“Tạch Tạch Tạch! Tạch Tạch Tạch!...”, một tràng đạn xả liên hồi, kéo theo đó là những tiếng nổ đùng đoàng cứ chốc chốc lại gầm vang. Chúng như những lưỡi kéo thô kệch, xấu xí cắt ngang màn đêm tĩnh lặng ở Haiti – một đảo quốc nhỏ bé nằm giữa vùng vịnh biển Caribean xinh đẹp.
“Có người nổ súng trước cửa chi nhánh anh ơi. Chúng đông và hung hãn lắm. Xin anh cho phương án xử lý”, Tổng giám đốc Natcom (Viettel Haiti) Nguyễn Huy Dung nhận được cuộc gọi thông báo với giọng gấp gáp từ chi nhánh.
Ngồi ở thủ đô Port-au-Prince cách đó hàng trăm cây số, nhưng qua cuộc điện thoại, anh Dung cảm nhận rõ nét sự căng thẳng hiển hiện trong giọng nói của nhân viên. Không căng thẳng sao được bởi kể từ sau khi tổng thống Jovenel Moise bị ám sát hồi tháng 7/2021, Haiti rơi vào vòng xoáy hỗn loạn.
Từ đó đến nay, đảo quốc Trung Mỹ này liên tục bị chia cắt, cát cứ và nằm dưới sự khống chế của các băng đảng. Nạn mãi lộ, thu tiền bảo kê xuất hiện ở khắp nơi.
Trong khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác đã sơ tán nhân viên, Viettel Haiti vẫn kiên cường bám trụ, đồng hành cùng người dân sở tại. Cũng vì thế, việc phải đối mặt với các vụ xả súng, thậm chí ngay tại trụ sở cơ quan xảy như cơm bữa.
Sau khi phân tích, trao đổi, nhận định đây chỉ là hoạt động gây sức ép từ các băng đảng để thu tiền bảo kê, Tổng giám đốc Nguyễn Huy Dung động viên anh em bình tĩnh, cố thủ trong chi nhánh. Song song với đó, một đường dây nóng được thiết lập để tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía cảnh sát địa phương.
1 tiếng, 2 tiếng rồi 3 tiếng trôi qua. Khi biết tất cả mọi nhân viên và tài sản của Natcom đều được an toàn, đến lúc ấy, anh mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Câu chuyện về chi nhánh Viettel ở Haiti chỉ là một trong vô vàn tình huống mà người Viettel đã trải qua khi bước chân “go global”. Thiên tai, thảm họa, và có khi bị cả những họng súng bủa vây, thế nhưng các chi nhánh Viettel ở nước ngoài vẫn trụ vững, như những chiến binh lan tỏa hình ảnh Việt Nam giữa thời bình.
Hành trình của Viettel tại Haiti thường được nhắc đến với câu chuyện “từ thảm họa đến kỳ tích”, khi trận động đất khủng khiếp năm 2010 tại Haiti không thể cản bước người Viettel đầu tư vào quốc gia châu Mỹ này.
Theo Tổng Giám đốc Natcom Nguyễn Huy Dung, dù thị trường Haiti chỉ có 2 nhà mạng, việc kinh doanh của Viettel tại đây luôn trong tình trạng khó khăn, bất ổn, với những diễn biến khó lường.
Tính từ năm 2018 trở lại đây, năm nào quốc gia này cũng chứng kiến các sự kiện lớn, từ thiên tai đến nhân tai, như ám sát tổng thống, biểu tình, bạo loạn hay hoạt động của các băng đảng.
Gần đây nhất, Natcom phải đối mặt với 3 khó khăn lớn, đó là các cuộc biểu tình bạo loạn, những vụ phá hoại hạ tầng mạng lưới, cáp đường trục, đường truyền dẫn, thậm chí có thời điểm không thể ứng cứu được.
Đó còn là tình trạng khan hiếm xăng dầu, trong khi điện lưới của quốc gia này không đảm bảo, phần lớn trạm BTS tại Haiti phải vận hành bằng máy phát điện hoặc năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà nhà mạng này phải đối mặt tại Haiti là hoạt động tấn công có chủ đích của các băng đảng.
Kể về một tình huống ngàn cân treo sợi tóc, ông Nguyễn Huy Dung chia sẻ: “Có thời điểm, chi nhánh Natcom ở cửa ngõ thủ đô Haiti bị tấn công. Lãnh đạo chi nhánh phải đưa anh em vượt tường chạy sang nhà hàng xóm. Khi trở về, trên tường là lỗ chỗ vết đạn, thậm chí có cả một can xăng còn nguyên chưa kịp đốt”.
