Dai cho biết anh muốn đến thăm nhiều nơi như Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Australia và đặc biệt là Mỹ.
"Khi tôi có đủ tiền, tôi muốn đến thăm Mỹ trước. Bởi lẽ, Mỹ được coi là cường quốc về khoa học máy tính và công nghệ thông tin nên tôi muốn đến thăm thung lũng Silicon và các trường đại học nổi tiếng như MIT, Stanford...", anh nói với CNN Travel.
Dai không phải là người Trung Quốc duy nhất mong muốn được đi du lịch nước ngoài ngay sau thông tin chính phủ dỡ bỏ mọi yêu cầu kiểm dịch nhập cảnh và đang cấp lại hộ chiếu.
Theo dữ liệu của Tập đoàn Trip.com, lượng đặt chuyến bay đi nước ngoài của người dân Trung Quốc đã tăng 254% vào cuối tháng 12, một ngày sau khi có thông báo rằng các hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng kể từ ngày 8/1.
Những nơi người Trung Quốc muốn đến đầu tiên
Các điểm đến phổ biến nhất cho đến nay với người dân Trung Quốc là Singapore, Hàn Quốc, đặc khu Hồng Kông, Nhật Bản và Thái Lan. Đối với các điểm đến đường dài, Mỹ, Anh và Australia là ba cái tên dẫn đầu danh sách.
"Người Trung Quốc có xu hướng chọn các chặng ngắn, nhờ giá thấp hơn. Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản luôn được du khách Trung Quốc ưa chuộng, kể cả trước thời điểm dịch Covid-19", Wendy Min, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Trip.com cho biết.
Tiến sĩ Wolfgang Georg Arlt, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài Trung Quốc (COTRI), cho biết việc phục hồi du lịch trong khu vực trước tiên là điều hợp lý, vì việc đến các điểm đến gần đó dễ dàng và ít tốn kém hơn.
Tuy nhiên, quý đầu tiên của năm 2023 được dự đoán sẽ chỉ diễn các chuyến đi cấp thiết thay vì giải trí đơn thuần. Đó sẽ là các chuyến như công tác, đoàn tụ gia đình, chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Arlt, làn sóng du lịch thuần túy để giải trí sẽ bắt đầu tăng vào quý hai của năm, khi các chuyến bay được nối lại hoàn toàn và quy trình phê duyệt hộ chiếu, thị thực diễn ra suôn sẻ hơn.
Những điểm đến hàng đầu đối với người dân Trung Quốc
Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới tính theo số lượng khởi hành và chi tiêu. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), năm 2019, du khách Trung Quốc đã có tới 154,6 triệu chuyến đi nước ngoài và chi gần 255 tỷ USD.
Dựa trên các dự đoán dữ liệu của COTRI, người dân Trung Quốc có thể thực hiện khoảng 115 triệu chuyến đi nước ngoài, tăng trở lại mức 3/4 của năm 2019, vào cuối năm nay.
Năm 2019, Thái Lan là điểm đến số 1 được du khách Trung Quốc ghé thăm nhiều nhất. Quốc gia Đông Nam Á đón khoảng 11 triệu du khách Trung Quốc, hơn 1/4 lượng khách nước ngoài đến nước này.
Nhật Bản đứng ở vị trí thứ hai, thu hút 9,5 triệu du khách Trung Quốc vào năm 2019, theo Thống kê Du lịch Nhật Bản. Trong khi đó, số du khách Trung Quốc đến Việt Nam là 5,8 triệu, đến Hàn Quốc khoảng 5,5 triệu và Singapore là 3,6 triệu.
Các điểm đến nổi tiếng trước đại dịch có khả năng sẽ tiếp tục phổ biến khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Ngành du lịch Trung Quốc và Dragon Trail chắc chắn mong đợi các điểm đến gần Trung Quốc Đại lục như Hồng Kông và Ma Cao, Đông Nam và Đông Á sẽ phục hồi trước tiên.
Những điểm đến mới
Những người đam mê du lịch lại có nhiều kế hoạch đầy tham vọng khác để khám phá những điểm đến mới như Síp, Oman, Iraq, Rwanda, Madagascar và Namibia vào năm 2023.
