{keywords}

- Sau những ngày giãn cách xã hội, anh đã dần trở lại với công việc của mình?

Tính đến thời điểm trò chuyện cùng bạn, tôi đã thất nghiệp hơn 200 ngày. Thu nhập bằng 0, tôi phải lấy tiền tích lũy ra để chi trả tiền sinh hoạt và các khoản thuế, phí. Đây là cái khó chung của những người làm công tác nghệ thuật. Khi mọi ngành nghề dần được hoạt động, chúng tôi vẫn đang thấp thỏm chờ đợi ngày mở cửa.

Thú thật đến giờ phút này tôi cũng không có nhiều suy nghĩ tích cực cho mình. Mọi người dần quen với cụm từ "bình thường mới" còn tôi vẫn chưa, làm sao có thể bình thường được khi xã hội vẫn tổn thương và đau nhiều sau một cơn bạo bệnh.

Tôi cũng đang phải tập thích nghi để tiếp bước theo dòng chảy của xã hội. Chúng ta vẫn phải tiếp tục sống, làm việc, hoàn thành sứ mệnh của mình với cuộc đời. Tôi đang chờ đợi ngày thành phố này và cả nước đứng dậy, bước tiếp dù rằng những ký ức đau thương vẫn còn đó.

{keywords}

- Tuổi 60, nhiều đồng nghiệp suy nghĩ “gác kiếm”, lui về phía sau còn Thành Lộc vẫn miệt mài, đầy cảm hứng trên sàn diễn. Những hoài bão nào anh còn ấp ủ lúc này?

Thời gian ở nhà quá lâu khiến tôi bị ù lì. Tôi nghĩ liệu khi sân khấu được cho phép trở lại hoạt động mình còn đủ sức khỏe, năng lượng hay không? Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều trong khi lửa nghề vẫn luôn cháy bỏng. Tôi chỉ cảm thấy tiếc vì chưa thực hiện được nhiều điều như mong mỏi. Những ấp ủ về một sân khấu tiện nghi hơn, để các nghệ sĩ được thỏa sức vẫy vùng vẫn luôn hiện hữu trong tôi.

Tôi từng được tận mắt chiêm ngưỡng những sân khấu hiện đại tại những quốc gia tân tiến, lý tưởng. Tôi “thèm” những điều đó một ngày cũng được diễn ra chính sân khấu quê hương mình. Còn gì tuyệt vời hơn khi cả khán giả và nghệ sĩ có chung một mối giao cảm nghệ thuật để cùng thăng hoa. Dù sao ước mơ vẫn cứ luôn ở đó, thôi thúc tôi nỗ lực mỗi ngày.

{keywords}

Sân khấu kịch nói vừa kỷ niệm 100 năm cũng là dịp các nghệ sĩ trăn trở về câu chuyện giữ “lửa”. Theo anh, sứ mệnh của nghệ thuật trình diễn nói chung và sân khấu kịch nói riêng trong xã hội hiện nay là gì?

Quan điểm của tôi là sân khấu dù có chính thống thế nào vẫn cần phải hợp với thời đại, suy nghĩ của thế hệ khán giả mới giống như thời trang vậy. Nghệ thuật vẫn luôn gắn liền chức năng giải trí. Nhưng khi xã hội phát triển, nghệ thuật càng phải tự nâng cao vai trò, trong đó chức năng định hướng thẩm mỹ, giáo dục và song hành với sự phát triển của xã hội.

Do đó, người làm nghề cần phải biết soi lại mình, trăn trở để định hướng số đông đến những giá trị của “chân-thiện-mỹ”. Ngoài những tiết mục giải trí, chúng ta cần phải thực hiện những tác phẩm có tính nghệ thuật cao. Dẫu biết có thể không mang lại lợi nhuận cao, tuổi thọ vở kịch không dài nhưng vẫn phải làm, cũng là nhằm thỏa mãn khát khao nghệ thuật của chính chúng tôi.

Người nghệ sĩ gánh trên vai trách nhiệm làm đẹp xã hội, không chỉ đơn thuần mua vui vô bổ. Chúng tôi mừng khi Tiên Nga – một vở chính kịch từng được mọi người đón nhận. Trong những suất diễn, nhìn xuống khán phòng thấy nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên theo dõi, cùng khóc cười theo từng câu thoại… Tôi coi đó là sự thành công của chính mình cùng những đồng nghiệp – cũng là niềm tự hào lớn lao khi đã “kéo” được khán giả về những giá trị nghệ thuật cốt lõi.

