Năm 2014, một cô bé “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” với bao ước mơ lớn, đã phải nhận tin sét đánh từ bác sĩ: cô bị viêm cầu thận.
Căn bệnh quái ác buộc Nguyễn Thị Oanh phải ngừng vận động và thực hiện một chế độ sinh hoạt cực khắt khe.
Oanh không biết mình có thể tiếp tục theo đuổi đam mê điền kinh nữa hay không. Hàng trăm, hàng nghìn suy nghĩ tiêu cực, lại thêm gương mặt bị phù nề tới biến dạng, càng khiến cô rơi vào sự bế tắc. Lúc đó, cánh cửa như đóng sầm lại.
Nhưng Nguyễn Thị Oanh không bỏ cuộc.
Cô cảm nhận được nguồn năng lượng đang lớn dần trong cơ thể, ngay cả trong mơ Oanh cũng thấy mình đang chạy một cách đầy sảng khoái, với những tiếng hò reo cổ vũ.
Oanh quyết tâm trở lại với đường chạy, ban đầu chỉ là 2-3km, sau tăng dần lên 10km. Năm tháng tự tập luyện, tự mình chiến đấu với bệnh tật, Oanh tin là mình có thể trở lại thi đấu đỉnh cao.
Tấm HCV, HCB ở Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 diễn ra ở Đà Nẵng năm 2016, chính là bước đệm cho ngày trở lại của Nguyễn Thị Oanh.
Giờ đây, khi nghĩ lại thời gian khó nhất trong sự nghiệp của mình, Oanh vẫn bị ám ảnh. Nhưng có trải qua những thử thách lớn đó, cô mới trân quý sức khỏe và tôi luyện ý chí sắt đá.
“Điều tôi luôn tâm niệm là phải cố gắng nhiều hơn mỗi ngày, mỗi buổi tập và mỗi giải đấu. Tôi tự đặt ra những mục tiêu cho bản thân mình và phải vượt qua”, Oanh chia sẻ.
Không chỉ là nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật sở trường, cô thử thêm cả 1.500m, 5.000m và 10.000m, để rồi điền kinh Việt Nam có một ngày thống trị SEA Games ở cả 4 nội dung này, chỉ với một cái tên: Nguyễn Thị Oanh.
Đặc biệt, tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh làm nên điều không tưởng, khi giành 2 HCV ở 2 cự ly chạy mà thời gian nghỉ chưa đầy 30 phút. Đây là thành tích vô tiền khoáng hậu, khó tin đối với thể thao, đặc biệt là điền kinh. “Cô bé hạt tiêu” đã vượt qua giới hạn của bản thân, khiến các nhà chuyên môn “choáng váng” không thể lý giải nổi.
Khép lại năm 2023 với nhiều dấu ấn, Nguyễn Thị Oanh hoàn tất cú “hat-trick” vàng tại giải điền kinh vô địch quốc gia. Ở đấu trường nào, Oanh cũng đều có sự chuẩn bị nghiêm túc và chiến đấu hết sức lực.
Hoàn thành các mục tiêu đề ra, Oanh "ỉn" tự thưởng cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi, về thăm bố mẹ, đi chơi với bạn bè để tái tạo năng lượng.
"Từ nay cho đến hết năm 2023, tôi dành thời gian cho bản thân, cho quá trình hồi phục, sao cho đạt thể trạng tốt nhất, sẵn sàng cho các mục tiêu tiếp theo trong năm 2024", chân chạy quê Bắc Giang cho biết.
"Nữ siêu nhân đường chạy" hay "nhà vô địch không phổi", là những biệt danh được người hâm mộ nói về Nguyễn Thị Oanh. Cô gái nhỏ bé thể hiện năng lực phi thường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành hình ảnh tiêu biểu, một tấm gương truyền cảm hứng không chỉ của thể thao Việt Nam mà với cả khu vực Đông Nam Á.
Chân chạy sinh năm 1995 xứng đáng là biểu tượng cho sự bền bỉ, ý chí vượt lên của người phụ nữ Việt Nam.