Nhiếp ảnh tự do “trúng mùa”
Nhiếp ảnh tự do không có cửa tiệm riêng, thiếu về nhân lực lẫn đạo cụ hỗ trợ. Thế nhưng, những bạn trẻ làm nghề nhiếp ảnh tự do lại tạo ra cách chụp, góc chụp, phong cách, hậu kỳ… khác biệt.
Nhiếp ảnh tự do tạo được thương hiệu cá nhân, nổi bật trên mạng xã hội, sẽ có những luồng khách hàng riêng. Dịp Tết, hòa vào thời điểm vàng làm nghề, nhiếp ảnh tự do cũng tất bật tăng ca.
Phạm Thế Hiển (30 tuổi, TP.HCM) làm nhiếp ảnh tự do được khoảng 4 năm. Trải qua các mùa Tết, Hiển lại có thêm nhiều khách hàng thuê chụp ảnh áo dài, du xuân…
Khách của Hiển có đủ mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là các bạn trẻ, học sinh - sinh viên. Năm nay, xu hướng chụp ảnh có thay đổi so với các năm. Nhiều người chọn chụp ảnh áo dài xưa, mang màu sắc hoài cổ.
Vì vậy, Hiển tận dụng việc thông thạo đường phố TP.HCM để tư vấn bối cảnh cho khách hàng. Chàng trai này thường gợi ý khách hàng chụp ảnh tại các địa điểm nổi tiếng như: chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập, các chùa tại khu vực Chợ Lớn…
Mỗi ngày, Hiển chụp từ 3-4 bộ ảnh. Một bộ ảnh sẽ được chụp tại một điểm hoặc vài điểm, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Bộ ảnh hoàn thành sẽ có 20 tấm ảnh đã được chỉnh sửa và 100 ảnh gốc.
Võ Thuật (25 tuổi), một nhiếp ảnh tự do đang hoạt động ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cũng phải huy động thêm người để tăng ca mùa Tết.
Võ Thuật cho biết: “Cận Tết, cường độ làm việc tăng cao, một mình không thể lo hết các khâu. Thế nên, tôi chọn cách lập nhóm để tìm đồng đội hỗ trợ. Một tháng, tôi chụp khoảng 20-25 bộ ảnh, dịp Tết thì tăng lên khá nhiều”.
Chợ Đà Lạt là một trong những nơi được khách hàng yêu cầu Thuật chọn làm bối cảnh chụp ảnh. Ngoài ra, các địa điểm nổi tiếng khác ở Đà Lạt cũng được nhiều người yêu thích.
Không chỉ chụp ở Đà Lạt, nếu khách hàng ở TP.HCM hay các tỉnh lân cận có nhu cầu, Thuật sẵn sàng đến tận nơi để phục vụ. Mùa Tết này, Thuật có khá nhiều bộ ảnh chụp khách ở TP.HCM được cộng đồng mạng yêu thích.
Ảnh đẹp, giá “sinh viên”
Không có cửa tiệm, Hiển dùng trang cá nhân để giới thiệu tay nghề, truyền tải qua các bộ ảnh đã thực hiện. Hiệu ứng từ những bộ ảnh đẹp được lan tỏa, khách cũng tăng dần.
Hiển cho biết: “Tôi thường nhận khách qua điện thoại và mạng xã hội. Khách theo dõi trang cá nhân, thấy phong cách chụp phù hợp thì liên hệ thuê mình chụp. Thông thường, khách cũ nhận được ảnh ưng ý sẽ thuê chụp tiếp và giới thiệu thêm khách mới”.
Với Hiển, việc không có cửa tiệm cũng là một lợi thế, không tốn tiền thuê mặt bằng. Từ đó, giá của dịch vụ chụp ảnh tự do cũng rất bình dân, mà người trong nghề thường gọi là giá “sinh viên”.
“Dù làm nghề tự do nhưng tôi luôn đầu tư bài bản, chăm chút từ bối cảnh cho đến hậu kỳ của từng bức ảnh. Mỗi bộ ảnh có giá dao động từ vài trăm cho đến tiền triệu, tùy yêu cầu của khách”, Hiển chia sẻ.
Vào mùa Tết, thu nhập của các nhiếp ảnh tự do thường tăng gấp 3 lần ngày thường. Đổi lại, họ phải ăn Tết muộn. Năm ngoái, đến mùng 8, Hiển mới hết việc và bắt đầu nghỉ Tết, tái tạo năng lượng sau những ngày làm việc cật lực.
Tuy nhiên, Nguyễn Minh Tâm (27 tuổi) làm nghề chụp ảnh tự do cũng bật mí những khó khăn thường gặp.
Minh Tâm chia sẻ: “Thu nhập cao hơn sẽ kéo theo áp lực nhiều. Nếu mình chụp không đúng tiến độ, trả ảnh trễ hẹn thì khách hàng thường khó chịu, thậm chí la mắng.
Ngoài ra, một số khách hàng cảm tính, không lắng nghe tư vấn của nhiếp ảnh. Từ đó, họ chọn sai phong cách, dẫn đến bộ ảnh không đẹp như kỳ vọng.
Tuy nhiên, họ lại đổ lỗi cho người chụp ảnh, viện dẫn công việc tự do để chê bai chất lượng. Nhiều khách hàng trẻ tuổi còn sẵn sàng “bóc phốt” nhiếp ảnh trên mạng xã hội”.