Cách đây hơn 100 năm, cũng chính tại nơi đây, trên đường ray này, những chuyến tàu đêm lầm lũi chạy qua mỗi ngày đã khắc dấu vào ký ức của một cậu bé 8 tuổi, để rồi sau đó đi vào văn chương, trở thành hình ảnh kinh điển với bao thế hệ học trò. Cậu bé 8 tuổi ấy chính là nhà văn Thạch Lam sau này. Những chuyến tàu đêm cách đây hơn 100 năm đã bước thẳng từ ký ức thực vào truyện ngắn Hai đứa trẻ nổi tiếng của ông.
Những chuyến tàu Hải Phòng - Hà Nội, sau hơn 100 năm, vẫn còn đó. Nhưng mấy ai còn nhớ được một Thạch Lam, một gia đình Nguyễn Tường, một Tự lực văn đoàn, đã từng trưởng thành và đi qua những tháng ngày chìm nổi, gian khó nơi đây.
Phía sau cánh cổng nhuốm màu thời gian là lối dẫn nhỏ vào căn nhà mái ngói 5 gian kiểu cũ, cũng rêu phong và hoang tàn như vừa bước ra từ một nơi nào khác không ăn nhập gì với thị trấn Cẩm Giàng náo nhiệt cách đó chỉ chừng 1-2 cây số. Bên cạnh khoảng sân nhỏ trước nhà là khu vườn rộng với những tán cây cao như muốn nuốt chửng ngôi nhà cùng những ký ức mà nó mang theo.
Ở gian chính giữa căn nhà là nơi thờ 7 thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn, ghi rõ bút danh, tên thật, năm sinh, năm mất, gồm: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thế Lữ (Nguyễn Đình Lễ) và Xuân Diệu. Trong đó, Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam là 3 anh em ruột - những người đã lớn lên và trưởng thành trên chính mảnh đất này những năm đầu thế kỷ 20.
Những cuốn sách, trang báo, tài liệu ít ỏi về 3 anh em nhà Nguyễn Tường cũng được những người con Cẩm Giàng vốn yêu mến Tự lực văn đoàn sưu tầm và lưu giữ trong căn nhà nhỏ này.
Mảnh đất là nơi chứng kiến những năm tháng vất vả bươn chải của ông bà Thông Nhu - thân sinh của 7 anh chị em nhà Nguyễn Tường. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn chương, tiếp đón bạn văn của 3 người con làm nên Tự lực văn đoàn lừng lẫy một thời.
Nguyễn Tường vốn là dòng họ khoa bảng nổi danh ở đất Hội An (Quảng Nam). Đến đời ông Phán Nhu - tức Nguyễn Tường Nhu làm thông phán toà sứ, lấy bà Lê Thị Sâm (gốc Huế, có cha làm quan võ ở huyện Cẩm Giàng). Sau khi ông Phán Nhu nghỉ việc ở toà sứ, khoảng năm 1914-1915, ông bà đưa cả gia đình từ Hà Nội về Cẩm Giàng làm ăn.
Ông Phán Nhu mất sớm ở tuổi 37, bà Phán bươn chải nuôi con, có thời gian dạt về Thái Bình với con trai cả. Sau làm ăn không thuận, bà đưa con về Hà Nội, rồi cuối cùng lại trở về quê ngoại Cẩm Giàng. Phiêu bạt khắp nơi, tuổi thơ của 7 anh em nhà Nguyễn Tường gắn bó với mảnh đất Cẩm Giàng nhiều nhất, sâu nặng nhất và họ đã coi đây là quê hương mình.
Bà Phán Nhu, như bao người phụ nữ tảo tần khác, từng chạy chợ, bán hàng xáo, làm mọi việc để nuôi đàn con 7 đứa. Lần thứ 2 từ Hà Nội về Cẩm Giàng, bà được người bạn cân gạo ngày trước gán nợ bằng 2 mẫu đất giữa cánh đồng, cạnh đường tàu, cách xa khu dân cư - nơi mà dân địa phương vẫn gọi là “trại”. Mua thêm 1 mẫu đất cách phố huyện khoảng 1 cây số, bà cho đào ao, đắp nền, dựng một căn nhà tre 5 gian, 2 gian mở cửa ra phố để bán các thứ lặt vặt.
Tuy là nhà tre vách đất, lợp rạ nhưng nhà cao, hiên rộng. Trần nhà lát nứa dập thẳng, mái lợp dày, quanh nhà có lan can gỗ. Kiểu nhà này dựa vào mẫu nhà ở Tuy Hoà - khi Nhất Linh đỗ bằng cử nhân khoa học Pháp về nước, một lần đưa mẹ và em gái vào Sài Gòn. Đến Tuy Hoà, thấy bên đường có ngôi nhà kiểu này, hai mẹ con đã dừng lại ngắm nghía và tâm đắc.