Nói về một kỷ niệm đáng nhớ khác, CEO Natcom cho hay, năm 2016, siêu bão Matthew đổ bộ vào Haiti khiến hạ tầng viễn thông ở đây bị phá hủy. Khi đến Corail, địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh SUD (phía nam Haiti), vừa dừng xe bước xuống, người dân đã vây xung quanh đoàn và hô vang “Natcom, Natcom”.
“Tôi hiểu rằng người dân sở tại đặc biệt yêu quý thương hiệu này. Họ mong chờ và rất muốn Natcom triển khai các trạm BTS để cung cấp dịch vụ di động”, Tổng giám đốc Natcom nói.
Tại quốc gia trong vùng vịnh Caribean quanh năm đón bão, các cán bộ công nhân Viettel luôn xác định tâm lý chủ động đối diện, vượt qua khó khăn, thử thách để trưởng thành. Qua đó, thể hiện được tinh thần, ý chí, quảng bá hình ảnh con người Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế.
Thực tế đã chứng minh, bất chấp tình trạng bạo loạn, vô chính phủ tại Haiti, trong năm 2023, Natcom vẫn vươn lên số 1 về thị phần, tăng trưởng doanh thu dịch vụ xấp xỉ 30%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, chính thức hoàn 100% vốn dự án, dù kinh doanh ở quốc gia nghèo thứ 2 thế giới.
Tinh thần Viettel không chỉ thể hiện ở Haiti mà còn tại tất cả các thị trường mà doanh nghiệp này đặt chân đến.
Tại một đất nước vừa diễn ra đảo chính quân sự là Cộng hòa Liên bang Myanmar, trong năm 2023, chiến sự đã lan ra bang thứ 11 trong tổng số 16 bang của quốc gia này. Thế nhưng khó khăn không thể cản bước hay làm khó người Viettel.
Theo Tổng giám đốc Mytel (Viettel Myanmar) – Nguyễn Tiến Dũng, trong khó khăn luôn có cơ hội, người Việt Nam nói chung và người Viettel nói riêng luôn có sự lì lợm và nhanh nhạy hơn đối thủ. Chính vì vậy, dù kinh doanh trong điều kiện rất khó khăn, Mytel vẫn làm tốt, hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2023, tăng 2,2 triệu thuê bao và dòng tiền về Việt Nam đạt hơn 200% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay.
Trong số các thị trường nước ngoài của Viettel, Tanzania có lẽ là nơi Viettel gặp nhiều khó khăn nhất. Nhắc tới thị trường này, ông Phùng Văn Cường – Tổng giám đốc Viettel Global từng nghẹn giọng vì xúc động khi trong hoàn cảnh khó khăn về pháp lý, CEO Halotel (Viettel Tanzania) - Nguyễn Tiến Dũng vẫn bình thản đối mặt, thậm chí còn động viên ngược lại những người đồng đội ở Việt Nam.
Hành trình bền bỉ Viettel Global được “gieo mầm” từ cách đây gần 20 năm. Quyết định đầu tư ra nước ngoài của Viettel được đánh giá là rất nhanh nhạy bởi ở thời điểm đó, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Động lực đằng sau quyết định đầu tư ra nước ngoài của Viettel là sự bão hòa của thị trường viễn thông trong nước. Việc mở rộng ra nước ngoài mang lại những cơ hội mới cho Viettel, không chỉ về quy mô mà còn về kinh nghiệm và công nghệ. Đầu tư ra nước ngoài cũng giúp Viettel hình thành nên một thương hiệu toàn cầu.
Ở thời điểm ban đầu, bên cạnh những đánh giá tích cực, có không ít những ý kiến hoài nghi về chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Viettel. Nhiều người cho rằng, thương vụ này sẽ mang đến nhiều rủi ro bởi Viettel thời điểm đó chưa có nhiều kinh nghiệm, cơ chế chính sách đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cũng chưa rõ ràng, trong khi các thị trường mới lại hết sức khó đoán.
Đón nhận những hoài nghi đó như một lời nhắc nhở, người Viettel đã kiên trì không mệt mỏi, không nản lòng để đi những bước chân đầu tiên nhưng vững chãi trên hành trình vươn ra biển lớn.
Đến thời điểm hiện tại, Viettel Global đang vận hành 10 nhà mạng tại 10 quốc gia, có tổng quy mô thị trường lên tới 270 triệu dân với gần 100 triệu khách hàng. Viettel Global cũng nắm vị trí dẫn đầu tại 6/10 thị trường mà doanh nghiệp này góp mặt.
Thành công của hoạt động đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa Viettel trở thành thương hiệu có giá trị đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, là thương hiệu viễn thông duy nhất của Đông Nam Á có mặt trên bảng xếp hạng Global 500 của Brand Finance. Viettel hiện cũng là nhà mạng số 1 tại Đông Nam Á, vị trí thứ 9 tại châu Á và thứ 17 trên thế giới.
Thiết kế: Phạm Luyện