuyến rất hiếm bởi cây cối là loại hàng hóa yêu cầu quy trình bảo quản, vận chuyển đặc biệt. Tuy nhiên, kể từ khi các nhà vườn này biết đến và sử dụng dịch vụ vận chuyển của Giao hàng tiết kiệm (GHTK), việc mua bán cây cối trực tuyến (online) đã thuận tiện hơn, giúp các hộ kinh doanh mở rộng thêm thị trường.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng cây cảnh, nền tảng GHTK đã thiết kế quy trình xếp đặt và luồng hàng riêng. Khâu trung chuyển nhờ vậy được rút ngắn thời gian, tăng tốc độ giao đến tay khách hàng, đảm bảo cây vẫn tươi tốt.
Với sự trợ giúp của nền tảng GHTK, cây đi nội tỉnh được giao trong ngày, nội vùng trong vòng 24 giờ và liên vùng chỉ trong vòng 55 giờ. Nhờ nền tảng số, cụm 700 nhà vườn kinh doanh cây cảnh tại tỉnh Vĩnh Phúc đạt sản lượng lên tới 20.000 đơn hàng/ngày, cao hơn nhiều so với việc bán trực tiếp theo cách truyền thống.
Đây mới chỉ là 2 trong số vô vàn các câu chuyện kinh doanh thành công tại Việt Nam nhờ ứng dụng các nền tảng số. Điều đáng nói hơn khi đây đều là các nền tảng số Việt, được phát triển, sáng tạo bởi người Việt Nam.
Trên thế giới có nhiều mô hình thành công trong phát triển kinh tế số dựa trên việc ứng dụng nền tảng số, nhưng chưa chắc đã phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Do vậy, Bộ TT&TT có quan điểm cần đẩy mạnh việc quảng bá các mô hình thành công của Việt Nam, đặc biệt là các mô hình thành công dựa trên các nền tảng số Việt.
Kinh tế số Việt Nam gồm 3 thành phần chính: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông (hay còn gọi là công nghiệp công nghệ số); Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; Kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.
Năm 2023, lĩnh vực ghi nhận sự phát triển mang tính bùng nổ cao nhất của kinh tế số Việt Nam chính là kinh tế số nền tảng. Nhiều số liệu cho thấy, các nền tảng số Việt hoàn toàn không thua kém nền tảng nước ngoài. Nền tảng số nội chính là lời giải cho bài toán chuyển đổi số Việt Nam.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tại Việt Nam đã chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của rất nhiều ứng dụng nền tảng số kết nối cung - cầu. Các ứng dụng nền tảng số này xuất hiện trong hầu khắp tất cả các ngành, đặc biệt là trong ngành bán lẻ, y tế, giáo dục, tín dụng ngân hàng, dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng, dịch vụ tài chính.
Với dân số trẻ và 78,6% người dân được tiếp cận với Internet, Việt Nam hiện là “mảnh đất” tiềm năng cho các nhà phát triển nền tảng số. Từng có thời kỳ “mảnh đất” ấy chứng kiến sự lấn lướt của nền tảng số ngoại, thế nhưng chỉ vài năm trở lại đây, gió đã đổi chiều với sự nổi lên của rất nhiều nền tảng số nội.
Tính đến hết Quý III/2023, Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng 10 toàn cầu và thứ 2 khu vực ASEAN về số lượng lượt tải mới trên thiết bị di động. Số lượng tài khoản hoạt động thường xuyên trên các ứng dụng Việt Nam đạt trên 500 triệu tài khoản /tháng.
Cả nước có khoảng 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 và tổng số lượng thời gian người dùng dành để sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng di động đạt trên 27 triệu giờ, tăng 37% so với năm 2022.
Trong các nền tảng số do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, điểm sáng là Zalo với khoảng 74 triệu người sử dụng hằng tháng. Đây cũng là nền tảng số Việt Nam có sức ảnh hưởng cao nhất với lượng người dùng chiếm tới 75,5% dân số cả nước.
Cũng trong Quý III/2023, thị trường ứng dụng Việt ghi nhận 7 ứng dụng có số lượng người dùng hàng tháng trên 10 triệu lượt là Zalo, Zing Mp3, VNEID, Báo mới, Ví MoMo, MBBank và My Viettel, tăng 1 ứng dụng so với cùng kỳ năm trước năm 2022.