Ngoài ra, Arlt cho biết các quốc gia như Albania hoặc Georgia cũng được khách Trung giàu kinh nghiệm du lịch quan tâm. Albania có những ngôi làng cổ xây dựng hàng trăm năm. Georgia lại thu hút nhờ nhiều trải nghiệm đa dạng: trượt tuyết trên núi, tham quan biển Đen, các công trình kiến trúc cổ. Ngược lại, các điểm đến vốn phổ biến trước đây như Paris không còn thu hút nhiều khách nữa.
"Nếu bạn kể với bạn bè rằng đã đến Albania, họ sẽ nghĩ bạn đặc biệt, có khiếu thẩm mỹ và biết phiêu lưu, khám phá", Arlt nói.
Thay đổi phong cách du lịch
Cũng theo Trip.com, khách Trung Quốc đang hướng tới việc đi du lịch theo nhóm nhỏ và tự túc, thay vì các tour lớn. Họ cũng chú ý nhiều đến các trải nghiệm du lịch bền vững. Có sự thay đổi lớn trong nhu cầu, kỳ vọng của người dân nước này khi đi nước ngoài hiện nay. Giới trẻ bày tỏ sự quan tâm đến tính bền vững, du lịch xanh vì Trung Quốc cũng đang chịu hậu quả của biến đổi khí hậu.
Theo khảo sát của Dragon Trail năm 2022, 48,3% khách du lịch tiềm năng cho biết họ sẽ chọn những chỗ ở có hoạt động thân thiện với môi trường, 37,9% chọn các du lịch bảo vệ môi trường như nhặt rác ở nơi đến, đi xe đạp thay vì lái ôtô. 60,8% chọn đi để thử đồ ăn địa phương ở nước ngoài, 56% muốn trải nghiệm cuộc sống địa phương và 51,8% khách Trung muốn khám phá các bãi biển.
Một xu hướng mới cũng dự đoán bùng nổ ở Trung Quốc là glamping (cắm trại kiểu sang trọng). Ngoài ra, khách Trung cũng muốn đi du lịch dài ngày hơn. Họ sẽ đến các nơi khác nhau để quyết định xem muốn chuyển đến đâu sinh sống và đây có thể là những người sẽ đi nước ngoài đầu tiên sau dịch.
Những khách Trung Quốc khác sẽ lên kế hoạch cho các chuyến đi đạp xe leo núi, đi bộ đường dài, thử rượu, nấu ăn và viết thư pháp. Trong ba năm phải ở nhà, nhiều người đã có thời gian để tập trung phát triển sở thích cá nhân. "Đại dịch đã chứng minh cuộc sống mong manh, ngắn ngủi như thế nào. Vì vậy làm những điều có ý nghĩa đã trở nên quan trọng hơn rất nhiều", Arlt giải thích về các xu hướng du lịch mới của khách Trung.
Rào cản để nhập cảnh
Trung Quốc chiếm khoảng 14% trong số 1,8 nghìn tỷ đô la chi tiêu du lịch toàn cầu vào năm 2019, nhiều quốc gia đã rất mong chờ sự trở lại của du khách nước này, nhưng không phải tất cả.
Ngay trước khi Trung Quốc mở cửa trở lại, một loạt các hạn chế nhập cảnh và sàng lọc được áp dụng với người dân nước này. Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Italy, Anh và Pháp, đã công bố kế hoạch yêu cầu xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi khởi hành với du khách Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Sienna Parulis-Cook, người phụ trách bộ phận PR tại công ty tiếp thị kỹ thuật số Dragon Trail International, các chính sách chỉ áp dụng riêng đối với công dân của một quốc gia nhất định sẽ tạo ra sự kỳ thị nhiều hơn là có tác dụng ngăn chặn sự lây lan Covid-19. "Người Trung Quốc có rất nhiều lựa chọn cho chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên của họ. Vì vậy, các điểm đến không có hạn chế nhập cảnh sẽ hấp dẫn họ hơn", Parulis-Cook nói.
Arlt lại đưa ra quan điểm khác. Ông cho rằng không phải mọi người Trung Quốc đều cảm thấy khó chịu khi phải làm xét nghiệm trước khi khởi hành, và chỉ thích những điểm không cần test. "Thực ra, họ không chỉ quen với việc xét nghiệm, mà còn rất vui khi biết rằng mọi hành khách ngồi cùng chuyến bay đều âm tính", Arlt chia sẻ.