Cồn Cỏ là một hòn đảo nhỏ của tỉnh Quảng Trị, cách cảng Cửa Việt của huyện Gio Linh khoảng 15 hải lý. Hòn đảo này có diện tích khoảng 4 km2, chu vi 8 km, nằm ở độ cao từ 5 đến 30 mét so với mực nước biển. Cồn Cỏ có giá trị về địa chất cùng hệ sinh thái và cảnh quan đa dạng, lại không quá xa bờ, có tiềm năng du lịch hết sức phong phú, đa dạng. Đảo được ví như một bảo tàng thiên nhiên độc đáo, với các thềm đá bazan kỳ vĩ cùng các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ những đụn cát, san hô, sò điệp…Đặc biệt những mùa tắm kéo dài khi nước biển ở đây luôn trong và ấm. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, có địa hình cảnh quan đẹp. Màu xanh là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ bởi gần 74% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên. Ngành thủy sản đã phát hiện đáy biển Cồn Cỏ là một trong những vùng biển có rặng san hô tốt nhất đã được khảo sát tại Việt Nam. Cồn Cỏ còn có loài san hô đỏ rất quý hiếm với mật độ dày, hình khối rất đẹp, màu sắc hấp dẫn khác thường.
Các yếu tố đặc thù đó đã tạo cho Cồn Cỏ có những lợi thế, sức hấp dẫn riêng để phát triển du lịch sinh thái biển đảo với các sản phẩm, loại hình như tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, du lịch thể thao, lặn thám hiểm biển, câu cá, khám phá rừng nguyên sinh trên đảo…
Khoảng thời gian lý tưởng nhất để du lịch đảo Cồn Cỏ là vào mùa hè, từ khoảng tháng 3 đến tháng 8. Đây là thời điểm Biển Đông ít có biến động, sóng yên biển lặng, thời tiết rất thuận lợi để trải nghiệm du lịch biển.
Tháng 4/2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt, công nhận tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ. Theo thống kê, trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ hiện nay có 7 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với 73 phòng nghỉ, phục vụ 1 lượt cho trên 250 khách lưu trú. Dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ phục vụ với 2 tàu Con Co Tourist (sức chở 80 khách) và tàu Chín Nghĩa (sức chở 156 khách).
Có 5 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí đảm bảo phục vụ cho 500 khách với những món ăn đặc trưng của đảo cùng các loại hình dịch vụ hỗ trợ du lịch: cho thuê tàu đi quanh đảo, câu cá, lặn ngắm san hô, cho thuê lều bạt, xe đạp, các dịch vụ thể thao tại đảo…
UBND huyện đang tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời kích cầu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, kịp thời đăng tải thông tin, hình ảnh lên các phương tiện thông tin đại chúng để bạn bè trong và ngoài nước biết. Phối hợp với các Sở ban ngành, các đơn vị lữ hành tổ chức các đoàn Farmtrip, presstrip đến khảo sát du lịch Cồn Cỏ. Nghiên cứu phát triển thêm một số sản phẩm du lịch mới như: Nuôi trồng thuỷ hải sản phù hợp với điều kiện thời tiết ở trên đảo và khu vực vùng biển quanh đảo; phát triển một số loại hình du lịch phù hợp với điều kiện thực tế và cơ sở hạ tầng hiện có như: Du lịch lịch sử, trải nghiệm, “du lịch xanh”…
Trong thời gian tới, Cồn Cỏ sẽ tiếp tục phát triển hình thức du lịch cộng đồng với sự tham gia của đông đảo người dân, đi đôi với việc kêu gọi đầu tư xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ là đảo “Du lịch - Văn hóa - An toàn - Thân thiện”, là một đỉnh của tam giác du lịch “Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ”. Đưa Cồn Cỏ trở thành khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia, có đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí.
Cồn Cỏ sẽ phát triển theo hướng mở cửa, hội nhập, có tầm nhìn dài hạn và bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, thu hút các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các ngành có lợi thế như thủy hải sản, du lịch, dịch vụ biển. Để làm được điều đó, chính quyền huyện sẽ tiếp tục tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng; thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên vùng đảo.
UBND tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai kế hoạch thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ, vừa phục vụ mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rừng - biển, vừa phục vụ lợi ích cộng đồng địa phương thông qua việc khai thác hợp lý các sản phẩm tự nhiên từ rừng và dịch vụ du lịch sinh thái, vừa đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về quốc phòng, an ninh. Và như vậy, Cồn Cỏ không chỉ là địa chỉ đỏ của cách mạng mà còn là “địa chỉ xanh” về môi sinh và là địa chỉ đáng sống và đáng đến.