Chúng tôi tìm đến nhà o du kích năm xưa vào một chiều cuối tháng 4, trong cái nắng cháy da, cháy thịt ở miền cát trắng xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu, đôi mắt ánh lên vẻ hào hứng, cô Phạm Thị Hồng Minh (72 tuổi) niềm nở: “Đợi con mãi, nghe có người đến để kể chuyện chiến tranh háo hức… ”.
Tiếp chuyện PV trên bộ bàn ghế gỗ, cô Minh kể lại những kỷ niệm một thời của o du kích năm xưa. Cô sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng tại xã Bình Dương. Bố và em gái là những chiến sĩ đã hy sinh. Em trai là thầy giáo ở vùng núi cũng hy sinh và được Nhà nước ghi nhận với bằng Tổ quốc ghi công.
14 tuổi, cô xung phong vào đội thiếu niên của xã, làm nhiệm vụ bám địch báo về cơ sở, đặt hầm chông chống địch, cô hồ hởi: “Lúc đó bên cạnh tôi lúc nào cũng có một rổ rau, cứ đi quanh thôn, quanh xã vậy. Khi nào phát hiện được địch tôi sẽ chạy về báo ngay cho sở chỉ huy.
Nhiều lúc bị địch giữ lại khám xét nhưng trên người cũng chỉ có một rổ rau nên không làm gì được, tôi được thả và tiếp tục bí mật hoạt động với nhiệm vụ được giao”.
Năm 15 tuổi, cô được đưa vào đội thanh niên du kích thôn, xây dựng làng phòng thủ, trực tiếp chiến đấu. Cô cũng được giao nhiệm vụ làm giao liên, chuyển giấy tờ từ xã này sang xã khác. Cùng với đó, cô dẫn bộ đội hành quân đi qua các điểm an toàn tại xã Bình Dương.
Đang kể, giọng cô trầm xuống, nước mắt chực trào, cứ loay hoay đan đôi bàn tay vào nhau. Trong giây phút đó, PV nhận thấy vẻ mặt đượm buồn, cô xúc động: “Hôm đó là một ngày trời nắng, khi đang ở nhà thì quân địch đi càn quét, bắt phụ nữ, trẻ em, thấy ai khả nghi sẽ thủ tiêu.
Chúng đến bắt tôi lại, tôi chống cự kịch liệt, ông nội lao ra cứu và bị địch bắn vào tay. Sau đó họ đưa ông lên máy bay và không còn tung tích của ông kể từ ngày đó…
Đó cũng là kỷ niệm nhớ nhất của tôi với ông nội, một kỷ niệm buồn và khắc sâu trong tâm trí”.
Qua những lần hoạt động thành công, đạt kết quả tốt nên o du kích ngày đó được đơn vị chuyển sang nhiệm vụ mới là đưa thư, đưa vũ khí đến Sơn Trà (Đà Nẵng) cho bộ đội ta. Khoảng thời gian này cũng là lúc tôi bị địch bắt đến 7 lần, trong đó có 6 lần trốn thoát.
Cô Minh tiếp tục câu chuyện với giọng cương trực: Trong 7 lần bị địch bắt, có lần bị giam mấy ngày thì được thả vì địch không tìm được điều bất thường.
6 lần còn lại kể hết thì dài lắm, nhưng cô sẽ cô đọng vài chuyện không thể quên…
Trầm tư một hồi, cô chỉ tay lên má trái của mình, một vết sẹo khá sâu, dài khoảng chừng 6cm. “Đây là vết tích của một lần bị dính đạn”. Lúc 18 tuổi, đúng vào năm Mậu Thân 1968, chiến sự đang đến hồi quyết liệt, cô nhận nhiệm vụ cùng một đồng chí khác hạ cờ của địch tại TP Hội An.
“Khi tôi trèo lên để giật cờ địch xuống, treo được cờ của mình lên thì trúng đạn sượt qua má. Tôi leo xuống và bơi qua sông với mặt lấm lem máu, trong người lúc này còn 4 viên đạn và 2 quả lựu đạn. Vừa đến bờ thì bị địch bắt”, cô nhớ lại.
Sau khi bắt, địch dẫn vào giam giữ tại Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Trong quá trình giam giữ, bị tra tấn bằng những đòn roi để khai báo nơi che giấu cách mạng, cô vẫn một mực không khai để đảm bảo an toàn cho đồng đội.