Ngôi nhà của bà Phán Nhu khác biệt hẳn với những ngôi nhà thấp nhỏ, tối tăm chật hẹp ngày đó. Nhà có cửa quay 4 hướng, đón ánh sáng rất tốt nên sau này được gọi là Nhà Ánh sáng - khởi nguồn cho phong trào Nhà Ánh sáng mà Tự lực văn đoàn cổ vũ về sau.
Trước cửa nhà là khoảng ao hình vuông để thả cá, trên bờ trồng nhiều loại hoa thơm. Đằng sau nhà - giống như vị trí của căn nhà ngói bây giờ - là đường tàu hoả đêm đêm vẫn chạy rầm rập, phá vỡ sự tĩnh mịch vốn có của phố huyện thuở nào đã đi vào văn chương.
Sau này, khi 3 anh em Nhất Linh - Hoàng Đạo - Thạch Lam theo nghiệp văn chương và lập nên Tự lực văn đoàn, nơi đây trở thành tụ điểm sinh hoạt của nhóm cùng địa chỉ số 80 Quán Sứ (Hà Nội) - trụ sở chính của 2 tờ Phong Hóa và Ngày Nay, cơ quan ngôn luận của nhóm. Từ ngôi nhà ánh sáng cũ, anh em Nguyễn Tường đã lập ấp trại trù phú, là nơi đón tiếp những người bạn văn chương thường xuyên tìm đến trà dư tửu hậu. Cũng vì thế mà Trại Cẩm Giàng còn được gọi là “trại văn” - theo nghĩa là nơi tụ họp, giao lưu của giới văn chương.
Theo lời kể của tác giả Thế Uyên - cháu gọi Thạch Lam bằng cậu, Nhà Ánh sáng - hay còn gọi là Trại Cẩm Giàng - biệt lập giữa cánh đồng, có dãy nhà ngang nhìn ra chiếc ao sát bờ tre, ngày ấy gọi là “khu đàn ông”. Căn nhà đầu tiên trải thảm cói dày, có nhiều ghế bành mây. Cửa lớn nhìn ra đường xe lửa bên kia lũy tre xanh. “Chính ở đây, những người đàn ông ngồi uống trà, hút thuốc, nói chuyện tâm đắc".
Ông Trần Quang Thông (nghệ sĩ nhiếp ảnh, thành viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương) - người vẫn đau đáu với những di sản của Tự lực văn đoàn hàng chục năm nay - kể, khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, cùng nhiều địa phương trên cả nước, người dân Cẩm Giàng thực hiện tiêu thổ kháng chiến (phá bỏ hết nhà cửa để sơ tán). Gia đình bà Phán Nhu cũng nằm trong số đó. Cộng với những trận bom nã xuống ga Cẩm Giàng những năm 1965-1966, khu đất của gia đình chẳng còn lại gì. Gia đình bà cũng không trở lại Cẩm Giàng nữa.
“Đất đai ngày xưa dễ lắm, chẳng giấy tờ gì, đến thì ở, đi là thôi. Một phần của khu đất sau này được chính quyền dựng làm kho lương thực, phần còn lại giao cho gia đình ông Nguyễn Văn Đạm sử dụng”.
Căn nhà ngói 5 gian bây giờ chính là ngôi nhà mà gia đình ông Nguyễn Văn Đạm dựng lên và sinh sống suốt nhiều năm trên nền đất nhà ông bà Phán Nhu cũ. Trong quá trình cải tạo chiếc ao, nhiều lần ông Đạm tìm được những vật dụng ngày xưa của gia đình bà Phán như bát đĩa, vỏ hộp mỹ phẩm, mảnh gạch ngói cũ nằm dưới đáy ao… Mảnh vườn gần như vẫn còn giữ nguyên sau nhiều năm vật đổi sao dời.
Với bất kỳ ai, nơi chôn nhau cắt rốn luôn là mảng ký ức khó quên. Với anh em nhà Nguyễn Tường, phố huyện Cẩm Giàng chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong tiềm thức. Nói về những hình ảnh của chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện trong tác phẩm Hai đứa trẻ, bà Nguyễn Thị Thế - chị gái nhà văn Thạch Lam - từng chia sẻ, bà không ngờ rằng em Sáu (Thạch Lam) lại có một trí nhớ dai đến thế.
“Năm đó tôi mới có 9 tuổi, em tôi lên 8 mà mẹ tôi đã giao cho hai chị em tôi trông hàng. Cửa hàng chỉ bán rượu, ít bánh khảo, thuốc lào, cốt để đưa khách quen vào trong nhà bà ngoại.Tối đến hai chị em phải ngủ lại để trông hàng…”.