Trong 2 năm liên tiếp, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực ASEAN. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam đang gấp từ 3 đến 4 lần tốc độ phát triển GDP của cả nước.
Việt Nam được quốc tế đánh giá có những lợi thế nhất định để phát triển kinh tế số. Đây sẽ là động lực mới để Việt Nam có sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nếu phát triển kinh tế số bằng cách mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống thông tin cho mình sẽ vô cùng tốn kém. Giải pháp cho câu chuyện này là doanh nghiệp, tổ chức, người dân phải sử dụng các nền tảng số như dùng điện, nước, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu và không phải đầu tư hệ thống.
Trên không gian mạng, nền tảng số cũng như những con đường. Các con đường này phải dùng chung thay vì mỗi Bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân tự làm cho mình một con đường riêng. Nền tảng số sẽ giúp chúng ta triển khai nhanh các hoạt động trên không gian số toàn dân, toàn diện.
Tỷ trọng kinh tế số trên GDP của Việt Nam trong Quý III năm 2023 ước đạt 16,56%, tăng trưởng 8,5% so với Quý II năm 2023. Dự kiến hết năm 2023, kinh tế số Việt Nam chiếm 16,5% GDP, với tốc độ tăng trưởng gần 20% một năm. Điều này có đóng góp không nhỏ từ sự bùng nổ của kinh tế số nền tảng, cùng với đó là sự nổi lên của rất nhiều các nền tảng số Việt.
Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số Việt hiện đã đạt mức trên 30,7%, con số mục tiêu hướng tới trong năm 2025 sẽ là 50%.
Trong Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025. Kỳ vọng trên nhiều khả năng sẽ được hoàn thành sớm hơn so với mục tiêu đề ra.
Việc ứng dụng các nền tảng số đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sẽ có tác động ngay lập tức, giúp tỷ trọng kinh tế số tăng nhanh bởi lẽ tỷ trọng kinh tế số ngành, lĩnh vực ở Việt Nam đang chiếm tỷ lệ gần 40% trong tổng tỷ trọng kinh tế số, trong khi ở các nước phát triển, tỷ trọng này chiếm khoảng 70 – 80%. Do đó, Việt Nam hiện đang triển khai mạnh 38 nền tảng số quốc gia.
Trong năm 2024, để tập trung, tận dụng nguồn lực nhằm mang lại kết quả lớn nhất về kinh tế số, Bộ TT&TT xác định 5 ngành chính cần tập trung thúc đẩy là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành dệt may; ngành logistics, ngành nông nghiệp và ngành du lịch.
Đối với 5 ngành, lĩnh vực này, Bộ TT&TT đề xuất tập trung thử nghiệm thúc đẩy sẽ thúc đẩy 10 nhóm nền tảng, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như: Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, Nền tảng du lịch Việt Nam, Nền tảng sàn giao dịch nông sản, Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, Nền tảng cảng biển số, Nền tảng cửa khẩu số, Nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải, Nền tảng giao hàng chặng cuối (last miles), Nền tảng bản đồ số, Nền tảng chuyển đổi số xưởng may.
Bộ TT&TT đề xuất tiếp cận theo cách tiếp cận liên kết hợp tác 4 bên đối với triển khai các nền tảng số như sau:
· Bộ chủ quản, Bộ TT&TT, doanh nghiệp nền tảng (doanh nghiệp nòng cốt) và địa phương ứng dụng cần có sự hợp tác chặt chẽ để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia.
· Bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng.
· Bộ TT&TT phối hợp với bộ chủ quản đánh giá, công bố nền tảng đáp ứng yêu cầu.
· Các địa phương trở thành nơi tiên phong triển khai thí điểm các mô hình mới, sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, tạo thị trường cho doanh nghiệp phát triển
“Kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số… Kinh tế muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới là kinh tế số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, động lực mới là đổi mới sáng tạo số”[1].
Trong bối cảnh đó, các nền tảng số Việt sẽ là cách làm của Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi số, là những cú hích quan trọng để kinh tế số Việt Nam “cất cánh”.
Trọng Đạt (Ghi)
Thiết kế: Thu Hằng
[1] Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn quốc gia về phát triển Kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 14/9/2023 tại Nam Định.