Nhân ngày 8/3 năm nay, hãy cùng VietNamNet điểm lại những "bóng hồng" dũng cảm đã từng thay đổi lịch sử du lịch với những chuyến hành trình không phải ai cũng có thể chinh phục.

{keywords}
{keywords}
Jeanne Baret được cho là đã phát hiện ra Bougainivellea, một loài hoa mà bà đặt theo tên của người lãnh đoàn thám hiểm

Trong khoảng thời gian từ năm 1766 đến năm 1769, Jeanne Baret, nhà thực vật học và nhà thám hiểm người Pháp đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đi vòng quanh thế giới trên tàu Étoile, trong đoàn thám hiểm của đô đốc Bougainville.

Vào thời điểm đó, phụ nữ Pháp bị cấm lên tàu của hải quân và bà đã phải cải trang thành nam giới để được tham gia cuộc thám hiểm, với cái tên mới là Jean Baret. Đoàn xuất phát tại Pháp năm 1766. Trong suốt chuyến đi, nhiệm vụ chủ yếu của bà là thu thập các thực vật, đá, vỏ sò và hỗ trợ nhà tự nhiên học Philibert Commerçon.

Jeanne Baret cũng được cho là người đã phát hiện và đặt tên cho loài cây Bougainvillea – một loại cây nho màu tím được đặt theo tên của người lãnh đạo đoàn thám hiểm, Louis Antoine de Bougainville. Bà trở về Pháp năm 1775, sống ở Saint-Aulaye cho đến cuối đời và mất vào năm 1807.

{keywords}
{keywords}
Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh ở London, nơi Isabella Bird là người phụ nữ đầu tiên trở thành thành viên

Sinh năm 1831 tại Anh, Isabella Bird là nhà tự nhiên học, cây viết và nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Bà đã đi rất nhiều nơi trên thế giới và viết sách về những gì mình đã trải qua. Dù phải đối mặt với tình trạng sức khỏe kém, những vùng đất nguy hiểm và cả những kẻ tấn đông, Isabella vẫn kiên trì với những cuộc hành trình cho đến tận lúc về già.

Chuyến đi đầu tiên của Isabella Bird là tới Mỹ vào năm 1854. Sau đó bà đến Australia năm 1872, rồi Hawaii, trở lại Mỹ. Năm 1878, Isabella Bird tới châu Á và khám phá nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore... Khi đã hơn 60 tuổi, bà vẫn tới Ấn Độ, Tây Tạng, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến đi cuối cùng của bà là tới Ma-rốc, sau đó trở về và lâm bệnh mất năm 1904.

Với những đóng góp của mình, Isabella Bird trở thành phụ nữ đầu tiên được phong là thành viên của Hội Địa lý Hoàng gia Anh vào năm 1892.

{keywords}
{keywords}
Bìa cuốn sách do Nellie Bly viết, ghi lại chuyến đi vòng quanh thế giới của mình trong vòng chưa đầy 80 ngày

Lấy cảm hứng từ cuốn sách nổi tiếng Vòng quanh thế giới trong 80 ngày của Jules Verne, Elizabeth Cochrane, hay còn được gọi là Nellie Bly đã thực hiện hành trình vòng quanh thế giới chỉ trong 72 ngày và lập kỷ lục thế giới vào thời điểm đó.

Nellie Bly là một nhà báo nổi tiếng tại Mỹ, đồng thời cũng là người góp phần đặt nền móng cho thể loại báo chí điều tra.

Tháng 11 năm 1889, bà bắt đầu hành trình hơn 40.000km trên con tàu Augusta Victoria. Bà đã đi qua Anh, Pháp, Italia, Ai Cập, Srilanka, Malaysia, Singapore, Nhật Bản... và trở lại Mỹ vào tháng 1 năm 1890.

Cụ thể, hành trình của bà kéo dài 72 ngày, 6 giờ 11 phút và 14 giây và thiết lập kỷ lục thế giới mới thời điểm đó về thời gian đi vòng quanh thế giới nhanh nhất.

{keywords}
{keywords}
Annie Londonderry bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới từ Tòa nhà Tiểu bang Boston Massachusetts

Annie Londonderry sinh ra tại Latvia nhưng di cư tới Mỹ vào năm 1875. Năm 1894, bà xuất phát cùng chiếc xe đạp từ Tòa nhà Tiểu bang Boston Massachusetts, tạm biệt chồng cùng ba đứa con nhỏ.

Sau đó bà lên tàu La Touraine và sang Pháp và đến Trung Đông, Srilanka, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Sau khi quay về Mỹ, cô đã đạp xe qua rất nhiều thành phố từ bờ tây sang bờ đông.

Bà trở về nhà ở Boston vào tháng 9/1895, chỉ 15 tháng sau khi rời đi. Tờ New York World số ra ngày 20/10/1895 đã mô tả chuyến đi của bà là “Hành trình phi thường nhất mà một người phụ nữ từng trải qua”.

Dù có nhiều điều chưa được làm rõ quanh nguyên nhân của chuyến đi này, nhưng đây vẫn là một nguồn cảm hứng lớn của thời đại.

{keywords}
{keywords}
Amelia Earhart vẫy tay từ máy bay của mình vào năm 1932 sau khi trở thành người phụ nữ đầu tiên bay qua Đại Tây Dương một mình

Amelia Earhart sinh năm 1897 ở Kansas, là một nữ phi công và nhà văn người Mỹ. Bà bắt đầu học lái máy bay vào năm 1921. Chưa đầy 8 năm sau, vào tháng 6 năm 1928, bà đã trở thành phụ nữ đầu tiên bay qua Đại Tây Dương. Khi đó chiếc máy bay mang tên "Tình bạn" chỉ mất 21 giờ để bay từ Cảng Trepassey ở Newfoundland, Canada tới bờ bên kia Đại Tây Dương tại Cảng Burry ở Wales.