- Mọi người thường dùng cụm từ “giải cứu” khi nói về lĩnh vực sân khấu hiện nay. Theo anh, có cần thiết không?

Tôi nghĩ chính những người làm nghề cần giải bài toán đó chứ không phải ai khác. Một trong những cái dở của người làm nghệ thuật chúng tôi là hay đổ thừa. Nào là không có tiền, thiếu thốn nhân lực,... Đó là sự biện minh cho sự yếu kém của mình. Rất nhiều lần khi được hỏi ý kiến, tôi nói thẳng rằng ai làm được cứ làm. Kể cả dở cũng được, miễn có làm mới biết sức mình tới đâu. Khó ở đâu phải từng bước tháo gỡ ở đó. Mà điều này lại phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi cá nhân.

{keywords}

Ông bà xưa thường nói: “Muốn người ta trọng bạn, trước tiên hãy trọng mình trước”. Hãy cứ làm sản phẩm tử tế trước đã. Khi bạn đủ sạch – đẹp, người ta sẽ tự tìm tới. Thời đại bây giờ khán giả có quyền chọn lựa món giải trí cho mình trong thị trường vô vàn. Bạn làm một sản phẩm nhảm, lại yêu cầu công chúng bỏ tiền mua vé đến xem, đây là điều rất vô lý!

- Nếu ví Thành Lộc như một người “gác đền” cần mẫn hằng đêm ở sân khấu. Anh bảo vệ, chiến đấu một cách đơn độc, đầy trăn trở… liệu có đúng?

Tôi phải thừa nhận lương ở sân khấu hiện nay thấp so với thu nhập khi đi quay show, truyền hình thực tế. Nghệ sĩ trên sân khấu gào thét, khóc cười, làm đủ trò suốt 2-3 tiếng đồng hồ với lượng khán giả nhiều nhất là vài trăm người. Trong khi ta chỉ cần xuất hiện vài phút trên sóng giờ vàng là dễ dàng tiếp cận triệu người. Thời đại của internet, cái gì tiện hơn, nhiều tiền hơn và dễ đạt triệu view hơn tất nhiên người ta sẽ ưu tiên.

Ngay chính tôi cũng đôi lần bị hụt hẫng và tủi thân. Khi tôi đề cập dựng một vở mới, câu đầu tiên ban giám đốc hỏi: “Nhắm bán vé được không?”. Tôi từ một người đang bay bổng trong giấc mơ như bị dội gáo nước lạnh tỉnh lại. Một người cộng sự, gắn bó bao nhiêu năm đến độ quá hiểu nhau mà còn nói như thế thì sự khắt khe của thị trường là điều hiển nhiên, buồn chứ!

Nhưng nếu vì tổn thương, tự ái mà không làm thì ai làm? Tôi phải nói thật với bạn những người nghệ sĩ như chúng tôi phải can đảm và “dày mặt” lắm mới bám trụ với sân khấu được. Chúng tôi cố làm để chứng minh cho những người khiến mình tổn thương thấy rõ sự kiên trì ấy là đúng. Điều may mắn bên cạnh chúng tôi còn nhiều đồng nghiệp yêu nghề. Họ sống có trách nhiệm và sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để sàn diễn luôn được sáng đèn.

{keywords}

- Thành Lộc không lên gameshow dù rất nhiều đơn vị khao khát có được anh trong chương trình của họ. Đó đơn thuần là do tính cách hay cũng lại là một sự lựa chọn sống của riêng anh?

Gameshow là phương tiện hữu hiệu để pr tên tuổi nghệ sĩ. Nhưng nó vẫn là một trò chơi, đồng thời cũng là nơi để những người tham gia dễ thể hiện cá tính của mình. Suy cho cùng, nghệ sĩ cũng là con người bình thường, có những điều rất đáng yêu và cũng có vài thứ không đẹp cần cất đi. Việc tham gia nhiều chương trình và phô diễn hết con người thật trên đó theo tôi là không cần thiết.

Trong nghệ thuật, giữa nghệ sĩ và khán giả nên có một khoảng cách nhất định. Chính khoảng cách ấy giúp chúng tôi có đủ điều kiện để tạo nên sự lung linh, ma mị cho vai diễn để thuyết phục người xem.

Trường hợp của tôi không thường xuyên đứng trong những gameshow. Nhưng tôi có sân khấu của mình để được thăng hoa, hát thật, diễn thật và tràng vỗ tay thật, vậy là tôi hạnh phúc quá rồi. 

