Gần đây, không ít các bậc phụ huynh lo lắng khi trẻ vừa tháng trước vào viện vì sốt virrus, tháng sau lại nhập viện vì cúm A, cúm B, sốt xuất huyết... Trường hợp con gái chị Linh ở (Hà Đông, Hà Nội) là một điển hình. Bé gái 5 tuổi mắc cúm B, phải điều trị tại nhà suốt 1 tuần. Tuy nhiên, 2 tuần sau, trẻ tiếp tục mắc sốt xuất huyết.
"Con ốm liên miên khiến cháu bị giảm cân, mặt hốc hác. Gia đình tôi cũng mệt mỏi vô cùng", chị Linh cho biết.
Tại các khoa nhi của các bệnh viện, tình trạng quá tải cũng xảy ra cả tuyến trung ương và địa phương. Ở Bệnh viện Thanh Nhàn, giai đoạn cao điểm, trẻ phải nằm ghép 3 người/giường, 1 bác sĩ phải đảm nhiệm điều trị cho 30 bệnh nhi. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng thường trong tình trạng "kín giường".
Theo PGS.TS Nguyễn Diệu Thúy - Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội, một trong số các nguyên nhân là do hậu quả của “nợ miễn dịch”. Theo đó, trẻ không đạt miễn dịch tự nhiên theo đúng độ tuổi do thời gian trẻ giảm tiếp xúc xã hội kéo dài. Khi quay trở lại trường, nhiều loại dịch bệnh thông thường (cúm, adeno, sốt xuất huyết…) lại trở nên phức tạp, khiến trẻ dễ tiến triển nặng và thời gian khỏi bệnh lâu hơn.
Theo chuyên gia, bên cạnh tiêm phòng vắc xin, vận động hợp lý, bổ sung dinh dưỡng là yếu tố giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện có 60% trẻ thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có một trẻ thiếu sắt.
Trong khi đó, không phải cứ cho trẻ thức ăn giàu sắt và thức ăn giàu kẽm là hấp thu 100%. Tỷ lệ hấp thu sắt từ thức ăn khá thấp chỉ từ 5-15%, kẽm từ 10-30%. Do đó chế độ ăn hàng ngày của trẻ dưới 5 tuổi chỉ đáp ứng được 50% kẽm và sắt, ngoài ra trẻ còn dễ bị nhiễm giun sán, rối loạn tiêu hóa thường xuyên cũng là nguyên nhân gây giảm hấp thu sắt, kẽm.
PGS.TS Diệu Thúy cho biết thêm, lúc trẻ đang bệnh, virus, vi khuẩn lấy các vi chất dinh dưỡng đặc biệt là sắt để sinh sôi và phát triển. Trong khi tần suất trẻ bị bệnh một năm trung bình khoảng 2-3 đợt. Chính vì vậy giai đoạn trẻ 6 tháng – 5 tuổi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” trẻ rất dễ mắc bệnh và có nguy cơ thiểu kẽm và sắt cao.
PGS.TS Diệu Thúy khuyến cáo phụ huynh không bổ sung sắt và kẽm khi trẻ đang bệnh. Bởi lúc trẻ đang bị bệnh, virus, vi khuẩn lấy các vi chất dinh dưỡng đặc biệt vi chất dinh dưỡng sắt để sinh sôi và phát triển. Chính vì vậy, khi đang bệnh không sử dụng sản phẩm có vi chất sắt.
Không ít phụ huynh thắc mắc liệu có cần phải xét nghiệm trước khi bổ sung sắt và kẽm hay không, Ths.BS Lê Thị Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc xét nghiệm vi chất là không cần thiết trừ khi có chỉ định của bác sĩ khi có nghi ngờ thiếu hụt lớn và đang ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, khi bổ sung sắt và kẽm, việc cân bằng hàm lượng là điều quan trọng. Vì vậy nên lựa chọn sản phẩm có cả sắt và kẽm với tỉ lệ 1:1 để cơ thể trẻ hấp thu được tốt nhất.