Còn với Nhất Linh - người hiếm khi nói về Cẩm Giàng, phố huyện nghèo lại được đưa vào tiểu thuyết với 5 lần viết lại và 3 lần đặt tên. Cuối cùng, nó được đặt tên là Xóm Cầu Mới, viết lần đầu vào năm 1940 tại Hà Nội và sửa lần cuối năm 1957 tại Fi Nôm (Lâm Đồng) - trong thời gian ông sống lưu vong ở nước ngoài. Nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê từng nhận định: “Xóm Cầu Mới, đã được Nhất Linh thỉnh thoảng viết vài trang, làm cho những khuôn mặt thân yêu này hiện lên trong ký ức như những niềm riêng, dấu yêu vụng trộm. Những khuôn mặt Cẩm Giàng ấy, chính là bạn đồng hành với ông trong những ngày biệt xứ, vô vọng…”.
Với Nguyễn Tường Bách - người em út, một bác sĩ, không theo nghiệp văn chương, Cẩm Giàng là “nơi chôn nhau cắt rốn của các anh chị em trong gia đình, nơi chúng tôi đã lớn lên, tiếp xúc đầu tiên với xã hội. Một cánh đồng, một gốc cây, một góc phố, một cái lều chơ vơ, đến nay chúng tôi vẫn không quên được.
Gian nhà chúng tôi ở một bên trông ra cái ga nhỏ, một bên trông ra con phố hẹp lầy lội mỗi khi trời mưa. Nhà ga nhỏ xám, hai bên trồng găng. Mỗi khi có xe hoả lên xuống, cả ga, cả phố xá lại như vùng dậy, rộn rịp hẳn lên. Nhưng đến tối, chỉ còn nghe thấy tiếng còi tàu vẳng từ xa đến rồi lại biến đi trong đêm lặng”.
Dòng họ Nguyễn Tường bây giờ không còn ai ở Cẩm Giàng. Chỉ còn con đường mang tên Thạch Lam dẫn vào nhà ga - việc mà những người yêu mến ông đã nỗ lực để con đường được công nhận và đặt tên vào năm 1995. Cách nền đất của ngôi nhà cũ khoảng 800m là ngôi mộ ông bà Phán Nhu.
Khoảng 3 năm một lần, con cháu dòng họ Nguyễn Tường lại từ nước ngoài về thăm nhà cũ, viếng mộ cha ông, thậm chí vẫn còn nhớ thăm hỏi và tặng quà những người bạn thời ấu thơ. “Họ về rồi lại đi rất nhanh. Tôi đã vài lần gặp và tiếp xúc. Điều đó chứng tỏ rằng họ vẫn nhớ về cội nguồn và vẫn luôn coi Cẩm Giàng là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn” - ông Trần Quang Thông kể.
Cùng với những người con Cẩm Giàng yêu mến Tự lực văn đoàn, suốt nhiều năm qua, ông Thông từ ngày còn là cán bộ xã đã không ngừng nỗ lực gìn giữ, quảng bá di sản của gia đình Nguyễn Tường và nhóm Tự lực văn đoàn để lại trên mảnh đất này. Ông cho rằng, khu vườn, khoảng sân, chiếc ao… và tinh thần người xưa còn lại trên mảnh đất cần được bảo tồn để các thế hệ sau nhớ về một gia đình, một nhóm văn chương có sức ảnh hưởng lớn đối với việc hình thành, phát triển dòng văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Năm 2008, nhờ sự ủng hộ của chính quyền huyện Cẩm Giàng và tỉnh Hải Dương, hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản cố trạch của Tự lực văn đoàn” đã được tổ chức tại thị trấn Cẩm Giàng, với sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu. Hội thảo một lần nữa đánh giá lại vai trò của Tự lực văn đoàn, từ đó bày tỏ mong muốn xây dựng một nhà lưu niệm Tự lực văn đoàn trên mảnh đất xưa của gia đình 3 nhà văn, như một sự ghi nhận công lao của họ đối với sự phát triển của văn chương nước nhà.
Tháng 2/2012, UBND huyện Cẩm Giàng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu Công viên Tự lực văn đoàn với tổng diện tích 23.789m2 cùng nhiều hạng mục như: Nhà khách, nhà Ánh Sáng, khu biểu trưng văn hóa, nhà văn hóa, hội trường, thư viện, nhà ẩm thực và các công trình phụ trợ. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn còn nằm trên giấy, để lại nhiều tiếc nuối cho những người yêu văn chương, yêu mến Tự lực văn đoàn.
Bài: Nguyễn Thảo
Ảnh: An Thành Đạt
Thiết kế: Nguyễn Cúc