{keywords}

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng có cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam đầu Xuân Nhâm Dần.

Dù đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhưng chưa có cuộc họp báo thường kỳ nào phải hoãn lại. Các vấn đề về chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước vẫn được chuyển tải nhanh chóng nhất tới báo chí, tới người dân. Nhiều người trong ngành ngoại giao nói rằng người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong vai trò Vụ trưởng Thông tin báo chí là người tiên phong trong chuyển đổi số của ngành? 

Đại dịch Covid-19 là một cuộc đại khủng hoảng, tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn thế giới. Hoạt động ngoại giao cũng không ngoại lệ bởi tất cả hoạt động như thăm viếng, hội họp đều bị hoãn, hủy hoặc phải chuyển đổi hình thức. 

Như năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, chúng ta có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thậm chí chúng tôi đã đi tiền trạm các địa điểm như Nha Trang, Đà Nẵng… cho việc tổ chức các hội nghị trong cả năm, nhưng chỉ có một cuộc họp được kịp thời tổ chức, còn lại đều chuyển sang trực tuyến. Các chuyến thăm cấp cao, hay đón đoàn cấp cao vào Việt Nam cũng hoãn lại. 

Tháng 4/2021 mới có hoạt động ngoại giao đầu tiên theo hình thức trực tiếp - hội nghị của các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra tại Jakarta, Indonesia. Từ đó, chúng ta khôi phục dần các hoạt động đối ngoại. 

Trong bối cảnh dịch bệnh bắt đầu từ năm 2020, chúng tôi đã kiến nghị và được lãnh đạo Bộ đồng ý tổ chức họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến, tới nay có khoảng 30 cuộc họp báo diễn ra theo hình thức này. 

{keywords}

Trong Đại hội Đảng lần thứ 13, chúng tôi lên nhiều phương án giúp báo chí vẫn theo dõi và đưa tin nhanh nhất về Đại hội - đó chính là trung tâm báo chí online.

Chúng ta có hơn 90 phóng viên của 80 hãng báo chí đến từ 5 châu lục và báo chí của kiều bào tham gia đưa tin trực tuyến. Như vậy, công tác truyền thông về Đại hội Đảng nói riêng cũng như thông tin về Việt Nam năm 2020 và 2021 được thông suốt. Dư luận đánh giá về Việt Nam khá tích cực, kể cả trong bối cảnh chúng ta phải đối phó với dịch bệnh một cách căng thẳng nhất. 

{keywords} 

Là người tạo điều kiện tối đa để báo chí tác nghiệp, chị đã trực tiếp “cứu nguy” cho cánh phóng viên? 

Trong bối cảnh dịch bệnh, người ta hạn chế phóng viên, hạn chế sự di chuyển của họ. Thường trong các cuộc họp, khi các lãnh đạo cấp cao đến khu hội nghị thì sẽ có một cảnh quay chủ nhà đứng đón, bắt tay, và lên phòng họp. Nhưng vì hạn chế phóng viên di chuyển, nên tôi phải yêu cầu cán bộ trong Vụ mang chân máy lên phòng họp, để sẵn ở đó để người quay phim có thể chạy thẳng từ chỗ bắt tay lên phòng họp, đồng thời có sẵn vị trí tác nghiệp. 

Rất nhiều câu chuyện liên quan đến tác nghiệp của phóng viên, và chúng tôi chia sẻ với họ, hỗ trợ tối đa vì công việc chung. Thực sự tôi chân thành biết ơn đồng đội - những phóng viên, đặc biệt anh chị em theo dõi mảng đối ngoại.

Có những sự kiện do chênh lệch múi giờ, anh chị em luôn thức cùng chúng tôi để truyền tin một cách chính xác và kịp thời nhất. Những đóng góp của báo chí là không thể thiếu đối với thành công trong hoạt động thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao nói riêng cũng như của cả nước nói chung. 

{keywords} 

Tại Anh, chị đã làm luận án thạc sĩ truyền thông quốc tế về xây dựng hình ảnh Việt Nam mới. Tại sao chị chọn đề tài này? 

Tôi có dịp đi rất nhiều nước, không chỉ trong những chuyến công tác mà cả du lịch, đến những nơi rất xa xôi. Rất nhiều người có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, và nhiều người vẫn hỏi “Việt Nam đã kết thúc chiến tranh chưa”. 

Tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ với những bạn trẻ đến xin thị thực nhập cảnh với câu hỏi bạn biết đến Việt Nam thông qua kênh nào và muốn đến Việt Nam làm gì, đến Việt Nam rồi thì mong chờ điều gì. 

Kết quả cuộc khảo sát rất thú vị, nhiều người nói biết đến Việt Nam qua một chương trình về thực tế trên kênh BBC quốc tế lúc đó vừa được chiếu ở Anh. Nhiều người muốn có trải nghiệm như nhân vật trong chương trình, tức là đi xuyên Việt với nhiều thử thách khác nhau. 

