Phong tục tặng quà Tết thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt. Tuy nhiên, việc biếu tặng quà Tết ngày nay đang có xu hướng biến tướng thành hành vi vay- trả, hối lộ, tham nhũng gây bức xúc cho nhiều người dân.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái về câu chuyện này.
Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa PGS, phong tục tặng quà Tết đã mang những giá trị văn hoá sâu sắc như thế nào trong lịch sử của người Việt?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Bạn thân mến, trong các phong tục tập quán của người Việt ngày xưa, Tết được xác lập ở hai khía cạnh, một là nghi lễ thờ cúng tổ tiên và lễ chào hỏi người lớn tuổi và hai là việc "ăn Tết". Trong "ăn Tết", có một cử chỉ cực kỳ đẹp, gọi là tặng quà mừng tuổi. Mỗi một Tết là một tuổi, do vậy, người ta mừng việc nhiều tuổi lên, mừng thêm một tuổi mới. Chính phong tục lễ Tết đó đẻ ra việc phải tặng quà để mừng việc lên một tuổi và sum họp gia đình.
Giá trị văn hoá truyền thống là ăn Tết, quây quần tất cả họ hàng người ruột thịt dưới một mái nhà. Nhưng hiện giờ, phong tục ấy kết hợp, ảnh hưởng của văn hoá phương Tây vì văn hoá phương Tây có mục tặng quà Tết, trẻ con bắt đầu hồi hộp từ đêm Noel, họ có mùa Tết từ đêm Noel đến hết Tết Dương lịch. Phong tục tặng quà Tết chính là của phương Tây. Còn Việt Nam có phong tục "ăn Tết", trong đó có mục lì xì. Hai cái đó gặp nhau và hiện giờ, nếu nó có biến tướng thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Bởi vì xã hội thay đổi, quan hệ quốc tế thay đổi, giao lưu văn hoá thay đổi nên nó nhuốm một mùi hiện đại.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa PGS, bà nghĩ như thế nào về xu hướng biếu tặng quà Tết ngày nay, bởi ngoài những ý nghĩa tốt đẹp, một số lạm dụng việc biếu quà Tết đó để trục lợi cho cá nhân mình. Đó là hối lộ. PGS có bình luận như thế nào về hiện tượng này?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Bởi vì nó ảnh hưởng của kinh tế thị trường, của văn hoá phương Tây, nên Tết lại là dịp để trả ơn, trả nghĩa bằng tiền. Do vậy, núp dưới tất cả những quà tặng Tết ấy là cử chỉ trục lợi. Thậm chí, không tặng tiền, họ cũng trục lợi. Bạn có thể thấy, rất nhiều ô tô, xe công xin lộc của Bà Chúa Kho. Bởi vì người ta, theo kinh tế thị trường, toàn bộ các vấn đề là làm thế nào để làm ra được nhiều tiền nhất, họ đi xin cái đó.
Phong tục truyền thống là chỉ đến đó làm những câu chuyện như xin lộc, xin gia đình hạnh phúc, có cái ăn, cái để... giờ biến thành những cái như vậy. Cho nên, ấn Đền Trần cũng bị xiêu lạc, toàn bộ những sự xiêu lạc nằm ở trong việc rất rõ, biếu xén nhau trong Tết để vụ lợi. Cái đó rất đáng chê trách và phải thảo luận. Vì giờ, nó bị biến tấu, biến thái đi thành một phong tục hiện đại. Phong tục hiện tại này chứa rất nhiều mùi lợi nhuận, chứ không còn chưa cái bản thể văn hoá như ngày xưa nữa.
