Sau 2 tháng có “dâu mới”, chia sẻ với PV, bà Lê Thị Sáu (59 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) hoàn toàn hài lòng với cuộc sống đầm ấm, sum vầy của các con, các cháu. Bây giờ bà có thêm một đứa cháu mới – là con riêng của Dung, vợ mới của chàng rể Nguyễn Văn Lịch.
Không “trọn vẹn” được ở cuộc hôn nhân đầu, Dung đến với Lịch với hi vọng được yêu thương, chia sẻ và cùng hỗ trợ nhau chăm sóc đám trẻ. Con trai Dung, 4 tuổi, có thêm một người bà, một người bố và các anh chị.
Bà Sáu kể, từ ngày về làm dâu, Dung chuyển sang làm công nhân ở công ty mới – 1 ngày làm tăng ca 12 tiếng, 1 tháng cứ 2 tuần làm đêm, 2 tuần làm ngày. Bà thương con dâu vất vả, lại phải làm đêm hôm nên dặn con “làm một thời gian nữa, nếu thấy vất quá thì chuyển chỗ khác”.
Bà Sáu kể: “Chưa biết sau này thế nào nhưng bây giờ thì Dung ngoan ngoãn, đi về chào hỏi, ngoài giờ làm vẫn dọn dẹp, lo cơm nước, chăm sóc 3 đứa trẻ. Con bé vẫn tắm rửa, dạy học cho cả 2 đứa con thằng Lịch. Tuần nào không làm đêm thì bố mẹ, con cái vẫn ngủ với nhau”.
Bà bảo, bọn trẻ vẫn quấn quýt với mẹ Dung như những ngày đầu. “Có hôm, thằng lớn học lớp 3 nướng khoai ăn vẫn nhớ để dành cho mẹ Dung. Mẹ mẹ con con quấn quýt lắm!”
Còn Lịch, anh đang làm bảo vệ cho một gia đình kinh doanh ở cạnh nhà. Công việc và thời gian của anh linh động hơn nên nhận nhiệm vụ đưa đón các con, hỗ trợ bà Sáu việc nhà, chăn nuôi, trồng trọt.
Bà Sáu bảo, từ ngày có vợ mới, Lịch vui vẻ, béo trắng hẳn ra. Bà kể với thái độ mừng vui cho chàng rể thực sự, chứ không hề chất chứa chút giận hờn vì “nó đã quên con gái mình nhanh thế”.
Nhưng có lẽ điều bà Sáu vui nhất là sự đón nhận bước đầu của Hương – con gái bà. Bà chia sẻ chân thành rằng từ khi biết tin sẽ có đám cưới, Hương không hoàn toàn hài lòng về chuyện này. Nhưng sau một thời gian được gia đình phân tích, mới đây, cô đã “có lời” nhờ Dung giúp chăm sóc, bảo ban bọn trẻ học hành khi cô không có nhà.
Cứ mỗi cuối tuần, Hương lại ghé qua nhà gặp các con, đưa các con đi chơi. Có hôm cô mua bánh kẹo, hoa quả về cho cả 3 đứa trẻ ăn chung. Có lẽ hình ảnh ấy là điều mà bà Sáu luôn mong mỏi được chứng kiến. Giống như bà từng chia sẻ rằng, nếu Hương đi bước nữa, bà hoàn toàn ủng hộ và sẽ đứng ra lo chu toàn đám cưới giống như Lịch. Bà cũng yêu cầu Lịch ủng hộ và chung tay với bà khi vợ cũ có người mới yêu thương và muốn cưới cô. Với bà, cả hai đứa đều là con.
Tình yêu thương mà bà dành cho Lịch cũng là lý do bà không thể “đuổi nó ra khỏi nhà” sau khi hai vợ chồng ly hôn. Cách đây 10 năm, chính bà là người đề nghị Lịch về ở rể để khi về già bà có chỗ nương tựa. Sau này, hai vợ chồng không sống được với nhau, bà không nỡ lòng nào để con rể ra khỏi nhà. Bà thực sự coi Lịch như con trai sau ngần ấy thời gian sống chung dưới một mái nhà.