- Sự lặng lẽ, kín tiếng cũng được hiểu là cách anh tự bảo vệ hình ảnh của mình trước thị trường hỗn tạp. Nhưng hỏi thật, đã bao giờ anh buông xuôi, từ bỏ với những lựa chọn của mình?

Có một đồng nghiệp nổi tiếng khuyên tôi rằng: “Anh Lộc hiền quá, cờ trong tay phải phất chứ”. Tôi cũng công nhận mình hiền thật, nhưng tôi nghĩ bất cứ điều gì cũng có giá của nó. Những thứ đến nhanh cũng đi rất vội vã thôi.

Tôi tôn trọng quyết định của mỗi đồng nghiệp, càng không bài xích hay chê bai họ. Nhưng ngược lại, tôi cũng có quyền bảo vệ quan điểm cá nhân. Tôi muốn chinh phục công chúng bằng chính sự lao động nghệ thuật của mình. Điều này được thể hiện qua tác phẩm, những giọt mồ hôi và cả cái đau đớn vì chấn thương trên sàn diễn.

Vậy cuối cùng ai mới là người mạnh mẽ? Chắc chắn không phải Thành Lộc, bởi tôi sợ bị tổn thương tinh thần. Khi tuổi ngày càng cao, tôi cũng phải dành tâm sức cho nơi nào mua được hạnh phúc nhiều nhất. Và sân khấu là nơi cho tôi những điều đó giữa rất nhiều lựa chọn.

{keywords}

- Giữa những ngày showbiz Việt bỗng trở nên ồn ào với rất nhiều cuộc 'bóc phốt" trong đó có người lên tiếng, người chọn im lặng. Với Thành Lộc, câu chuyện này cho anh những suy ngẫm gì?

Đôi khi chúng tôi thấy nghệ sĩ mình bị bất công và ngược đãi đó chứ. Vì lẽ môi trường nghệ thuật luôn khiến người nghệ sĩ đứng trong vòng tròn của hào quang nên dễ không an toàn. Còn những ngành nghề khác ít được chú ý hơn và nhờ như vậy an toàn chăng?

Tuy nhiên, bất cứ ngành nghề nào cũng có người xấu kẻ tốt. Những chuyện ăn hối lộ, tham nhũng, lang băm,… vẫn xảy ra thường ngày đó thôi. Chỉ khác vì những người gây ra việc đó chưa bao giờ được xếp đại diện cho nhóm ngành nghề của họ. Chúng ta cần phải trung thực và sòng phẳng với nhau.

Với nghệ sĩ, chỉ cần một người làm sai thôi mang tiếng cả tập thể. Tôi vẫn thấy còn đâu đó hình ảnh, tấm gương tốt của những bạn đồng nghiệp tử tế. Người nào làm sai ta phê phán, không nên lên án cả nghề nghiệp của họ.

- Khi con người mỗi ngày đang bị cuốn vào mạng xã hội, truyền thông, một hình ảnh, đoạn clip hay thậm chí một câu nói vô thưởng vô phạt giờ đây cũng có thể giết chết sự nghiệp một người nghệ sĩ. Anh nhìn nhận điều này thế nào?

Chúng ta đang sống ở một thời đại mà mọi thứ diễn ra quá nhanh, thích công kích, định hướng theo đám đông. Một câu chuyện dài khi bị cắt cúp, đưa vào một ngữ cảnh khác và dán lên một cái tít sốc sẽ là miếng mồi ngon để gây tranh cãi. Chứng kiến những điều ấy khiến tôi nản lòng và co mình lại. Việc tôi chọn sống tách biệt khỏi truyền thông, mạng xã hội cũng là lý do để tự bảo vệ mình. Nghệ sĩ làm nghề được là nhờ khán giả nhưng họ cũng có những không gian riêng cần được tôn trọng.

Ở các nước phương Tây, công chúng quan tâm nhiều đến những sự lan tỏa tích cực từ tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ, thay vì đời tư. Miễn sao họ không phạm pháp là được. Tôi cho đó là một điều rất văn minh ta nên học hỏi. Trên hết, chúng ta không cần phải nhân danh bất cứ ai tự đưa ra quyền phán xét.

{keywords}

- Tuổi này, Thành Lộc vẫn miệt mài trên sàn diễn, liệu có quá sức với anh?

May mắn sức khỏe tôi vẫn tốt, tinh thần mình lạc quan, còn “máu nghề” lắm. Nhưng tuổi này không ai dám ỷ lại. Di chứng từ những vụ tai nạn nghề hay một vài trận ốm dù nhỏ cũng khiến tôi lo nghĩ. Bởi vậy tôi vẫn tự nhắc nhở mình chú ý đến bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc tốt cho bản thân để được sống lâu với nghệ thuật.

