{keywords}

Trong suốt hơn 3 tháng căng mình chống dịch kể từ khi thực hiện chỉ thị 16 vào ngày 24/7, Hà Nội đã có thiệt hại về người; nhiều phường, nhiều khu dân cư bị phong tỏa; hàng nghìn người dân được đưa đi cách ly tập trung. Hậu quả của phong tỏa lên hoạt động kinh tế và dân sinh là rõ ràng.

Song, với chiến lược  "5K + vắc xin + thuốc + công nghệ" và nhiều giải pháp y tế, xã hội khác, cho đến nay Hà Nội đã chống dịch khá thành công với số ca nhiễm và thời gian phong tỏa thấp hơn so với các thủ đô lớn trong ASEAN và thực hiện tốt yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Hà Nội phải ưu tiên số 1 cho phòng chống dịch an toàn, hiệu quả”.

Phía sau bức tranh đó là công sức của rất nhiều người, trong số đó đặc biệt phải kể tới Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà. Nhận nhiệm sở vào đầu tháng 2, bà Hà làm việc gần như không có thời gian nghỉ. 

{keywords}

Là lãnh đạo ngành y ở Thủ đô, bà nhìn nhận thế nào về sự vất vả của cán bộ ngành y trong phòng chống dịch bệnh suốt thời gian dài vừa qua?

Bất kỳ ai trong ngành y hay ngành nghề khác trên tuyến đầu chống dịch đều cố gắng, tận tâm phục vụ vì mọi người cần chúng tôi. Mỗi một cán bộ trong 27.000 cán bộ ngành y của Hà Nội đã rất vất vả, căng mình để phục vụ cho 10 triệu dân. 

Song, trong tất cả, những cán bộ y tế nữ vất vả nhiều hơn so với đồng nghiệp nam về rất nhiều khía cạnh. Có những cán bộ y tế nữ đi vào khu phong tỏa làm việc, khi đi ra phải cách ly 14 ngày. Có những y tá gần như 3 tháng không về nhà, không gặp chồng, con và người thân. Đó là sự hi sinh to lớn của họ.

{keywords}

Có những bệnh nhân nữ tâm thần bị lây virus, họ không uống thuốc, không đeo khẩu trang và chạy khắp nơi trong bệnh viện. Các bác sỹ, y tá nữ điều trị cho bệnh nhân đó phải chạy theo rất vất vả, rất cảm động. Mà những câu chuyện như thế là muôn hình vạn trạng, không thể kể hết được và nhân viên y tế chúng tôi đã phải làm việc quá sức suốt 2 năm trời rồi.

Làm sao ngành y Hà Nội có thể thực hiện việc tiêm chủng kỷ lục và truy vết, khoanh vùng thần tốc đến vậy?

Có nhiều lúc lực lượng y tế kiệt sức nhưng chúng tôi không gục ngã, chẳng hạn, thời điểm hàng loạt quận huyện như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa… bùng phát các ổ dịch.

Chúng tôi phải huy động khẩn cấp lực lượng y tế từ các huyện Ba Vì, Mỹ Đức vào điều tra, truy vết. Việc điều tiết phải rất nhanh, khoa học vì nếu chậm chỉ một vài ngày là rủi ro bùng dịch là rất lớn, làm hệ thống y tế quá tải.

Nếu chúng tôi buông chỉ 1 ca thì coi như ca đó có thể phát triển thành ổ dịch lớn. Vì thế, chúng tôi phải truy được toàn bộ các ca đó, không để mất vết bất kỳ trường hợp nào. Nếu không, một bệnh nhân có thể làm lây lan cho bao nhiêu người khác vì chu kì lây bệnh giờ chỉ còn 3 ngày.

Nói thật, ngành y tế chúng tôi truy vết bằng người, nhiều nhân viên rất tận tâm nhưng kiệt sức cả rồi.

{keywords}

Chiến dịch tiêm chủng cũng vậy. Hơn 18 ngàn cán bộ y tế ở 3.000 dây chuyền tiêm làm việc suốt ngày đêm, có những nơi làm đến 2-3h sáng. Có ngày chúng tôi tiêm gần 800.000 liều vắc xin.

Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải tiếp tục xét nghiệm, vừa khoanh vùng, điều tra dịch tễ và dập bằng được các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Chưa bao giờ ngành y chúng tôi hoàn thành khối lượng công việc lớn đến vậy. Rất may là có nhiều lực lượng khác hỗ trợ rất nhiệt tình. 

{keywords}

Với cá nhân bà, thời điểm nào là đáng lo ngại nhất?

Tôi vẫn nhớ như in ngày 15/7. Hôm đó, ban ngày xuất hiện một ổ dịch rất lớn ở phố Phạm Sư Mạnh, cả một toà nhà lây nhiễm, các tầng đều có những ca không phát hiện được nguồn lây. Tôi cảm thấy rất lo lắng, nhất là lúc đó dịch đã bùng phát ở TP.HCM với các ca nhiễm lên đến 5.000-10.000 mỗi ngày.