Hơn nữa, nếu Lịch dọn khỏi nhà, tức là cháu bà mỗi đứa sẽ phải ở một nơi – đứa ở với bố, đứa ở với mẹ, lại không có bà ở bên cạnh. Bà không muốn cảnh mẹ con, bà cháu xa nhau tan tác như vậy.
Sau khi vợ chồng Lịch ly hôn, bà quyết định nhận anh là con trai. “Nếu mẹ không đuổi thì con không phải đi đâu hết” – bà nói với Lịch.
“Sống chung nhà suốt chục năm, hai mẹ con chưa từng to tiếng, mâu thuẫn. Nó chẳng làm gì sai, cũng chẳng đối xử tệ bạc với mình. Nó còn đang nuôi nấng, chăm bẵm 2 đứa cháu mình…”. Nghĩ vậy bà đi đến một quyết định hiếm có là giữ con rể cũ ở lại, tiếp tục sống cùng bà và các cháu.
Nghĩ đi nghĩ lại, thấy con rể còn quá trẻ để “gà trống nuôi con”, bà giục: “Mày tìm hiểu kỹ càng xem ai người ta thương yêu được mình thì mẹ cưới cho. Mày lấy vợ về đây làm dâu mẹ, cùng nhau chăm lo nhà cửa, con cái. Mẹ có chỗ dựa lúc về già”.
Đám cưới của Lịch được bà chuẩn bị như trai tân lấy vợ, cũng đầy đủ các hạng mục: mua sắm giường tủ, chăn ga gối đệm mới tinh. Tại lễ cưới, bà cũng lên trao cho các con một cặp nhẫn vàng, gọi là “một chút tấm lòng của mẹ”.
Trước ngày cưới, cổng hoa, phông bạt, bàn ghế chất đầy sân. 50 mâm cỗ cưới chỉ để mời họ hàng ruột thịt và nhà gái cũng được chuẩn bị tinh tươm bằng tiền túi của bà. Bà bảo, những gì bà dành cho Lịch cũng xứng đáng với cách anh đã ứng xử với bà và con gái bà ngay cả khi cả hai đã sắp ly hôn và không thể nói chuyện được với nhau. “Vợ nó ốm nằm viện, sáng nó dậy từ 4h, thịt gà, nấu cháo, mang vào cho vợ. Lúc ấy là sắp ly hôn rồi” – bà kể.
Từ ngày con gái ra khỏi nhà, mỗi lần bà đau ốm, cấp cứu đêm hôm, Lịch cũng là người chăm sóc, gọi người đưa mẹ đi viện. Có đợt bà Sáu nằm viện nửa tháng, được con gái đầu chăm sóc, một tay Lịch vừa lo việc nhà vừa chăm sóc con cái. Bà bảo, bây giờ có thêm dâu, chẳng may bà bị ốm đau thì lại có thêm người chăm bà, chăm các cháu. Bà thấy yên tâm hơn nhiều.
Từ bây giờ, bà cũng sẽ coi con riêng của Dung như cháu ruột mình, giống như cô coi các cháu ngoại của bà như con đẻ. Cả 3 người cùng chung sống vui vẻ, hoà thuận, để chăm lo cho 3 đứa trẻ một cuộc sống đủ đầy nhất. Bà coi “thêm người là thêm của”, là “cái phúc của nhà mình”.
Lịch là người đàn ông may mắn khi được sống cùng 2 người phụ nữ bao dung, một người coi mình như con trai, người kia rộng lòng chăm sóc cả 2 đứa con riêng của chồng.
Với bản tính chân chất của một người đàn ông dân tộc Mường, Lịch không biết nói những lời hoa mỹ. Anh chỉ thật thà nói rằng, sau này vợ chồng anh sẽ phụng dưỡng bà Sáu chu đáo để không phụ tấm lòng mà bà đã dành cho anh.
Lịch kể, ngày 20/10 vừa rồi, anh chẳng biết tặng hoa tươi hay những món quà đẹp mắt. Mẹ cũng không thích đi ăn ngoài nên anh đã đi chợ, mua đồ ăn về nấu cho 2 người phụ nữ của mình một bữa cơm ngon. Đó là lời cảm ơn chân thành nhất của anh dành cho họ - những người phụ nữ xa lạ giúp anh có một mái ấm trọn vẹn.
Bài và ảnh: Nguyễn Thảo
Thiết kế: Minh Hoà