Bài phát âm
Cô Ngọc Hà lưu ý, với các câu hỏi liên quan đến quy tắc phát âm ED và S/ES, học sinh phải thuộc được quy tắc và cực kỳ quan trọng đó là phải xác định được chính xác âm cuối của từ. Xác định âm cuối của từ sai dẫn đến xác định sai cách phát âm ED hoặc S/ES.
Ví dụ: Với từ increased, đuôi ED được phát âm /t/ nhưng trong từ amused thì lại được phát âm /d/.
Hay dù đều có đuôi SE nhưng âm cuối của increase là /s/ còn âm cuối của amuse lại là /z/.
Ngoài ra, cần lưu ý một số tính từ có được viết kết thúc bằng ED như: wicked /id/, naked /id/, crooked /id/,...
Bài tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa
Theo cô Hà, học sinh dễ mất điểm ở phần câu hỏi này vì không đọc kỹ đề bài xem đang yêu cầu tìm từ đồng nghĩa CLOSEST hay trái nghĩa OPPOSITE.
Ví dụ:
Mark the letter A, B, C, or D on your answer sheet to indicate the word(s) OPPOSITE in meaning to the underlined word(s) in each of the following questions:
They all turned up at the meeting, except for the monitor, who was ill.
A. left B. spoke C. came D. talked
Đáp án đúng ở đây là A. left vì là bài tìm từ trái nghĩa. Còn nếu đề bài yêu cầu tìm từ đồng nghĩa thì đáp án lại là C. came.
Ngoài ra, cần lưu ý là phải tìm từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa của từ trong văn cảnh vì một từ tiếng Anh thường có nhiều hơn một nét nghĩa.
Bài câu hỏi giao tiếp
Học sinh cần phải biết cách phản hồi lại một số lời nói mang chức năng cơ bản trong giao tiếp hàng ngày như cảm ơn, xin lỗi, khen, đề xuất, mời, yêu cầu……
Ví dụ để đáp lại “Would you like to go to the cimema with us tonight?” thì có thể đáp lại là Yes, I’d love to nếu đồng ý với lời mời và đề xuất này, chứ không phải là Yes, I would.
Hay để đáp lại “Would you mind closing the window?”, nếu như không cảm thấy phiền và sẵn lòng đóng cửa thì có thể đáp lại là No, not at all. (Không phải là Yes như một số học sinh vẫn nhầm lẫn).
Câu hỏi chọn đại từ quan hệ
Học sinh cần đọc kĩ câu văn, xác định được từ nào đang được bổ nghĩa và theo sau bởi mệnh đề quan hệ và đặc biệt đóng vai trò gì trong mệnh đề quan hệ để có thể xác định được chính xác đại từ quan hệ để điền vào chỗ trống.
Ví dụ học sinh thường nhầm:
Liverpool, ______ is the home of the Beatles, is a beautiful city.
Khi danh từ được theo sau bởi mệnh đề quan hệ là tên các địa danh, học sinh thường hay dùng Where. Tuy nhiên chỉ dùng where khi địa danh đó là địa điểm xảy ra của hành động nêu trong mệnh đề quan hệ, còn phải dùng which khi địa danh đó là chủ ngữ hoặc tân ngữ trong mệnh đề quan hệ. Trong ví dụ trên, không dùng where mà phải dùng which.
Câu hỏi về câu hỏi đuôi
Lý thuyết về câu hỏi đuôi đơn giản nhưng học sinh thường chủ quan, không đọc kĩ câu, thường bỏ qua các từ mang tính phủ định như never, seldom… dẫn đến việc chọn sai đáp án.
Ví dụ: My brother seldom goes to the cimema, does he?
Câu hỏi liên quan đến danh từ đếm được, không đếm được
Học sinh cần nắm vững một số danh từ cơ bản sau đây là không đếm được trong tiếng Anh: weather, information, homework, advice, news…
Câu bị động
Trong câu bị động xuất hiện thành phần by sb và từ chỉ thời gian, học sinh cần lưu ý chọn câu đáp án trong đó thành phần by sb phải được đặt trước từ chỉ thời gian.
Ví dụ: My mother bought this dress yesterday.
Đáp án là: This dress was bought by my mother yesterday.
Không phải là: This dress was bought yesterday by my mother.
Cấu trúc so… that và such… that
Theo cô Ngọc Hà, học sinh cần nắm vững trong 2 câu trúc này, so kết hợp với tính từ và trạng từ còn such kết hợp với danh từ. Tuy nhiên, trong ví dụ dưới đây, học sinh không đọc kỹ đề bài, chỉ chú ý tới tính từ “bad” ở sau chỗ trống và chọn đáp án là so trong khi chỗ trống này cần điền từ such để đứng trước danh từ bad weather.
Ví dụ: It was _____ bad weather that we had to cancel the trip.
>>>Chi tiết lịch thi vào lớp 10 của 63 tỉnh, thành phố
Thanh Hùng (ghi)