Không dừng lại ở đó, bà tiếp tục lập kỷ lục là phụ nữ đầu tiên một mình lái máy bay qua Đại Tây Dương vào năm 1932. Sau đó, bà tiếp tục thực hiện các chặng bay qua Thái Bình Dương, từ Mexico City đến New Jersey. Đáng tiếc trong một nỗ lực bay vòng quanh thế giới, bà cùng chiếc máy bay đã mất tích trên biển vào năm 1937.

Với những chuyến hành trình đầy dũng cảm của mình, bà là người phụ nữ đầu tiên được nhận giải thưởng danh giá Distinguished Flying Cross của Mỹ cho việc là nữ phi công đầu tiên bay xuyên Đại Tây Dương.

{keywords}
{keywords}
Sheila MacDonald trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh núi Kilimankaro khi mới 22 tuổi

Năm 1927, khi mới 22 tuổi, Shiela MacDonald đã trở thành người phụ nữ đầu tiên leo lên đỉnh Kilimanjaro. Vào thời điểm đó có rất ít người có thể leo thành công Kilimanjaro, thậm chí người bạn nam giới đồng hành với bà lúc đó đã phải bỏ cuộc.

Kilimanjaro là ngọn núi đứng một mình cao nhất thế giới với độ cao 4.600 m từ chân núi và là đỉnh núi cao nhất châu Phi. Shiela MacDonald đã truyền cảm hứng cho những người khác. Kristina Schou Madson hiện là người phụ nữ leo đến đỉnh Kilimanjaro nhanh nhất, trong 6 giờ 52 phút 54 giây. Năm 2018, Montannah Kenney trở thành người trẻ nhất chinh phục đỉnh Kilimanjaro khi mới 7 tuổi.

{keywords}
{keywords}
La Palma ở quần đảo Canary là nơi Krystyna Chojnowska-Liskiewicz bắt đầu chuyến phiêu lưu vòng quanh thế giới

Vào tháng 3 năm 1978, Krystyna Chojnowska-Liskiewicz bắt đầu hành trình của mình từ quần đảo Canary Islands gần bờ biển Ma-rốc, trên chiếc thuyền buồm do chính chồng bà chế tạo. Sau đó, bà băng qua Đại Tây Dương để tới biển Caribbean, qua kênh đào Panama tới Thái Bình Dương. Vượt qua Australia, Ấn Độ Dương, bà vòng qua Mũi Hảo Vọng để quay trở về điểm xuất phát.

Vượt qua hơn 3.000 hải lý trong 400 ngày, nữ thủy thủ Ba Lan này đã trở thành phụ nữ đầu tiên một mình dùng thuyền buồm đi vòng quanh thế giới.

Chỉ 2 tháng sau đó, nữ thủy thủ Naomi James đã thực hiện lại hành trình của Krystyna Chojnowska-Liskiewicz và nhiều người đã tiếp bước những phụ nữ này. Laura Dekker hiện đang nắm kỷ lục là cô gái trẻ nhất đi một mình vòng quanh thế giới bằng thuyền buồm, khi 16 tuổi.

{keywords}
{keywords}
Jessica Nabongo là người phụ nữ da đen đầu tiên đến thăm mọi quốc gia trên thế giới

Jessica Nabongo là người Mỹ gốc Uganda. Cô đã thành công trong việc trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đặt chân đến tất cả các quốc gia trên thế giới vào tháng 10 năm 2019, sau khi đặt chân tới quốc gia số 196, Seychelles.

Jessica Nabongo có ảnh hưởng lớn trong giới du lịch, tài khoản Instagram của cô hiện đang có 200.000 người theo dõi và rất nhiều người ủng hộ hành trình của cô. Cô chia sẻ mình đi du lịch để mở mang đầu óc, sự quan sát về con người và văn hóa: “Tôi không quá quan tâm đến việc giải trí ồn ào. Tôi chỉ muốn có mặt ở đó, như lưu lại hàng giờ tại một trại gia súc ở Nam Sudan hay ngồi tại một khu chợ ở Malawi chỉ để nhìn những người đàn ông chơi Bao (một loại trò chơi phổ biến tại Đông Phi)”.

{keywords}
{keywords}
Bertha Benz đã thực hiện chuyến đi đường dài đầu tiên bằng ô tô từ Baden-Württemberg, Đức

Bertha Benz sinh ngày 9/5/1849 tại Pforzheim (Đức) trong một gia đình giàu có. Bà là vợ và cộng sự của Karl Benz – người phát minh ra chiếc ôtô thực thụ đầu tiên và đồng sáng lập nên hãng xe Mercedes-Benz.

Năm 1886, ông Benz giới thiệu Patent-Motorwagen – chiếc ôtô đầu tiên trên thế giới, với 3 model. Trong đó, model thứ ba (Patent-Motorwagen No.3) là mẫu xe được sản xuất với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, Bertha Benz lại nhận thấy rõ tiềm năng của phát kiến này. Vì vậy, sáng ngày 5/8/1888, bà để lại lời nhắn ngắn gọn cho chồng trên bàn bếp rằng mình về thăm nhà ngoại, rồi cùng hai người con trai Eugen và Richard lặng lẽ khởi hành.

Gia đình Benz sống tại Mannheim còn đích đến của ba mẹ con nằm ở Pforzheim, cách đó khoảng 90 km. Hành trình này cũng chính là chuyến đi xa đầu tiên được thực hiện bằng ôtô.

Giờ đây, du khách có thể thực hiện chuyến đi tương tự bắt đầu từ bang Baden-Württemberg của Đức bằng cách đi theo Tuyến đường Tưởng niệm Bertha Benz.