{keywords}

Lúc này, hạnh phúc của tôi đơn giản là được tiếp tục đắm mình trong ánh đèn sân khẩu. Tôi chưa có ý nghĩ sẽ giải nghệ vì biết khán giả còn thương quý mình lắm. Nhưng nghề nào cũng phải đi theo quy luật tre già măng mọc. Hào quang đến với tôi và đến một lúc hào quang bỏ đi tôi vẫn bình thản, xem như đã hoàn thành sứ mệnh người nghệ sĩ.

- Sau ánh hào quang sân khấu, anh trở về nhà với cuộc sống không vợ con, người thân. Khi ấy, anh đối thoại với chính mình ra sao?

Tôi vẫn đang tận hưởng nó mỗi ngày đấy thôi. Tôi đã tập cho mình tâm thế sống an nhiên từ nhiều năm nay. Hồi còn nhỏ, tôi nhìn bố mình 40 tuổi và nghĩ rằng "vậy là già lắm rồi, thôi 40 tuổi mình qua đời được rồi". Nhưng rồi tới mốc 50 và bây giờ tuổi 60, tôi thấy mình chưa già. Tôi vẫn yêu đời, yêu người, vẫn còn nhảy tung tăng trên sân khấu vài tiếng đồng hồ được thì đâu có lý do gì để chấm dứt cuộc đời sớm như thế.

Tôi khao khát được sống, được đi trải nghiệm nhiều nơi hay ước mong được đặt chân lên chuyến tàu điện ngầm của thành phố mình vào ngày khánh thành. Những ước mơ nhỏ nhoi thế thôi nhưng luôn thôi thúc tôi tiến về phía trước.

Cuộc sống không có gì là hoàn hảo cả. Tôi hay bạn cũng không phải là Thánh nhân để tự tin nói mình sống đẹp tuyệt đối. Tôi là người sống duy tâm nên bất cứ chuyện gì xảy đến đều nghĩ đó là sự sắp đặt của Thượng đế. Những chuyện dù vui hay buồn, những được mất, hơn thua… Tôi biết ơn và đón nhận nó như một phần của đời mình. Tôi mừng vì xung quanh còn có những người bạn tốt, cùng chí hướng và chân tình. Như vậy là trọn vẹn rồi.

{keywords}

- Anh từng chia sẻ về tuổi 30, 40 hay nghĩ đến tình yêu, nhà lầu, xe hơi… Còn lúc này giá trị sống của Thành Lộc là gì?

Tôi chọn sống an nhiên. Ngay thời điểm khủng hoảng nhất dịch bệnh tôi vẫn tự nhủ phải giữ bằng được tâm thế này. Thay vì bận lòng những cuộc đấu tố trên mạng, tôi thích nhìn ngắm những hình ảnh của các bạn tình nguyện viên, lực lượng tuyến đầu và các y bác sĩ. Không ít trong số đó là những đồng nghiệp trẻ tôi quen biết. Nhìn sự lạc quan, cách họ làm việc và nở nụ cười ngay cả khi mặc những bộ đồ bảo hộ nóng bức, tôi thấy mình được truyền nhiều cảm hứng. Cuộc sống này chúng ta thọ ơn lẫn nhau có ý thức và đôi khi lại ban ơn cho nhau một cách “hạ ý thức”. Và tôi lại là người thích nhận ơn của người khác theo kiểu như vậy.

Một món quà là gói rau, bao gạo hay một hình ảnh đẹp tình cờ được thấy trên mạng cũng đủ khiến tôi ấm lòng. Cuộc sống sẽ đẹp biết bao nếu chúng ta biết truyền năng lượng cho người khác và trái lại cũng nhận lại những năng lượng thiện lành. Tôi gọi đó là sự cho và nhận giá trị sống giữa một cuộc đời đầy biến động. Hay nói đúng hơn tôi đang “detox” cho chính mình, biết dung nạp những gì, thải ra những gì và giữ lại những điều thuộc về bản ngã.

Thành Lộc diễn 'Cậu Đồng':

Tuấn Chiêu

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Huệ Nguyễn

NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc trăn trở về sân khấu kịch 100 năm

NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc trăn trở về sân khấu kịch 100 năm

Tọa đàm “Chào mừng kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam” có sự góp mặt của NSND Trần Minh Ngọc, Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, Thành Hội, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi... cùng nhiều nghệ sĩ khác.