Đêm hôm đó, tầm 3h, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại từ TP.HCM mà không biết người gọi là ai. Họ khẩn thiết nói, tôi biết chị là Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhờ chị có mối quan hệ nào với TP.HCM để cứu con tôi với, bây giờ cháu bệnh nặng rồi mà không có chỗ nào tiếp nhận.

Sáng ra, tôi gọi cho Sở Y tế trong đó rồi cuối cùng cũng lo được chỗ cho người ta. Còn rất nhiều chuyện thương tâm khác nữa mà người dân cứ gọi điện và gửi hình ảnh cho tôi từ khu cách ly, từ bệnh viện. Bản thân tôi là người cứng cỏi nhưng thời điểm đó tôi bị sốc tâm lý.

Vào giai đoạn cao điểm, 2-3 giờ sáng đêm nào tôi cũng có điện thoại, làm việc suốt ngày, suốt đêm thế mà chưa kịp chợp mắt đã lại có điện thoại mà không dám buông. Tất cả đều vì công việc chung thôi.

{keywords}

Trong hơn 3-4 tháng chống dịch, hẳn bà đối mặt với nhiều trường hợp vui, buồn? 

Nhiều trường hợp lắm, tôi không nghĩ nên kể ra. Nhưng xin nhắc tới một bệnh nhân điều trị ở bệnh viện Thanh Nhàn. Ông ấy đã bị bệnh đến mức gần như không biết gì, gần như bất tỉnh, suy hô hấp, suy đa tạng, phải chạy Ecmo, lọc máu trong 12 ngày liên tục. Vậy mà chúng tôi cứu được ông ấy.

Lúc mở mắt, ông ấy rất cảm động vì nhìn thấy toàn cán bộ y tế xung quanh mình. Khi ông ấy ra viện, tôi đến thăm, ông cảm ơn ngành y mãi nhưng bảo tôi đứng xa ông ra vì sợ tôi bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến chống dịch của thành phố.

Hay có những trường hợp cả nhà đi cách ly, họ rất bức xúc nhắn tin mắng tôi, bảo ngành y tế nghiệt ngã quá, con tôi có 18 tháng mà phải đi cách ly. Nhưng vấn đề là để cháu bé ở nhà cũng có ai chăm sóc đâu. Họ đề nghị đưa bác giúp việc vào chăm…

Những câu chuyện như vậy làm chúng tôi suy nghĩ lắm. Chúng tôi phải cố gắng tổ chức, vận hành sao cho các khu cách ly có điều kiện tốt, tránh lây nhiễm chéo, tránh tình trạng kéo dài cách ly. 

{keywords}

 

Vì sao Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác cứ tập trung mãi vào truy vết, khoanh vùng, cách ly,… như vậy?

Đó là câu hỏi nhiều người rất băn khoăn. Vì sao chúng tôi cứ tập trung vào khâu dự phòng như thế nhưng chúng tôi có lý do cả đấy.

Từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi tổng kết công thức là có 1 F0 thì có 35 F1 và 65 F2. Tất cả đều được truy vết bằng hết. Nếu chỉ để lỡ một vài trường hợp thì nguy cơ bùng dịch ở Thủ đô là lớn. Rất may là người dân rất hợp tác với chúng tôi.

Trong bối cảnh hệ thống điều trị ở TP.HCM đã quá tải, tôi thực sự lo lắng cho hệ thống điều trị ở Hà Nội vì số giường bệnh chỉ là 27,5/10.000 dân. Trong trường hợp dịch bùng phát, nếu 1 vạn dân ốm phải có 1 vạn giường bệnh, nghĩa là hệ thống điều trị của Hà Nội không thể kham nổi. Nếu không làm tốt ở khâu dự phòng, chuyện gì sẽ xảy ra?

{keywords}

Nếu Hà Nội ghi nhận 5.000, thậm chí 10.000 ca thì không có hệ thống y tế nào đáp ứng được, điều trị được cho tất cả bởi vì dịch quá lớn, quá dồn dập.

Vì thế, chúng tôi không có cách nào khác ngoài áp dụng những biện pháp điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch thật tốt, bên cạnh các biện pháp phòng dịch khác. Chúng tôi phải đẩy thật mạnh anh em cán bộ ở tuyến y tế cơ sở và đặt hệ thống điều tra truy vết lên trước như một bức tường ngăn cản dịch bệnh phát triển để cầm cự cho đến khi có đủ vắc xin.

Khi chúng tôi phát hiện sớm các ca F0, F1 thì khả năng lây lan ít hơn. Công tác truy vết phải làm thần tốc suốt ngày đêm, truy vết đến đâu xét nghiệm đến đó. Rất may là người dân rất có ý thức phòng dịch bệnh và hợp tác tốt với nhân viên y tế, rất ít trường hợp chống đối xảy ra. Tôi xin cảm ơn họ vì điều đó.