Bị giam giữ một thời gian, cô phát hiện được một lỗ hổng. Cô kể “lỗ hổng được tạo nên bởi, mỗi lần đi vệ sinh xong, những người bị giam giữ phải đổ chất thải vào một thùng phi chuyển ra ngoài. Đây là nơi duy nhất thông ra phía ngoài nhưng ít người canh giữ.
Tối đó cũng như mọi lần, tôi đổ chất thải xong thì nhảy luôn vào đó, trườn cùng thùng phi ra ngoài và bỏ chạy trong đêm về lại xã Bình Dương (cách nơi giam giữ khoảng 25km – PV)”.
Một tình huống dở khóc, dở cười khi về lại cơ sở, o du kích lúc đó nhận tin mọi người ở nhà đang chuẩn bị làm lễ truy điệu cho mình vì ai cũng nghĩ cô đã hy sinh.
Trời dần buông về tối, cô Minh trở mình, nhăn mặt có vẻ đau đớn ở xương rồi tâm sự “Lâu lâu nó lại đau như vậy”. Những trận tra tấn của địch nhớ đến hết đời, chúng đánh gãy răng, đầu cô mõm đi, dùng điện dí đến ngất… vẫn còn di chứng đến bây giờ.
Trong một lần khác, cô Minh bị địch bắt khi đang làm nhiệm vụ, chúng tra tấn cô bằng điện đến kiệt sức và vứt vào nhà xác. “Khoảng 1h sau tôi tỉnh dậy, thấy 2 người canh gác đang ngủ, tôi trườn ra ngoài…
Khi trườn đến vùng địch không phát hiện được, thường những khu vực này sẽ có mìn rất nhiều. Tôi nhặt túi bóng, bắt đom đóm bỏ vào để dò mìn, vì được dạy trước, nên tôi khoá hết những quả mìn đang chực nổ để trốn thoát an toàn”.
Hoà bình lập lại, 30 tuổi, cô Minh tìm được một nửa của đời mình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh vì chất độc màu da cam nên cô không thể sinh con. 4 năm sau, cô để người đàn ông của mình đi tìm hạnh phúc mới.
“Xác định phải sống vui vẻ, tích cực rồi nên không có gì buồn lắm”, cô nói.
45 năm trước, trong lúc đi học để làm Bí thư Chi đoàn ở Tam Kỳ, tôi đi cùng một người bạn. Tối đó, đang trên đường về thì nghe tiếng khóc của trẻ, lại gần thì thấy đứa bé còn đỏ hỏn.
Tôi xin áo của người đi cùng, quấn đứa bé lại và đưa vào bệnh viện. Cậu đó tôi chăm sóc, nuôi dạy và đó là đứa con trai Phan Việt Châu đang sinh sống cùng tôi bây giờ”.
Cuộc sống nghèo khó, mẹ con đùm bọc nhau qua ngày. 9 năm sau, trong một lần đi làm hộ sinh ở xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chứng kiến người mẹ sinh con ra nhưng không nuôi. Tôi đã mang bé về dưỡng dục...
Người con gái đó nay đã 36 tuổi, có gia đình và chuẩn bị đón đứa con thứ 2 của mình.
“Hai đứa con tôi nuôi từ lúc nó lọt lòng đến bây giờ. Vừa nuôi dưỡng, vừa dạy dỗ để chúng nên người.
Để có tiền nuôi dưỡng hai con, tôi phải làm nhiều ngành nghề khác nhau như Bí thư xã Đoàn, nhân viên y tế, làm nón, nấu đậu hũ…”.
Thời gian qua đi, o du kích ngày nào được Nhà nước ghi nhận với nhiều huân chương cao cả như Huân chương Kháng chiến hạng 3. Những huân chương đó như là “kỷ vật” của cô Minh trong quá trình chiến đấu gian khó, lưu lại kỷ niệm hào hùng của một thời chiến tranh.
Chủ tịch UBND xã Bình Minh Đặng Văn Hùng cho biết, hiện ở xã chỉ còn cô Minh là thương binh hạng 1 duy nhất.
“Hiện cô sống với mọi người rất giản dị, hoà đồng. Cô là người cách mạng kiên trung, một người Đảng viên gương mẫu, thường xuyên đóng góp xây dựng phong trào Chi bộ và Đảng bộ. Xã cũng thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ gia đình cô Minh trong mọi lĩnh vực”, ông Hùng nói.
Công Sáng