Ví dụ, Tết tôi muốn biếu bà tôi cái áo dài nhung, tôi hoàn toàn có quyền. Nhưng nếu mà cái áo dài nhung không phải biếu bà tôi, mà là biếu cho phu nhân của sếp thì lại là chuyện khác. Cái đó nó thay cho một lời là phải giúp đỡ tôi, phải thăng quan tiến chức cho tôi. Rõ ràng bây giờ, quà Tết bị biến tấu đến mức khủng hoảng, biến thành một cái gì như là đi lại.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa PGS, ở Mỹ, việc biếu tặng quà được quy định rất rõ ràng, trở thành nội quy một quan chức ở Mỹ chỉ được phép nhận quà dưới 20 USD. Có hẳn một trang web công bố công khai việc tặng quà và người dân có thể biết được ông Obama có thể nhận được bao nhiêu quà.
Ở Việt Nam, gần đây, một số bộ ngành đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin hối lộ. Theo PGS những hình thức như vậy đã đủ để trả lại giá trị văn hoá của câu chuyện tặng quà Tết hay chưa?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi thấy chưa đâu. Phong tục tặng quà Tết là của phương Tây. Còn Việt Nam không có cái kiểu như thế, nhưng Việt Nam không thể không hội nhập với thế giới.
Tôi cực kỳ thích cảnh tượng ông Obama được tặng quà bao nhiêu tôi đều biết cả, quy định mỗi món quà phải dưới 20 USD, thì quá thích. Nó nằm trong hệ thống phát triển của xã hội phương Tây, luật đàng hoàng. Tức là, khi đi biếu tặng quà Tết thì tôi quy định như thế này, anh trái luật thì anh sẽ bị xử nghiêm.
Còn ở Việt Nam, có đường dây nóng. Ô hay, tại sao lại là đường dây nóng? Ai đi biếu nhiều thì gọi đường dây nóng? Không, trước khi có đường dây nóng, phải có quy định trước đã. Ví dụ, quy định như nước Mỹ, tôi thấy rất nên đáng học tập.
Đường dây nóng là phát hiện ra những kẻ biếu quà tặng, trong đó có xin xỏ chức tước và các quyền lợi... thì trước tien, phải đưa ra tiêu chí cái đã. Tôi ủng hộ việc mình học tiêu chí quy định quà không nên quá 20 USD, Việt Nam nghèo, có thể không nên quá 10 USD chẳng hạn.
Tôi đưa bố tôi đi nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân do Đảng và Nhà nước trao tặng ở Nhà hát Lớn hôm 10/1 vừa qua, trong đó có một món quà mà tôi thấy phải kể ngay ra đây. Một món quà của Thành uỷ Đảng cộng sản thủ đô Hà Nội, ông mở ra là 1 triệu tiền Việt Nam và 2 USD Mỹ tiền may mắn. Đó là gì, sự du nhập quà tặng của phương Tây vào, nó thể hiện ở việc may mắn ở đồng 2 USD, không ai tặng 1 USD, cũng không tặng 5 USD, chỉ 2 USD thôi. Tôi cho rằng, đây là một sự hội nhập rất đẹp.
Trong xu thế mở cửa của nước mình và bản chất phát triển xã hội Việt Nam, quà tặng nên đúng chỗ, trong đó có giao lưu. Mình không tặng quà kiểu đấy, nhưng bây giờ mình giao lưu với phương Tây, mình học cốt cách tinh thần của họ, và vẫn không vi phạm gì đến chuyện quá cả.
Cả Đảng và Nhà nước, nhân dân cùng làm, tiêu chí rõ ràng, quy định rõ ràng thì việc gì phải đường dây nóng nữa!
Nhà báo Phạm Huyền:Xin cảm ơn về những chia sẻ thú vị của PGS!
Mọi người dân có thể gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng của Cục Chống Tham nhũng, Thanh tra Chính phủ để tố cáo các hành vi tham nhũng và tặng quà Tết trái quy định: 080.48228 - 0902.386.999 hoặc 0125.698.6688.
Tính đến cuối tháng 12/2015, có 220 cuộc gọi tố cáo hành vi có dấu hiệu tham nhũng và tặng quà Tết trái quy định.
VietNamNet