Dịp Tết Quý Mão 2023, các bầu sân khấu kịch phía Nam đưa ra nhiều chiến lược phù hợp nhằm thu hút khán giả ra rạp ngày xuân.
Tết Nguyên đán hàng năm luôn là khoảng thời gian các sân khấu kịch phía Nam sôi động nhất. Kịch Tết vừa là thói quen giải trí lâu đời của người dân vừa là khởi đầu năm mới của diễn viên sân khấu.
Đây cũng là dịp các sân khấu cạnh tranh lành mạnh qua việc tung các tác phẩm mới, dùng chất lượng vở diễn thu hút khán giả. Vì vậy, mỗi ông, bà bầu đều có những tính toán riêng.
Khai thác triệt để thế mạnh
Theo các bầu sân khấu kịch phía Nam, mỗi sân khấu có thể giữ vững thương hiệu, tồn tại đến hôm nay nhờ vào những thế mạnh riêng biệt. Vì vậy, chiến lược căn bản là khai thác triệt để thế mạnh đó.
Theo NSND Hồng Vân, kịch kinh dị luôn rất đắt vé dịp Tết. Vì vậy, chị chọn đến 4 vở kịch kinh dị trong tổng 5 vở (trừ vở tâm lý - tình cảm Thương thì thương thế thôi) diễn Tết năm nay.
"Tôi nghe thông tin năm nay Việt kiều về nước rất đông. Do vậy, Sân khấu kịch Phú Nhuận đã chuẩn bị kịch mục phù hợp phục vụ kiều bào ra rạp thưởng kịch cùng người thân, gia đình", chị nói với VietNamNet.
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chọn các tác phẩm kinh điển diễn Tết, trung thành dòng kịch tâm lý về tình yêu, thân phận con người, thời sự xã hội. Họ tin rằng đây là phương án an toàn để đảm bảo yếu tố doanh thu trước sự cạnh tranh lớn giai đoạn đầu năm.
Sân khấu kịch Idecaf đầu tư vào kịch thiếu nhi bên cạnh các tác phẩm phục vụ người thành niên.
Trong khi đó, Sân khấu kịch Idecaf và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B tập trung cho kịch thiếu nhi. Theo họ, các gia đình thường đưa con em đi hội chợ, khu vui chơi... ngày xuân.
Những tụ điểm trên thường trình diễn chương trình tạp kỹ, đôi khi không phù hợp với trẻ nhỏ. Vì vậy, các bầu sân khấu làm kịch thiếu nhi để người lớn có thêm lựa chọn đáng tin cậy cho con cháu mình dịp Tết.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết kịch thiếu nhi nói chung và chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa nói riêng luôn là thế mạnh của Idecaf nhiều năm qua.
Còn với bà bầu - NSƯT Mỹ Uyên, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B chỉ đang định hình thương hiệu kịch thiếu nhi nhưng thu về nhiều tín hiệu khả quan. Trước vở mới Đại náo long cung, 2 vở Bộ lạc nanh trắng và Vương quốc những người xấu xí hút khán giả.
Điểm đặc biệt, kịch thiếu nhi có xu hướng thu hút gia đình ra rạp. "Một số gia đình có đến 3 thế hệ cùng nhau đi xem kịch, đôi lúc có cả người giúp việc", chị cho hay.
'Hãy đầu tư xứng đáng'
Danh hài Minh Nhí nói với VietNamNet, Sân khấu Trương Hùng Minh "sinh sau đẻ muộn" nên hút khách bằng cách đặt hàng kịch bản chất lượng, mời dàn sao góp mặt như Hoài Linh, Thanh Điền, Công Ninh, Việt Hương, Lâm Vỹ Dạ…
Ngoài ra, phần cơ sở vật chất từ ghế ngồi, sàn diễn, sảnh chờ đến cảnh trí được anh và ê-kíp đầu tư mới hoàn toàn để khán giả có trải nghiệm tốt nhất suốt buổi diễn.
Hai vở kịch Tết tại Sân khấu kịch Thế giới trẻ năm nay đã bán được 70% vé. Chị An Thi - quản lý sân khấu - tiết lộ vở Thả thính mà hổng dính kết hợp với Hội Sân khấu TP.HCM có sự góp mặt của danh hài Hoài Linh.
