Phụ nữ Ấn Độ vốn nổi tiếng với mái tóc dài, dày mượt, ít dùng hóa chất. Vì vậy, những mái tóc giả làm từ tóc thật này được người tiêu dùng nhiều nơi trên thế giới đặc biệt săn đón, thậm chí được mệnh danh là "vàng đen". Nguồn cung của mặt hàng này chủ yếu đến từ nghi lễ cạo đầu hiến tóc tại Ấn Độ, thu hút hàng chục nghìn người thực hiện mỗi năm.
Từ 4h sáng cho tới lúc Mặt trời lặn, hàng dài người Ấn Độ xếp hàng chờ cạo đầu hiến tóc. Người hiến tóc tại các đền thờ để tỏ lòng thành kính và cầu xin tài lộc. Sau đó, tóc sẽ được thu gom lại và đem đấu giá cho những người làm tóc giả. Bắt đầu từ đây, tóc sẽ được xử lý tại các nhà máy để mang đến cho thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất.
Đầu tiên, những mái tóc được mệnh danh là "vàng đen" này sẽ được gỡ rối, gội sạch, sau đó được tẩy, nhuộm để xử lý màu, hoặc cho vào lò sấy để tạo thành tóc uốn. Tóc Ấn Độ được xuất khẩu tới khắp nơi trên thế giới, trong đó chủ yếu là châu Âu.
Nhiều khách hàng sẵn lòng chịu chi tới 1.500 USD, tương đương 34 triệu VND để sở hữu một mái tóc. Nhờ thế, ngành làm tóc giả Ấn Độ thu được hàng trăm triệu USD mỗi năm. Không chỉ dừng lại ở những bộ tóc dài mượt, tóc Ấn Độ còn có thể được chế thành ria mép giả cho các quý ông.
Tóc Ấn Độ hiện được xem là sản phẩm có giá trị cao nhất trên thị trường tóc giả, hoàn toàn vượt mặt tóc làm từ sợi nhân tạo acrylic.
Theo VTV