Đáp án gợi ý môn tiếng Anh thi lớp 10 Hà Nội năm 2024
Cô Nguyễn Nguyệt Ngư - Giáo viên tiếng Anh, trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), cho rằng, trong giai đoạn này, học sinh cần ôn tập lại phần kiến thức cơ bản từ lớp 6 đến hết lớp 9 theo các chuyên đề từ vựng, ngữ pháp, phát âm hoặc các chuyên đề là những dạng bài trong đề thi như tìm lỗi sai, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, đọc hiểu…
Căn cứ vào những đề thi chính thức của Sở GD-ĐT Hà Nội từ năm 2019 đến nay, nội dung kiến thức chủ yếu môn tiếng Anh có trong đề thi là: Phát âm từ có đuôi -ed hoặc -s; Trọng âm từ có hai âm tiết; Từ vựng xoay quanh những chủ đề đã học từ lớp 6 đến hết lớp 9; Thì và dạng của động từ; Câu bị động; Câu hỏi đuôi; Một số cấu trúc thường gặp: Suggestion, advice, câu gián tiếp; Mệnh đề quan hệ; Sự kết hợp từ (Collocation)...
Cô Nguyễn Bích Thủy - giáo viên tiếng Anh, trường THCS -THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), chỉ ra một thực tế là thí sinh muốn có điểm cao môn tiếng Anh phải có vốn từ vựng tốt, chứ không chỉ ngữ pháp, vốn từ vựng tốt quyết định nhiều đến điểm số.
“Thời điểm này khá gấp nhưng tôi nghĩ vẫn còn kịp nếu thí sinh quyết tâm bổ sung kiến thức từ vựng, bởi câu hỏi về từ vựng trong đề thường nằm trong chương trình lớp 9.
Phải thừa nhận những năm qua, đề thi tiếng Anh không quá khó, không đánh đố mà kiểm tra kiến thức căn bản của học sinh”, cô Thủy nói. Tuy nhiên nếu nhìn vào đề minh họa năm nay của Sở GD-ĐT, mức độ khó đã tăng lên. Điều này là cần thiết vì như vậy sẽ có sự phân loại điểm rõ ràng hơn.
Giáo viên này phân tích, trong đề thi của những năm trước, câu hỏi có tính phân loại thường nằm ở dạng bài đọc hiểu, đây là dạng bài vừa đòi hỏi kiến thức ngữ pháp và từ vựng vừa đòi hỏi phải có kỹ năng.
Cô Thủy chỉ ra những câu hỏi thường hay mất điểm như: Câu hỏi tìm từ trái nghĩa. Ở câu hỏi này, nhiều học sinh làm vội, không cẩn thận làm nhầm thành tìm từ đồng nghĩa vì trong 4 đáp án thường có 1 đáp án là từ đồng nghĩa. Ngoài ra, học sinh dễ mất điểm ở câu hỏi về từ vựng; Câu hỏi ở dạng bài viết. Câu hỏi bài viết dưới dạng trắc nghiệm thường đưa ra 4 đáp án gần giống nhau nếu không chú ý, không đọc kỹ, các em sẽ dễ chọn sai.
Học sinh cũng dễ mất điểm ở dạng câu hỏi ngữ âm do các em không được thực hành ngôn ngữ thường xuyên.
Thời điểm này, nhiều thí sinh cũng “tốc lực” luyện đề, theo cô Thủy, luyện đề là việc cần phải làm trong quá trình ôn thi nhưng phải luyện đúng phương pháp và đề luyện phải có tính chọn lọc, không tràn lan.
Sai lầm là nhiều thí sinh luyện đề theo kiểu số lượng, làm càng nhiều đề càng tốt nhưng lại không có sự đúc kết sau mỗi đề luyện. Cách làm này của thí sinh khiến các em luyện nhiều mà không có hiệu quả, thậm chí, có bạn stress vì luyện nhiều đề quá.
Cũng trao đổi với VietNamNet, cô Dương Thị Thủy - Giáo viên tiếng Anh, trường THCS Mỹ Đình 2 (Hà Nội), cho rằng, đặc thù của môn tiếng Anh đòi hỏi học sinh phải chăm chỉ, thuộc nhiều từ vựng, cấu trúc câu nhỏ, cụm từ nhỏ mới có thể làm bài thi tốt.
Ngoài ra, học sinh cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe tốt. Muốn có được điều ấy cần rèn luyện thói quen ngủ trước 11h và dậy sớm học bài.
“Các em không nên thức quá khuya để học bài khiến tinh thần mệt mỏi, học kém hiệu quả. Thời gian ôn thi, phụ huynh lưu ý cần cho con ăn đủ chất vào buổi sáng, đủ dưỡng chất có thể lực tốt.
Khi thể chất kém dễ suy nhược, vào phòng thi không thoải mái, mệt sẽ dẫn tới tình trạng các em không nhớ gì và mất bình tĩnh".
Cũng theo cô Thủy, làm bài thi tốt, ngoài kiến thức tốt, Khi vào phòng thi điều đầu tiên thí sinh phải có kỹ năng tô đáp án.
"Thực tế có những bạn tô sai mã đề, tô xấu, có những bạn dùng bút chì nhọn hoắt tô mãi không xong. Thí sinh cần lưu ý nên dùng bút chì gọt sẵn đủ độ tô, không hay gãy, bút chì dễ tẩy và nếu tẩy thì tẩy sạch”, cô Thủy cho hay.