Căn cứ này được xây dựng vào năm 1942, song nó đã bị bỏ hoang do các nhà khoa học ở đây ăn phải thịt gấu nhiễm bệnh. Nơi này có thể là một phần trong sứ mệnh truy lùng đồ cổ của quân Đức.
Các nhà khoa học Nga phát hiện ra căn cứ bí mật "Kẻ săn kho báu" ở Alexandra Land, hòn đảo cách Bắc Cực 1.000km. Họ hiện đã tìm thấy hơn 500 món đồ.
Trên hòn đảo trơ trụi, hẻo lánh, có thể thấy dấu tích của Thế chiến II, đó là các vỏ đạn, mảnh vụn của cuộc xung đột vẫn nằm trên mặt đất. Ngoài ra, boongke đổ nát, thùng xăng rỗng và thậm chí là tài liệu giấy cũng vẫn còn.
Alexandra Land, đặt theo tên một phụ nữ trong giới quý tộc Nga, nằm ở vùng cực bắc của Vòng Bắc Cực. Đây là khu vực tranh chấp giữa nhiều nước, gồm cả Na Uy, vì có thể dùng nó để tới vùng săn cá voi.
Trong thời gian 1930 - 1990, trạm khí tượng của Đức Quốc xã là thứ duy nhất hiện diện thường trực trên hòn đảo trọc này.
Tuy nhiên, vào Thế chiến II, nó trở thành một địa điểm quan trọng chiến lược vì những báo cáo thời tiết mà nó đưa ra, vốn giúp triển khai các chiến dịch quân sự và vận chuyển tới vùng cực bắc.
Quân đồng minh đã chiếm hầu hết các khu vực thích hợp để đưa ra dự báo thời tiết, vì thế Đức Quốc xã đã đưa một nhóm nhà quan sát tới Alexandra Land. Hàng cung cấp cho nhóm quan sát trên được máy bay thả xuống.
Năm 1944, đội quân Đức Quốc xã ăn thịt gấu sống và bị nhiễm bệnh từ con giun tròn trong thịt sống. Ngay sau khi bệnh dịch hoành hành, các nhà khoa học này đã phải rút đi.
Đảo trên lại một lần nữa trở nên quan trọng vào Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô giành kiểm soát Bắc Cực và khi nguồn khoáng sản của khu vực trở nên rõ ràng. Hòn đảo nằm trong lãnh thổ của Liên bang Nga và nước này đang xây dựng một căn cứ quân sự thường trực tại đây.
VietNamNet