Trung tuần tháng 6, trong căn nhà nhỏ ở đường Lê Tự Tài, phường 4, quận Phú Nhuận, TP.HCM, dì Mười đã dành thời gian để kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình, về quãng thời gian 25 năm đi tìm và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, những người đồng chí, đồng đội …
Dì Mười nói: “Năm 1945, tôi tham gia cách mạng tại địa phương với danh nghĩa là công an tỉnh Phú Yên và tỉnh đội Phú Yên.
Năm 1949, tôi được kết nạp Đảng. Tại đây, tôi được thấm nhuần lời dạy: ‘Người đảng viên phải trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng’. Từ lời dạy đó cùng với trách nhiệm của mình, tôi đã áp dụng và góp một phần công sức của mình cho cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc”.
Tháng 8/1966, bà Mười bị bắt. Nhớ về quãng thời gian này, bà Mười vẫn rưng rưng: “Năm 1966, khi đang hoạt động bí mật trong Đội biệt động Sài Gòn, tôi bị địch bắt tại bốt Ngô Quyền sau đó chuyển về Tổng nha Cảnh sát. Tại đây, tôi bị tra tấn, đánh đập dã man. Mỗi ngày, tôi chỉ được ăn một chén cơm, rồi bị nhốt lại. Chiều tối mới được mở cửa đi vệ sinh...”.
Tuy nhiên, cũng trong thời gian bị tra tấn tù đày này, bà phát hiện mình có thai: “Khi bị bắt, tôi mới có thai được hai tháng nên không hề biết. Sau khi biết mình mang thai, tôi được một vài cảnh sát gác tù giúp đỡ. Họ bỏ những thức ăn thừa vào trong một chiếc lon rồi đặt trong thùng đựng giấy ở nhà vệ sinh để tôi có thể lấy và ăn. Nhờ đó tôi mới có thể dưỡng được cái thai ”- bà Mười nói. Sau đó, bà được chuyển về trại giam dành cho nữ tù ở Thủ Đức. Ở đây, bà sinh con. Năm 1968, sau khi được thả ra, bà mới mang con về nhà.
Tiếp tục hoạt động cách mạng, bà lại bị bắt và đưa đi Côn Đảo giam cầm, tra tấn. Ngày 10/5/1975, bà cùng nhiều đồng đội từ Côn Đảo trở về. Đứng trên mũi tàu không số nhìn về đất liền, bà và đồng đội rơi nước mắt...
Sau khi trở về, bà được phân công làm việc tại quận Phú Nhuận. Năm 1989, bà Mười nghỉ hưu. Lúc này, thay vì nghỉ ngơi bên con cháu, bà lại bắt đầu một hành trình mới.
Đó là hành trình bà đi tìm những mảnh đời bất hạnh, mồ côi, những người nghèo khó để cứu giúp. Đặc biệt hơn, năm 1999 chứng kiến cảnh người dân miền Trung chìm trong bão lụt, bà đã quyết định bán căn nhà của mình.
Bà Mười kể: “Năm đó, cả miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Định) chìm trong biển nước, khốc liệt nhất là Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Nhìn những người dân trong cảnh lầm than, tôi đau lòng nhưng không có cách nào chia sẻ hết. Tôi đã dùng tất cả số tiền tiết kiệm để mua gạo cho đồng bào, nhưng thấy như vậy chưa đủ, mẹ con tôi mới bàn bạc rồi bán căn nhà của mình.
Đây là căn nhà do nhà nước cấp cho tôi. Nhưng vào thời điểm này, mình sống trong nhà cao cửa rộng, trong khi đồng bào mình khổ sở như vậy thì xót xa vô cùng.
Khi làm thủ tục bán nhà, nhiều người không khỏi sửng sốt. Họ đặt câu hỏi rằng động cơ nào mà tôi làm vậy, rằng có nhiều thì đóng góp nhiều, có ít thì mình đóng góp ít chứ giờ bán nhà thì ở đâu.
Nhưng tôi nói: Bây giờ mình ở nhà cao cửa rộng mà đồng bào mình như thế thì tôi không yên tâm, nên tôi bán đi để lấy tiền giúp đồng bào. Tôi sẽ mua lại được căn nhà, tuy nhỏ nhưng cũng đủ để sống".
Theo như lời bà Mười, căn nhà bà bán lúc đó nằm ở mặt phố, có chiều ngang 6,5m, chiều dài 22m. Bà bán với giá 146 cây vàng nhưng phải chịu cho phía môi giới 6 cây, còn lại 140 cây. Sau khi bán nhà, bà mua lại căn nhà trong hẻm Lê Tự Tài, phường 4, quận Phú Nhuận với giá 105 cây.
Bà kể lại, sau khi mua căn nhà nhỏ, còn lại 35 cây vàng, bà đã mua 14 tấn gạo cùng nhiều quà tặng để hỗ trợ, chia sẻ với đồng bào miền Trung.
“Lúc đầu tôi mua 10 tấn gạo, chia Quảng Nam 3 tấn, Quảng Ngãi 3 tấn, Thừa Thiên Huế nặng hơn nên tôi gửi 4 tấn. Nhưng sau đó, nhiều người thắc mắc, sao Phú Yên- quê nhà của tôi mà không có hạt gạo nào? Tôi nói, Phú Yên và Bình Định bị nhẹ nên sẽ có ít hơn. Thế rồi tôi mua thêm 4 tấn nữa” - bà Mười kể.
Từ đó đến nay, bà sống cùng gia đình con gái trong căn nhà bà mua ngày nào và vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi tìm những trường hợp khó khăn, những thân nhân đồng đội … để giúp đỡ.
Giúp đỡ người là thế, nhưng trong cuộc sống của mình, bà lại rất tằn tiện. Buổi trưa, bà chỉ ăn qua quýt một chút gì đó, sau đó buổi chiều mới ăn cơm.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn ghi lại hình ảnh bữa ăn của bà, bà quyết liệt từ chối. Bà nói những việc làm của mình, bà không muốn nhiều người biết để rồi sau đó nhận khen thưởng. Đối với đời sống riêng tư, bà cũng không muốn để lộ sự kham khổ của mình…
Chị Bùi Thị Xuân Hạnh (SN 1967), con gái đang sống cùng bà, chia sẻ: “Cuộc sống hằng ngày, mẹ tôi rất tiết kiệm, chắt bóp. Lương hưu trí và tiền thương binh được bao nhiêu mẹ tôi để dành cho công việc từ thiện và công tác xã hội”.
“Suốt 25 năm qua, mẹ tôi làm từ thiện, nhận được nhiều cuộc điện thoại, thư cảm ơn của bà con. Thấy mẹ vui nên chúng tôi ủng hộ lắm”- chị Hạnh tự hào nói.