Vấn đề là nhiều ý kiến cho rằng, nguồn lực đã được dành quá nhiều cho truy vết, cho khâu phòng bệnh mà lẽ ra phải dành cho khâu điều trị với máy móc, oxy…?

Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn chỉ đạo, phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh là then chốt. Bệnh Covid này không phải không chữa được, hay không điều trị được, nhưng vấn đề là nếu để dịch bệnh thành sóng trào, thành sóng thần, gây tử vong nhiều thì không hệ thống y tế nào, dù có tốt và hiện đại đến bao nhiêu, đủ cho chữa trị được. 

{keywords}

Vì thế, kết hợp với những phương án phòng bệnh, tập trung vào điều tra truy vết sẽ hiệu quả và rẻ hơn nhiều. Ví dụ, một cán bộ y tế đi điều tra, truy vết được được tính công  200 nghìn/ngày. Hơn nữa, các khu cách ly toàn là các tòa nhà, khu ký túc xá có sẵn rồi. Tất cả những chi phí đó, cộng với tiền ăn, không đáng bao nhiêu so với chi phí điều trị. Một bệnh nhân nặng điều trị Ecmo phải kéo dài 30 ngày với chi phí ước tính lên đến vài tỷ mỗi ca. Làm sao kham nổi?

Tuy nhiên, quan điểm của tôi là phải chú trọng hơn nữa vào hệ thống điều trị bên cạnh hệ thống dự phòng. Song song với điều tra, truy vết, chúng tôi cũng tập trung tăng cường nguồn lực cho khâu điều trị. Y tế Hà Nội vẫn liên tục đào tạo, tập huấn cho y bác sỹ, mua máy thở, oxy… Chúng tôi chạy song song chứ không chỉ tập trung vào khâu dự phòng.

Có một vấn đề tôi suy nghĩ lắm. Chi phí chữa bệnh Covid-10 không nên miễn phí 100% như hiện nay vì ngân sách nhà nước không thể gánh mãi được.

Xin hỏi bà một câu nhạy cảm, Hà Nội có giấu dịch không, và vì sao số ca tử vong thấp như vậy?

Không bao giờ chúng tôi làm chuyện đó, mà muốn giấu cũng không được. Bất kỳ khi nào phát hiện ca dương tính là chúng tôi đưa ngay mã lên hệ thống y tế của Hà Nội một cách công khai, minh bạch.

{keywords}

Tôi đã gắn bó với hệ thống y tế của Hà Nội mấy chục năm nay từ lúc ra trường nên tôi hiểu hệ thống y tế cơ sở của Thủ đô rất mạnh về dự phòng, về cộng đồng qua các chương trình tiêm chủng, phòng chống các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, kể từ đầu làn sóng dịch thứ tư, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo cả hệ thống chính quyền rất sát sao, tập trung rất mạnh vào khâu điều trị nữa.

{keywords}

Giờ nhìn lại, bà thấy điều gì đã giúp Hà Nội không bị bùng dịch dù có thời điểm, nguy cơ này là hiện hữu? 

Hà Nội có hai điều may mắn. Thứ nhất là Bí thư Thành ủy đã quyết định thực hiện chỉ thị 16 vào ngày 24/7 rất kịp thời, làm giảm đà lây lan rất đáng lo ngại.

Thứ hai, Hà Nội được cấp vắc xin đúng vào giai đoạn khó khăn nhất. Lúc đó, tôi và nhiều đồng nghiệp cầu mong, làm sao cầm cự được không để dịch bùng phát để chờ đến ngày có vắc xin.

Chính phủ đã thay đổi chiến lược sang “sống chung thích ứng an toàn” có kiểm soát dịch bệnh. Hà Nội sẽ thích ứng được chiến lược này vì đã phủ được 1 liều vắc xin cho đa số, nhưng điều quan tâm nhất hiện nay của tôi là làm sao có đủ vắc xin để tiêm liều hai cho người dân.

Tuy nhiên, Hà Nội không thể đứng một mình được. Cần đẩy mạnh tiêm chủng cho các tỉnh lân cận, tạo thành vùng liên kết. Nguy cơ dịch bệnh cần được đánh giá trên tỷ lệ tiêm chủng quốc gia chứ không phải tỷ lệ tiêm chủng trên tỉnh, thành phố của riêng Thủ đô được.

Tôi tiên lượng rủi ro phía trước còn nhiều. Dịch bệnh sẽ vẫn cứ lai rai, chưa chấm dứt được nhưng trở thành thảm hoạ, thành đại dịch thì chắc là không. Chúng ta phải rút kinh nghiệm là không nên tự tin thái quá nhưng cũng không lo lắng quá đà.

Tư Giang - Lan Anh

Thiết kế: Nguyễn Huệ

Chúng ta cùng chống virus chứ không phải chống nhau

Chúng ta cùng chống virus chứ không phải chống nhau

Sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết 128, hàng loạt tỉnh bắt đầu thay đổi các biện pháp chống dịch, tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông và sinh kế của dân.