Trước hàng loạt mong mỏi của giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ông rất thấu hiểu, nhưng thực tế ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như dời non lấp bể. Để làm được những việc khó phải đồng tâm hiệp lực, việc càng khó càng lớn càng cần phải hiệp lực đồng tâm.
Về vấn đề lương giáo viên, theo vị tư lệnh ngành, trong những năm gần đây, mặc dù Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập thông qua phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn, nhưng so với biến động về giá cả hàng hóa và tình hình kinh tế xã hội hiện nay, thu nhập của giáo viên vẫn đang ở mức thấp.
“Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Bước đầu, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học”, ông Sơn chia sẻ.
Với những thầy cô đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, Bộ trưởng ghi nhận và cảm ơn sự tận tâm cống hiến với sự nghiệp “trồng người”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhắn nhủ, vượt khó là một việc rất khó, nhưng vượt qua, đổi mới được bản thân mình cũng là việc hết sức khó.
“Nếu chúng ta chỉ vượt khó mà không vượt lên bản thân mình nữa thì giáo dục của chúng ta vẫn chỉ dừng là một nền giáo dục vượt khó. Mà những chân trời của sự phát triển con người không chỉ dừng ở chỗ vượt khó. Vì vậy, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm ở phía trước, mặc dù sự vượt khó đã là vô cùng đáng quý”, Bộ trưởng nói.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ, nghề giáo là nghề cao quý và luôn cần giữ sự tôn nghiêm. Nhưng để có sự tôn nghiêm, trước hết, nhà giáo cần làm thật tốt công việc của mình để từ đó có tinh thần và ý thức đầy đủ, giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để nhà giáo khẳng định được giá trị bền vững, giá trị tốt đẹp của nghề nghiệp, lan toả cho xã hội.
Trong phiên chất vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phạm Thị Thanh Trà cho rằng nhìn tổng thể, tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm có lương và tiền lương theo các bậc chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp lương, tuy nhiên do tính chất đặc thù nên vẫn còn thấp.
Do đó, trong thời gian tới đây, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương nhà giáo được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. “Điều này là nhất quán”, Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp, dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Bài: Thúy Nga - Thanh Hùng
Thiết kế: Minh Hòa