Ngoài ra, vở Hợp đồng yêu đương còn có màn diễn cặp của Thu Trang và Diệu Nhi - 2 ngôi sao trở về "mái nhà xưa" sau nhiều năm hoạt động, gây tiếng vang trong lĩnh vực phim ảnh.
NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B - cho rằng không nên ngần ngại đầu tư các vở diễn tiềm năng. Chị không tiết lộ con số cụ thể nhưng kịch Tết thiếu nhi Đại náo long cung có mức đầu tư áp đảo các vở khác trong sân khấu.
"Chúng tôi đặt thiết kế riêng toàn bộ trang phục, đặt làm nhạc riêng và chăm chút bối cảnh. Vở diễn cũng quy tụ nhiều diễn viên hơn vở khác", chị nói.
Theo NSƯT, đầu tư không nên hiểu máy móc là "rót thêm tiền" mà còn là đầu tư cho chất lượng diễn xuất, chất lượng tác phẩm. Kịch thiếu nhi cần truyền tải kiến thức, bài học và thông điệp đúng đắn đến khán giả nhí.
Suất chiếu sớm, cộng sinh... và hơn thế nữa!
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh là đơn vị đầu tiên áp dụng suất chiếu sớm (sneak-show) trong lĩnh vực kịch nói. Đây là cách phát hành thường thấy ở lĩnh vực điện ảnh nhằm khuấy động sự quan tâm của khán giả dành cho các tác phẩm được trông chờ.
Đơn vị này đánh giá, việc áp dụng suất chiếu sớm trước khi công diễn vở Trái tim oan khuất thời điểm cuối năm 2022 đã bước đầu đạt hiệu quả thể hiện qua lượt đặt vé trực tuyến khả quan.
Trong khi đó, Sân khấu kịch Idecaf - vốn có lượng khán giả ổn định - đã phối hợp cùng Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM mở rộng điểm diễn với 700 ghế. Mục tiêu của đơn vị là thu hút học sinh, sinh viên - đối tượng khán giả tiềm năng lâu dài.
Hợp tác với các trường học hay đưa kịch vào học đường cũng là xu hướng của các bầu sân khấu. Tháng 11/2022, NSND Hồng Vân ký kết với Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thành lập Sân khấu kịch Học đường UEH.
Việc ký kết nhằm phát huy thế mạnh của đôi bên, nâng cao hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động, tận dụng các tiềm năng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chuyên môn để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo.
Bà bầu Mỹ Uyên cho hay, một số trường, bao gồm trường mẫu giáo, tìm đến Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B ký hợp đồng bao rạp để học sinh đến xem kịch như tiết học ngoại khóa.
Theo chị, việc hợp tác với những đơn vị sự nghiệp giúp sân khấu giảm áp lực bán vé rất nhiều nhưng cũng đặt ra thử thách không nhỏ. Đôi bên luôn trao đổi sát sao để tìm ra điều tốt nhất cho các em học sinh, đặc biệt là thiếu nhi.
con người là chiến lược quan trọng nhất
NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM nói so với các năm, thị trường kịch nói dịp Tết 2023 sôi động hơn hẳn. Đây là dịp thích hợp để ngành phục hồi và phát triển sau 2 năm “ngủ đông” vì Covid-19.
Dù vậy, ông cho rằng chất lượng kịch Tết của các sân khấu chưa đồng đều. Bên cạnh nhiều tác phẩm tốt, không ít vở vẫn còn hạn chế. Các vấn đề chủ yếu xuất phát từ kịch bản cũng như việc các diễn viên bận quay gameshow, phim Tết không dành nhiều thời gian chăm chút tác phẩm.
“Hội trông đợi vào mùa diễn Tết. Ngoài ý nghĩa khởi động, nó còn đo lường phản ứng của khán giả để từ đó các đơn vị có hướng đi phù hợp trong năm mới.
Các nghệ sĩ cũng nên dành thời gian nhìn lại mình, xem đã làm được và chưa được những gì để thay đổi, thu hút người xem. Đây là yếu tố sống còn nếu muốn tồn tại lâu dài trong bối cảnh như hiện nay”, NSND nói.
Theo kế hoạch, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM sẽ tổ chức Liên hoan Sân khấu Thành phố vào quý III. Sự kiện được kỳ vọng là dịp để sân khấu TP và khu vực phía Nam phát huy màu sắc riêng, mở ra cơ hội kéo khán giả trở lại rạp sau đại dịch Covid-19.