Mới đây, các nhà khoa học đã khai quật được mẫu hóa thạch của loài động vật bay được mệnh danh là “sát thủ trên không” khổng lồ tại Mông Cổ. Sinh vật xuất hiện cách đây chừng 70 triệu năm, cai trị trên bầu trời Mông Cổ.
Theo mô tả, sinh vật thuộc họ Azhdarchidae, với sải cánh với kích cỡ của một chiếc máy bay cỡ nhỏ, có thể bay nhanh khỏi mặt đất chỉ trong vài giây, thậm chí ăn thịt được khủng long con. Sau khi nghiên cứu 5 mảnh đốt sống cổ hóa thạch tìm thấy tại khu khảo cổ Nemegt nằm trên sa mạc Gobi, Mông Cổ, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những nhận định kể trên.
Một bài báo đăng trên tạp chí JVP cho biết, kết quả hóa thạch là loài thằn lằn bay khổng lồ đã tuyệt chủng. Rõ ràng sinh vật này cũng tương tự như đốt sống của các loài thằn lằn khổng lồ khác. Vì vậy, các nhà khoa học suy luận sinh vật thuộc họ Azhdarchidae, cùng họ với Quetzalcoatlus – một loài thằn lằn bay được phát hiện năm 1971.
Sinh vật mới phát hiện có kích thước tương tự với con Quetzalcoatlus nổi tiếng, khiến nó trở thành một trong những động vật bay lớn nhất từ trước tới giờ. Song các nhà khoa học vẫn cho rằng, mọi nhận định ở thời điểm hiện tại vẫn còn vội vàng vì đây chỉ là mẫu hóa thạch của một cá thể. Có thể đó là cá thể lớn hoặc nhỏ hơn so với kích thước thực tế của đồng loại. Nhưng loài săn mồi này có cổ dày, không cân xứng với phần còn lại của cơ thể. Nếu nó lớn hơn nhiều so với con Quetzalcoatlus thì kích thước quá cồng kềnh để bay lượn.
Tính tới thời điểm này, đây là phát hiện đặc biệt thú vị với loài sinh vật kể trên chưa từng được tìm thấy tại châu Á. Điều đó đồng nghĩa với việc phạm vi hoạt động của chúng kéo dài từ Bắc Mỹ tới châu Âu và châu Á, thay đổi hoàn toàn về nhận định trước đây liên quan tới khu vực sinh sống của chúng.
Pterosaur hay thằn lằn bay là loài bò sát có cánh chứ không phải khủng long. Tương tự như vậy, plesiosaurs là loài bò sát biển khổng lồ cũng sống trong thời đại khủng long. Cả 3 nhóm động vật từ đất liền, biển và không gian sống chung trên trái đất nhưng đều đã tuyệt chủng.
Theo Newsweek/WK Dantri