"Có thể khi mới bắt đầu, người ta còn chần chừ. Nhưng đến hôm nay, ai cũng thấy rằng, sáp nhập là một cơ hội lớn. Hà Tây cũ bây giờ trở thành ‘phần mở’ trong đôi bàn tay rộng lớn của Hà Nội”, bà An nói.
Ông Cường nhận định: “Những quyết định có tác động rộng thường cần thời gian để đánh giá toàn diện. Đối với một sự kiện quan trọng như việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, 17 năm là khoảng thời gian đủ dài để có cái nhìn khách quan và đưa ra những đánh giá dựa trên thực tiễn. Dù còn có những tồn tại nhưng tổng thể, sau 17 năm sáp nhập, rõ ràng nhìn thấy nhiều mặt được”.
Thực tế đã chứng minh điều đó. Mặt được rõ nhất, theo ông Cường, là không gian phát triển Thủ đô tăng lên, tạo điều kiện để giãn dân đô thị trung tâm.
Khi Hà Tây về với Hà Nội, mô hình đô thị của Hà Nội được hoạch định phát triển theo hướng “1 đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh” (Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên). Mục tiêu là giảm mạnh mật độ dân cư tại khu vực đô thị lõi, nhưng điều này chưa đạt được như mong muốn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo ông, nếu không mở rộng, nội đô sẽ còn chật chội hơn hiện nay rất nhiều. Thực tế, các khu đô thị mới được phát triển ở vùng ven đã góp phần thu hút đáng kể người dân di dời ra ngoài, tạo sự phát triển lan tỏa.
Thứ hai, hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, kết nối các khu vực. Quá trình này diễn ra nhanh chóng nhờ lợi thế nằm trên cùng một địa phương. Điển hình là quá trình giải phóng mặt bằng để xây dựng Vành đai 4 diễn ra thuận lợi.
Thứ ba, điều kiện phát triển vùng của Hà Tây cũ thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây còn tồn tại những khu vực có điều kiện khó khăn, thì giờ đây, khoảng cách đó dần được thu hẹp. Dù vẫn có những xã miền núi, những cộng đồng dân tộc thiểu số, nhưng nhìn chung, sự phát triển đã có bước tiến đồng đều hơn.
Thứ tư, nguồn lực để tạo ra sự phát triển mạnh hơn. Nếu huy động đủ nguồn lực cho chùm đô thị như kỳ vọng ban đầu, quy mô của Hà Nội sẽ còn lớn hơn nữa. Dù việc này chưa thực hiện được nhưng nhiều vùng có tiềm năng phát triển tốt đã được khai thác như Hoài Đức, Hoà Lạc, Mê Linh. Nếu không có cuộc sáp nhập này, Hà Nội sẽ không có không gian phát triển như hiện nay. Đặc biệt, trung tâm Hà Nội chịu áp lực quá tải về hạ tầng, dân cư và hình ảnh đô thị. Nếu không có không gian phát triển, việc xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại là rất khó.
Ông Cường nhấn mạnh: “Rõ ràng, việc sáp nhập với Hà Tây đã tạo điều kiện phát triển cho Thủ đô, giúp Thủ đô có quy mô xứng tầm với các đô thị hiện đại trên thế giới”.