{keywords}

Do đó tôi quyết định sẽ làm luận văn về việc quảng bá, xây dựng hình ảnh Việt Nam mới. Thầy hướng dẫn của tôi là một cựu biên tập viên BBC, rất yêu Việt Nam. Ông chưa một lần đến Việt Nam và yêu Việt Nam qua các bộ phim của Hollywood, ví dụ như "Good morning, Việt Nam". 

Khi về nước, tôi thấy là truyền thông không chỉ lúc nào cũng đưa ra chủ trương, chính sách trong các phóng sự, tài liệu, vì không đến được rộng rãi với công chúng. Việt Nam phải đến với thế giới qua các sản phẩm văn hóa, ngoại giao công chúng. Chúng ta phải đến với thế giới bằng cách khác, ví dụ những sản phẩm văn hóa, phim ảnh, triển lãm ảnh… 

Tôi rất muốn có những sản phẩm điện ảnh của Việt Nam mang tầm cỡ quốc tế, tiếp cận được các đối tượng rộng rãi hơn, nhất là giới trẻ. Chúng ta có rất nhiều tác phẩm văn học đã đến được với thế giới, nhưng vẫn chỉ giới hạn trong những câu chuyện về chiến tranh. Chúng ta cần những sản phẩm về một Việt Nam mới, một Việt Nam hiện đại. 

{keywords} 

Bây giờ là chia sẻ cá nhân, bộn bề công việc như vậy, chị dành thời gian cho cha mẹ thế nào? 

Tôi là con út trong gia đình công chức không ai làm ngoại giao. Cha mẹ tạo mọi điều kiện để tôi được học tập theo đúng khả năng và năng khiếu của mình.

Tôi còn nhớ khi tôi học cấp 1, bố đạp xe gần 20 cây số để chở tôi đi thi học sinh giỏi. Thi vào cấp 3, đại học bao giờ mẹ cũng đưa tôi đi. Kể cả khó khăn, chắt chiu trong cuộc sống nhưng bố mẹ vẫn dành tiền cho tôi đi học những thứ mình mong muốn, không ép uổng hay can thiệp điều mình không muốn. 

Bố mẹ là tấm gương về sống như thế nào là thiện, giúp đỡ mọi người. Đúng là trong công việc tôi rất bận nhưng hàng tuần vẫn về thăm bố mẹ và khi có cơ hội bao giờ cũng đưa bố mẹ đi du lịch. Xung quanh tôi đều nói, ở tuổi này còn đủ cha mẹ là sung sướng, hạnh phúc nhất nên tôi luôn dành thời gian đáp ứng những điều cha mẹ muốn. Năm 2019, tôi tổ chức cho bố mẹ ngày kỷ niệm đám cưới kim cương, các cụ mời bạn bè, họ hàng đến và vui vẻ suốt cả mấy tháng sau đó. 

Tết trong chị là những ký ức, những kỷ niệm nào? 

Tôi nhớ là năm 2012, đón Tết trên chuyến bay về nước, tôi đã viết mẩu chuyện ngắn về Tết. Tết của ngày trước khác bây giờ.  

Rồi ngày Tết khi tôi công tác nước ngoài. Thú vị nhất là cộng đồng người Việt luôn mong chờ Tết để gặp gỡ nhau, chia sẻ khoảnh khắc như đang sống ở quê hương mình.

Tôi nhớ ngày Tết ở Nga hay Anh, sáng sớm dậy đi chợ hoa, cách đại sứ quán 20km chọn đào, hoa về cắm. Có những bà con ở rất xa, nửa ngày trời mới tới sứ quán, nhưng tất cả chỉ mong chờ ngày Tết để đặt chân vào ‘ngôi nhà Việt Nam’ - Đại sứ quán - ngửi mùi pháo, nếm đồ ăn và đặc biệt là được gặp gỡ, chuyện trò với nhau, kể cả các cháu là thế hệ thứ ba, thứ tư. 

Thường thì Tết tôi dành vài ngày cho gia đình, rồi đi chơi xa. Thế nhưng trong tình hình dịch bệnh thế này, tôi nghĩ quan trọng nhất là phải đón Tết an toàn. Tôi đi chợ hoa, trang trí nhà cửa, nấu một vài món ăn, mời bạn bè đến. Sáng mùng 1 thì đưa bố mẹ đi thắp hương nhà thờ họ, thăm bạn bè thân hữu…

Cầu chúc năm mới bình an cho tất cả mọi người, cho cá nhân, gia đình, dân tộc, đất nước và cả thế giới đại đồng. 

Thái An - Phạm Hải

Thiết kế: Phạm Luyện

Nữ Tùy viên sứ quán Mỹ thích nhận lì xì, thăm làng làm nước mắm ngày Tết

Nữ Tùy viên sứ quán Mỹ thích nhận lì xì, thăm làng làm nước mắm ngày Tết

Tôi rất mong chờ giây phút đón Tết tại Việt Nam. Tôi dự kiến đi Phú Quốc thưởng thức nắng và gió biển, muốn đến thăm làng làm nước mắm - Kate Bartlett chia sẻ.